Em bé nuốt dây kim loại từ rây làm cháo ăn dặm

29/01/2021 - 14:40

PNO - Khi đang ăn cháo, em bé 8 tháng đột nhiên quấy khóc rồi nôn ra cháo lẫn dịch nhầy. Sợ con bị hóc xương, mẹ đưa bé đi cấp cứu.

 

Sợi kim loại sau khi được lấy ra bên ngoài
Sợi kim loại sau khi được lấy ra bên ngoài

Bé trai V.T.Đ. (8 tháng tuổi, ở huyện Bình Chánh, TPHCM) đang ăn cháo cá mẹ rây thì bỗng nhiên bỏ ăn, quấy khóc, nôn ra cháo, lẫn một ít dịch nhớt và được đưa đi cấp cứu.

Sau khi chụp X-quang cổ nghiêng, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố phát hiện có dị vật còn nằm ở họng nên tiến hành soi gắp khẩn cho bé.

Tuy nhiên, dị vật được gắp ra không phải xương cá mà là sợi kim loại mảnh nhưng rất cứng, nhọn 2 đầu, dài gần 2cm. Sợi kim loại cắm sâu vào vùng hạ họng.

Bác sĩ Trần Thiện Nhơn -  khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết: “May mắn dị vật chưa xuống sâu hơn nên tính mạng bé không gặp nguy. Nếu không được gắp ra kịp thời, sợi kim loại này có thể làm thủng đường tiêu hóa.

Dị vật nguy hiểm nói trên được xác định là rơi ra từ dụng cụ dùng để rây thức ăn bằng lưới thép. Sợi kim loại rơi ra và bị lẫn vào cháo trong quá trình rây cháo cho bé ăn dặm”.

Bé trai 8 tuổi được nội soi để lấy sợi kim loại ra khỏi vùng họng
Bé trai 8 tuổi được nội soi để lấy sợi kim loại ra khỏi vùng họng

Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, từ trước đến nay, rây lọc vốn là dụng cụ được dùng rất nhiều trong các gia đình có trẻ nhỏ khi chế biến thức ăn, nhằm nghiền nhỏ cơm, cháo, các loại thịt cá, rau củ hay loại bỏ xương cá, gà, lợn... có trong cháo.

Thế nhưng trong trường hợp này, nó lại biến thành thứ gây nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ. Vậy nên các bậc phụ huynh, bảo mẫu trong quá trình chăm sóc con cháu mình phải hết sức cẩn thận.

Nếu gia đình nghi ngờ các cháu bị hóc thì nên đưa đến các cơ sở y tế ngay, không nên tự chữa bằng mẹo vì có thể sẽ nguy hiểm hơn cho các cháu và gây thêm khó khăn cho các bác sĩ trong quá trình thăm khám, xử lý sau đó.

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI