Em bé bị bỏ quên hay thói quen bị bỏ quên?

09/08/2019 - 11:30

PNO - Nếu một đứa trẻ có thói quen quan sát, nó sẽ nhận ra ngay đứa bạn ngồi cạnh nó, ngồi gần nó, đang ngủ quên trên xe. Ít nhất nó sẽ lay bạn: “Dậy, dậy, tới trường rồi!”.

 Và nỗi lo lắng cho sự an toàn của con, sau vụ này, còn nhân lên gấp bội. Đó là nỗi lo không của riêng bạn. Nhiều phụ huynh bắt đầu hoang mang một điều, không phải cứ dành cho con tất cả những gì tốt đẹp nhất, môi trường điều kiện nhất, dịch vụ đắt đỏ nhất, là đã có thể yên tâm giao con cho người khác với ý nghĩ chúng đang được bảo vệ trong vùng an toàn.

Sự việc này có một sức ảnh hưởng sâu rộng về mặt xã hội, đến mức có người còn cho rằng đứa trẻ cần được yên nghỉ thay vì trở thành đề tài mổ xẻ trong cơn khủng hoảng truyền thông. Nhưng cũng có người lại phản biện, đây không phải là khủng hoảng truyền thông, mà chúng ta đang bị khủng hoảng về nhân cách.

Em be bi bo quen hay thoi quen bi bo quen?
Trường Gateway trong tâm điểm dư luận mấy ngày nay

Người ta không ngừng chỉ trích sự tắc trách trong quản lý, sự lỏng lẻo trong quy trình, sự hời hợt trong kiểm soát của các bộ phận trực tiếp và liên quan gây ra cái chết cho cậu học sinh lớp Một Trường Gateway.

Người ta không ngớt lên án sự vô tâm, thiếu trách nhiệm của cô giáo, cô phụ trách đưa đón học sinh, hay anh tài xế... Người ta bàn nhiều về sự thiếu đồng bộ trong lời khai của những cá nhân liên quan, về những thông báo gây phẫn nộ dẫn đến chuyện phải tháo xuống của cán bộ nhà trường, về những chi tiết nghi vấn trong cái chết của cậu bé…

Chưa kể sau vụ này, người ta bắt đầu giật mình nhận ra mình chưa dạy con các kỹ năng thoát ra khỏi một chiếc xe đóng kín, dạy con vẫy tay sát cửa kính kêu cứu, cách phá cửa kính bằng búa có sẵn trong xe, cách nhấn còi dù xe đang tắt máy, cách bấm đèn Hazard trên tablo buồng lái, cách mở chốt cửa bên trong... Nhưng có một điều ít ai nhận ra, dường như cuộc sống công nghiệp vội vã đã khiến chúng ta đang dần quên một kỹ năng tưởng chừng không còn quan trọng, đó là quan sát những con người, sự vật, hiện tượng, đang xảy ra xung quanh mình.

Em be bi bo quen hay thoi quen bi bo quen?

Ảnh minh họa

Khi tôi nói ra điều này, bạn tôi còn ngờ ngợ, ừ nhỉ, nếu một đứa trẻ có thói quen quan sát, nó sẽ nhận ra ngay đứa bạn ngồi cạnh nó, ngồi gần nó, đang ngủ quên trên xe. Ít nhất nó sẽ lay bạn: “Dậy, dậy, tới trường rồi!”.

Nếu người phụ trách đưa đón trẻ có ý thức quan sát, họ sẽ rà soát trên xe còn ai hay không. Nếu anh tài xế chịu khó quan sát, sẽ không bỏ mặc chiếc xe suốt 9 tiếng đồng hồ mà không kiểm tra mọi vị trí, mọi bộ phận trên xe có gì bất thường. Và nếu cô giáo biết quan sát, sẽ không có chuyện không phát hiện sĩ số học sinh khuyết đi một em, trong suốt một ngày dài đứng lớp giảng dạy.

Người ta có thể đổ lỗi cho nhiều nguyên nhân gây nên cái chết tức tưởi cho cậu học sinh bé nhỏ, toàn những nguyên nhân to bự, nhưng thực chất chỉ cần một người trong số những nhân vật liên quan chịu quan sát một chút, thì đứa trẻ có lẽ đã được cứu sống, và chuyện đau lòng đã không xảy ra.

Kỹ năng quan sát có cần thiết không? Không phải sau vụ việc này, người ta mới nhận ra nó quan trọng với đời sống con người đến như vậy. Từ ngàn xưa, kỹ năng quan sát đã được ông bà mang ra răn dạy con cháu. “Ăn coi nồi, ngồi coi hướng”, không chỉ hướng dẫn con cháu cách ăn, cách ngồi cho đúng phép tắc, lễ nghĩa, mà còn dạy người ta biết quan sát xung quanh để phán đoán và xử lý tình huống đúng mực.

Trong giao tiếp, việc quan sát thái độ người đối diện sẽ giúp bạn biết chọn lựa cách ứng xử phù hợp. Trong sinh hoạt đời thường, quan sát giúp hạn chế tối đa những rủi ro dẫn đến những tai nạn mà khi lơ đễnh, bạn sẽ không tài nào nhận ra. Thói quen quan sát còn giúp bạn phán đoán và lường trước một sự việc, hiện tượng sẽ diễn ra, để tùy cơ ứng biến, hoặc thậm chí còn đoán được tính cách của một ai đó.  

Bạn tôi cho rằng con người ngày càng ít quan sát, có thể là hệ quả của việc họ ngày càng bận rộn và tập trung quá nhiều vào một thứ, chẳng hạn như điện thoại di động, máy tính bảng…

Em be bi bo quen hay thoi quen bi bo quen?
Chiếc xe bus chở học sinh ở Mỹ bị từng CIA bỏ quên một... khối bom

Tôi không chắc lắm về điều này, nhưng rõ ràng bộ não của chúng ta có xu hướng tự động hóa rất nhiều hoạt động hằng ngày để tiết kiệm năng lượng. Đó là lúc chúng ta làm các công việc theo thói quen mà không cần phải suy nghĩ quá nhiều. Nhưng khi có một việc quan trọng nào đó phải tập trung, não của chúng ta sẽ dồn năng lượng cho mỗi việc đó và sẽ tự động hóa hoặc đơn giản hóa các yếu tố khác. Chẳng hạn khi bạn chỉ tập trung vào chiếc điện thoại trên tay, làm sao bạn còn xem chuyện quan sát người bên cạnh bạn đang làm gì là quan trọng nữa. Lâu dần bạn sẽ quên hoặc không còn nhu cầu quan sát mọi thứ xung quanh mình, cuộc đời bên ngoài đang chảy kiểu gì…

Có những điều tưởng chừng rất nhỏ, cho đến khi phải trả giá bằng mạng sống, người ta mới giật mình nhận ra… 

Hồng Hạnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI