Em chồng "giận cá chém thớt"?

03/04/2024 - 10:45

PNO - Mâu thuẫn với gia đình chồng đã thành "bé xé ra to", đến mức chị muốn đoạn tuyệt quan hệ, có phần nào ở cách cư xử chưa khéo léo của chị.

Chị Hạnh Dung thân mến,

Tôi và chồng kết hôn được 10 năm. Gia đình anh đông con, anh là con thứ ba trong gia đình, lại có hiếu nhất trong các anh em.

Đến bây giờ, anh cũng chỉ chăm lo cuộc sống cho bố mẹ và anh em của anh, còn tất cả mọi việc từ cơm, áo, gạo tiền... cho gia đình nhỏ của chúng tôi, một tay tôi lo hết. Chồng tôi ở rể cả 10 năm nay. Ông bà nội chẳng hề chăm tôi lúc ốm đau, sinh đẻ.

Tôi đi làm quần quật suốt ngày, không có thời gian đi chơi, ghé thăm bố mẹ chồng. Một hôm, mẹ chồng tôi bệnh, nhưng không ai cho tôi hay. 3-4 ngày sau, em chồng nhắn tin nói bóng gió tôi bất hiếu với ông bà. Đến lúc này, tôi mới biết chuyện.

Tôi hỏi thì chồng bảo mẹ chỉ bị ho do thời tiết, chỉ vì em chồng cãi nhau với anh nên lôi tôi ra "đỡ đạn". Em ấy nói tôi thế này thế nọ, còn bảo xem như không có chị dâu như tôi; trong khi tôi chưa lên tiếng 1 lời nào vì đang bận kèm con luyện thi cấp huyện, xưa giờ tôi cũng ít qua lại, và không nhờ vả gì gia đình chồng.

Quá bức xúc, nên tôi có xuống nhà mời ông bà vào thưa chuyện. Vì cả gia đình em chồng đang sống chung với ông bà. Cũng may bố chồng tôi là người hiểu chuyện, và bênh vực tôi. Sau sự việc đó, em chồng xúi anh chồng lên nhà chửi vợ chồng tôi thậm tệ. Tôi có xuống nói chuyện với anh ấy và anh cũng đã nhận mình sai.

Nhưng mẹ chồng tôi lại nghe lời xúi bậy của em gái, đi méc mẹ ruột tôi. Kể từ đó, tôi không muốn qua lại với gia đình chồng, cũng không cho con cái lui tới nhà ông bà nội nữa. Tôi không muốn liên quan gì đến gia đình chồng. Ngay cả người chồng thiếu trách nhiệm, tôi cũng muốn ly hôn.

Tôi phải làm sao đây?

Hoa Quỳnh trắng nở muộn

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chị Hoa Quỳnh thân mến,

Ông bà có câu "Tiên trách kỷ, hậu trách nhân", tức là trước khi trách móc và lên án một ai đó, hãy thử nhìn lại xem mình có hoàn toàn đúng hay không. Với người ngoài là như vậy, mà với người thân của mình, mình càng nên như vậy, chị nhé!

Hãy cùng Hạnh Dung phân tích xem có phải mình cũng còn thiếu sót nào đó với gia đình chồng, để xảy ra những mâu thuẫn không đáng có hay không?

Trong thư của chị có một câu khiến Hạnh Dung cảm thấy vô cùng "lấn cấn": xưa giờ tôi ít qua lại và cũng không nhờ vả gì gia đình chồng. Cứ như rằng với chị, gia đình chồng cũng chỉ như hàng xóm hay người quen nào đó, nên chuyện "ít qua lại" cũng chẳng có vấn đề gì, và "không nhờ vả" có nghĩa là chẳng cần phải liên quan?

Chị viện lý do bận đi làm quần quật suốt ngày, nên không có thời gian thăm hỏi cha mẹ chồng. Mẹ chồng bệnh, chị cũng không biết vì không ai nói. Thế nhưng, Hạnh Dung nghĩ, cha mẹ chồng cũng là cha mẹ mình, dù có bận đến mấy, nghĩa vụ làm con, làm dâu vẫn là phải dành thời gian thăm hỏi, chăm nom, săn sóc.

Đồng ý là chồng không nói chuyện mẹ bệnh, chị không biết. Nhưng nếu đã biết rồi, là con dâu, chị phải quan tâm, hỏi thăm, thậm chí là mua sữa bánh, trái cây về xem mẹ thế nào. Chị thờ ơ và viện cớ bận, rồi lo cho con học như thế, theo Hạnh Dung nghĩ, là lỗi đạo dâu con rồi.

Em chồng chị là phận em, mà trách móc chị, còn đánh tiếng với chị trên FB, tức cô ấy có cách cư xử không đúng với người lớn. Chị bực tức vì điều đó thì nên gọi em chồng sang để nói thẳng. Chị là vai chị, có quyền la mắng khi em cư xử không phải với mình.

Nhưng chị sang nhà chồng (khi bị chọc tới tự ái thì chị mới dành thời gian để sang nhà họ), nhưng không phải để thăm nom sức khỏe cha mẹ chồng, mà là để "mời ông bà vào thưa chuyện", Hạnh Dung nghĩ đây là cách cư xử không khéo léo.

Chị có thể sang thăm ông bà là chủ yếu, nhân tiện, gọi cô em ra nhắc nhở riêng, thì sẽ hay hơn. Sao lại dùng cách này, như là "mắng vốn" ông bà về con gái họ?

Cũng may, cha chồng chị, theo từ chị dùng là "hiểu chuyện", nên bênh chị. Nhưng Hạnh Dung cho rằng chị dùng từ "hiểu chuyện" vì chị nghĩ mình chả có lỗi gì, thì không đúng đắn lắm. Chẳng qua ông chỉ mong giữ gìn hòa khí trong gia đình, nên đã hiểu cho chị mà thôi.

Mẹ chồng (chứ không phải anh em chồng) qua nói chuyện với mẹ chị, mà chị đã tức giận đến mức muốn phá tan hết mọi mối quan hệ, thì chị thử đặt mình ở vị trí ngược lại mà anh em chồng đã phải nhìn thấy, khi chị qua nói chuyện với bố mẹ họ, liệu họ có nên tức giận?

Hạnh Dung cũng không phê phán chị đúng hay sai, vì chuyện gia đình chỉ người trong cuộc mới rõ. Nhưng bây giờ, chuyện đã thành "bé xé ra to", có phần nào ở cách xử sự chưa được khéo léo của chị.

Từ chuyện khúc mắc với em chồng, chị lại "giận cá chém thớt", muốn đoạn tuyệt với gia đình chồng, với cả người bố chồng, anh chồng "hiểu chuyện" mà bênh chị, cấm con cái qua lại với ông bà nội, rồi thậm chí là ly dị chồng... Có phải chị đang quá tự tôn và nóng nảy hay không?

Gia đình chồng cũng có thể rất buồn khi chị cắt đứt quan hệ. Nhưng thiệt hại đầu tiên chính là chị và gia đình nhỏ của chị. Hạnh phúc tan vỡ, con cái sẽ phải chịu cảnh "tan đàn xẻ nghé" chỉ vì chút tự ái của chị.

Thêm vào đó, mất đi cả gia đình bên nội, với các cháu cũng là mất mát không nhỏ đâu chị. Những đứa trẻ lớn lên trong cảnh gia đình nhỏ, gia đình lớn sum vầy là một phước đức rất lớn.

Mong rằng bức thư này chị viết chỉ là trong một cảm xúc thiếu kiềm chế, tức giận. Khi bình tĩnh lại, chị sẽ suy xét mọi việc thấu đáo hơn, mà có những điều chỉnh hợp lý, để gia đình được bình yên.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(8)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI