Em bé có thận “lạc chỗ” trên lồng ngực

15/08/2024 - 16:56

PNO - Nhập viện trong tình trạng đau tức ngực, nhiễm khuẩn hô hấp tái diễn, bệnh nhi bất ngờ được phát hiện nhiều tạng thoát vị và thận lạc chỗ ở lồng ngực.

Hình ảnh thận lạc chỗ trên lông ngực của trẻ
Hình ảnh thận lạc chỗ trên lồng ngực của trẻ - ảnh BVCC

Ngày 15/8, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết vừa tiếp nhận bệnh nhi T.Q.D. (6 tuổi, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng đau tức ngực và nhiễm khuẩn hô hấp tái diễn nhiều lần.

Trẻ được các bác sĩ thăm khám lâm sàng, chụp X-quang và chụp cắt lớp vi tính lồng ngực. Hình ảnh cho thấy, trẻ bị thoát vị cơ hoành bên trái (thoát vị hoành là tình trạng các tạng ở ổ bụng di chuyển ngược lên lồng ngực, thông qua những lỗ khuyết ở cơ hoành, thường là vị trí lỗ sau và bên trái của cơ hoành). Tạng thoát vị là lách, đại tràng, ruột non kèm theo thận trái “lạc chỗ” trên lồng ngực.

Nhận thấy đây là trường hợp thoát vị hoành phức tạp, các bác sĩ của bệnh viện đã thống nhất chẩn đoán và chỉ định phẫu thuật nhằm đưa các tạng thoát vị trở lại ổ bụng, tạo hình cơ hoành trái.

Trong phẫu thuật, do các tạng thoát vị đã tồn tại trong lồng ngực trong thời gian dài, kèm theo kích thước lồng ngực trẻ lớn, nên tổn thương dính và chảy máu. Đặc biệt, trong mổ, nhóm phẫu thuật viên phát hiện bất thường là phổi biệt lập với nguồn động mạch cấp trực tiếp từ động mạch chủ ngực và tĩnh mạch đổ về tĩnh mạch thận trái lạc chỗ.

Sau 3 giờ đồng hồ phẫu thuật, khối phổi biệt lập bất thường của trẻ được loại bỏ. Các tạng thoát vị bao gồm cả thận trái lạc chỗ được đưa trở lại ổ bụng. Cơ hoành trái được tạo hình và trở lại với vị trí giải phẫu bình thường. Hiện trẻ hoàn toàn khỏe mạnh và đã được ra viện.

Các bác sĩ cho hay, thoát vị hoành với thận lạc chỗ trên lồng ngực là thương tổn hiếm gặp (chiếm 0,25% trên tổng số các trường hợp thoát vị hoành). Trên y văn thế giới, tổn thương này chỉ được báo cáo với các ca bệnh lâm sàng riêng lẻ. Ngoài ra, tổn thương trong ca bệnh của cháu T.Q.D, kèm theo dị tật bẩm sinh của đường hô hấp dưới, có liên quan về mạch máu với thận lạc chỗ, mà không quan sát thấy trên thăm dò hình ảnh trước phẫu thuật.

Hiện nay, với sự phát triển của các phương pháp chẩn đoán trước sinh, bệnh lý thoát vị hoành có thể chẩn đoán sớm từ trong thai kỳ, giúp tiên lượng sự phát triển thai nhi và giúp chuẩn bị tốt nhất trong công tác hồi sức, tăng đáng kể khả năng cứu sống người bệnh.

H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI