Em bé chào đời từ mẹ bị ung thư vú giai đoạn cuối, ngày ăn 8 cữ

24/05/2019 - 14:11

PNO - Tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương (Hà Nội), các bác sĩ cho biết, sức khỏe bé Bình An tiến triển tốt, đã có phản xạ và đang được tập ăn ngày 8 cữ, với 4ml sữa/lần.

Hiện chị Nguyễn Thị Liên – người phụ nữ bị ung thư vú giai đoạn cuối vừa sinh con vẫn đang nằm điều trị tại Bệnh viện K Trung ương. Chị đã hồi tỉnh và uống được sữa sau ca vượt cạn thiêng liêng. Tuy nhiên, hai mẹ con chị Liên vẫn chưa thể gặp nhau. 

Em be chao doi tu me bi ung thu vu giai doan cuoi, ngay an 8 cu
Bé Đỗ Bình An trong vòng tay của bác sĩ.

Em bé Đỗ Bình An vừa chào đời liền được chuyển sang Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Tính đến thời điểm hiện tại, sức khỏe bé Bình An tiến triển tốt, có phản xạ và đang được tập ăn ngày 8 cữ, với 4ml sữa/lần. 

PGS.TS Trần Danh Cường - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương - cho biết, khi mổ lấy em bé ra, bé khóc ngay dù thai chỉ 31 tuần tuổi. Đặc biệt người mẹ mắc bệnh ung thư di căn đến xương, phổi - nơi cung cấp oxy cho thai nhi nhưng em bé vẫn phát triển bình thường.

Bác sĩ Cường nhấn mạnh, việc nuôi dưỡng thành công các bé có cân nặng khi sinh 1,5 kg không khó. Tại Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương - nơi mỗi năm tiếp nhận khoảng 22.000 trẻ sơ sinh nhẹ cân, cực non tháng với đủ thứ bệnh lý, có những bé chỉ vỏn vẹn 500 gr mà vẫn có thể sống sót. 

Em be chao doi tu me bi ung thu vu giai doan cuoi, ngay an 8 cu
Mỗi ngày bé Bình An được tập ăn đến 8 cữ để sớm tăng cân do sinh non.

Câu chuyện cảm động về mẹ con chị Liên vượt cạn an toàn là sự thành công của ngành y tế, đặc biệt là sự phối hợp liên viện rất nhịp nhàng giữa các bác sĩ Bệnh viện K Trung ương và Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Các bác sĩ Bệnh viện K Trung ương đã duy trì sự sống cho chị Liên bằng mọi cách, giúp kéo dài tuổi thai cho em bé đến 31 tuần tuổi trong khi tình cảnh của mẹ rất nguy hiểm, phải điều trị hoá chất nhiều đợt. 

Với một người mang thai khi ung thư di căn phải ngồi để thở luôn có sự chăm sóc từ bàn tay của bác sĩ, chia sẻ về khó khăn trong quá trình mổ lấy thai, PGS. Cường cho biết, thai phụ không thể nằm nên các bác sĩ phải mổ cho chị ở tư thế ngồi – đây là tư thế khó để thực hiện mổ sinh, bệnh nhân suy yếu nên các thao tác mổ phải đảm bảo nhanh, chính xác.

Các bác sĩ phải “căng mình” làm sao nhanh chóng kết thúc cuộc mổ để hồi sức cho mẹ, đảm bảo tính mạng cho cả mẹ và bé.

Em be chao doi tu me bi ung thu vu giai doan cuoi, ngay an 8 cu
Hiện mẹ bé Bình An vẫn đang nằm điều trị ung thư vú giai đoạn cuối.

PGS. Cường cũng khuyến cáo các chị em cần chú ý sàng lọc phát hiện sớm ung thư, ngoài ung thư vú còn có ung thư cổ tử cung và các loại ung thư khác để có sự tư vấn và điều trị kịp thời, tránh những nguy hiểm trong quá trình mang thai và sinh nở.

Như Báo Phụ Nữ TP.HCM thông tin, chiều 22/5, gần 20 bác sĩ Bệnh viện K, Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã quyết định mổ bắt con cho thai phụ Nguyễn Thị Liên (28 tuổi, quê tại huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) bị ung thư vú giai đoạn cuối.

Mang trong mình căn bệnh ung thư vú di căn tới tận phổi, xương; sản phụ Liên vẫn kiên trì đến giây phút cuối cùng với hy vọng con ở trong bụng mẹ thêm được ngày nào thì cơ hội sống của bé càng cao.

Bệnh nhân nhập viện điều trị 2 đợt hóa trị khi thai kỳ ở tuần 22 với sự theo dõi sát sao của các bác sĩ. 6 tuần sau khi hóa trị, bệnh nhân xuất hiện dấu hiệu khó thở, bác sĩ đánh giá tổn thương tràn dịch màng phổi nên quyết định cho chị sinh mổ khi thai được 31 tuần.

An Bình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI