Xuân đến sớm nơi ngôi nhà nhỏ
Sáng 28/1, bác sĩ CKII Trịnh Hữu Tùng - Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM - thông báo tin vui khi lần đầu tiên, bệnh viện này đã thực hiện ghép tế bào gốc tạo máu tự thân thành công, cứu bé gái mới 3 tuổi bị u nguyên bào thần kinh, cân nặng thấp, suy dinh dưỡng... Đây là dạng ung thư của những tế bào thần kinh đặc biệt nên tính mạng của em treo lơ lửng.
Ghép tế bào gốc tạo máu tự thân là lấy từ tủy xương hoặc từ máu của chính bệnh nhân, đem xử lý rồi ghép vào cơ thể người bệnh để chữa các bệnh lý huyết học, bệnh lý miễn dịch, di truyền và một số bệnh lý ung thư khác.
Nghe bác sĩ Tùng thông báo, anh Nguyễn Thành Sơn (45 tuổi, ở Đắk Nông) mừng đến run người. Bé Nguyễn Ngọc Mai - con gái anh Sơn đã được sống! Mắt đỏ hoe, anh nói: mới mấy tháng trước, anh đã tưởng rằng con mình sẽ không thể vượt qua.
Theo anh Sơn, từ khi được sinh ra, bé Mai rất ít khi mắc bệnh vặt. Nửa năm trước, bé thường đau bụng, mệt mỏi hay nôn ói nên gia đình đưa đến bệnh viện huyện khám. Bác sĩ chẩn đoán bé bị suy dinh dưỡng, nghi có khối u ở bụng nên chuyển lên bệnh viện tỉnh tầm soát.
|
Bé Mai và cha khi nghe tin được Bệnh viện Nhi đồng 2 chữa trị |
“Lúc này, con tôi tiếp tục được chuyển đến TPHCM điều trị. Sau khi siêu âm, làm các xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán bé có khối u không điển hình ở bụng nhưng không thể điều trị, cho về. Không cam tâm, tôi đưa con đến nhiều bệnh viện khác ở thành phố tìm cho ra bệnh.
Tháng 6/2020, con tôi nhập viện tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Bác sĩ siêu âm phát hiện bé bị khối u vùng hạ vị, chẩn đoán u nguyên bào thần kinh nhóm nguy cơ cao, thời gian sống rất thấp. Nghe đến đây, tay chân tôi rụng rời”, anh Sơn nhớ lại.
Tuyệt vọng, anh Sơn không dám gọi điện thoại về nhà báo tin. Bỏ hết công việc đồng áng ở quê, anh Sơn quyết tâm ở cạnh con đến phút cuối cùng.
Mắt đỏ hoe, anh Sơn kể tiếp: “Bé Mai là con thứ 3 trong gia đình. Con bé nhỏ con nhưng được cái rất vui vẻ, lúc nào cũng cười. Lúc đầu tôi chỉ nghĩ con bị rối loạn tiêu hóa, không ngờ án tử treo lơ lửng trên đầu. Nhiều ngày tôi suy sụp, không biết phải làm sao. Lúc đó bác sĩ gọi tôi lên nói chuyện.
Nghe bác sĩ nói có thể ghép tế bào gốc tự thân để điều trị cho bé Mai, tôi chưa kịp mừng thì lại lo lắng khi chi phí điều trị, trừ hết bảo hiểm, đã lên đến hơn 300 triệu đồng. Lòng dạ như lửa đốt, chỉ muốn cứu con, tôi đồng ý và tìm người bán gấp nhà cửa, ruộng vườn ở quê.
Không ngờ, bác sĩ biết hoàn cảnh của tôi, âm thầm tìm nhà hảo tâm giúp sức. Do đó tôi chỉ phải vay mượn một ít chứ không phải bán nhà. Con tôi cũng được điều trị sớm hơn”.
Mai nở trước mùa xuân
Theo bác sĩ CKI Phan Thị Thu Trang - Phó khoa Ung bướu huyết học, Bệnh viện Nhi đồng 2 - một trong những bác sĩ điều trị cho bé Mai, trước khi ghép tế bào gốc, các bác sĩ phải lên kế hoạch kỹ càng từ giai đoạn nuôi dinh dưỡng, đến phẫu thuật cắt u, hóa trị liệu, ghép tủy, hóa trị duy trì sau ghép.
Đến tháng 12/2020, bé Mai được làm các xét nghiệm máu, sinh thiết tủy xương, chụp PET, bác sĩ cũng thực hiện thủ thuật tạo các đường truyền trung tâm phục vụ thu thập tế bào gốc, liên kết với Bệnh viện Truyền máu huyết học thu thập tế bào gốc tạo máu cho bé.
“May mắn, quá trình thu thập thuận lợi, đủ số lượng tế bào gốc cần cho việc phục hồi tủy sau ghép. Từ ngày 23 đến 29/12/2020, bé Mai được điều trị hóa trị liệu liều cao chuẩn bị cho quá trình ghép tế bào gốc. Ngày 30/12/2020, bé được đưa vào phòng phẫu thuật để ghép tế bào gốc tạo máu tự thân. Ca phẫu thuật diễn ra khá thuận lợi.
Sau 10 ngày cấy ghép, bé đã mọc tủy xương, tình trạng nhiễm trùng được kiểm soát tốt. 16 ngày sau ghép, bé Mai phục hồi bạch cầu hạt và tiểu cầu tốt, không nhiễm trùng, bé khỏe, tự ăn uống, sinh hoạt và được xuất viện sớm hơn dự kiến.
Hiện tại, các tế bào máu của bé Mai đang hồi phục thuận lợi, chức năng gan thận ở giới hạn bình thường, bé hoạt bát, ăn uống tốt, không cần truyền máu hay dùng thuốc điều trị biến chứng sau ghép. Dự kiến bé sẽ tiếp tục được xạ trị sau vài tuần và điều trị thuốc duy trì sau truyền tế bào gốc 3 tháng nhằm hạn chế khả năng khối u tái phát”, bác sĩ Trang nói.
|
Nụ cười của bé Mai làm ấm lòng người xung quanh |
Bé Mai nhìn bác sĩ, nở nụ cười làm mọi người cũng vui lây. Mùa xuân không ở đâu xa, bé Mai như tên gọi của mình, nở tươi rói nơi góc phòng, ấm áp len lỏi vào trái tim người đối diện. Hôm nay, 28/1, bé Mai mang tết về căn nhà nhỏ ở miền quê nghèo.
Bác sĩ Tùng cho biết, bé Mai là bệnh nhi đầu tiên được bệnh viện thực hiện ghép tế bào gốc tạo máu tự thân. Việc điều trị thành công cho bé Mai giúp nhiều gia đình đang có con mắc bệnh tương tự có thêm hy vọng.
“Mỗi năm, bệnh viện tiếp nhận và điều trị cho khoảng 40 bé được chẩn đoán mắc bệnh u nguyên bào thần kinh. Bệnh viện đã cử bác sĩ đi học tập, nhờ Bệnh viện Truyền máu huyết học hỗ trợ ghép 7 ca, trong đó 2 bé không thể vượt qua, 5 bé còn lại hiện có chất lượng sống rất tốt, trong đó 3 bé chưa tái phát ung thư sau ghép", bác sĩ Tùng cho biết.
"Tuy nhiên, ghép tế bào gốc tại Bệnh viện Truyền máu huyết học có nhiều bất tiện trong việc chăm sóc sau ghép, bệnh nhi sẽ gặp rất nhiều nguy cơ khi phải di chuyển qua lại giữa hai bệnh viện. Với thành công trong việc điều trị cho bé Mai, chúng ta có quyền hy vọng các bé còn lại sẽ có thêm nhiều cơ hội”, bác sĩ Tùng nói thêm.
Trong các nhóm bệnh lý u đặc tại Việt Nam, u nguyên bào thần kinh là khối u ngoài não thường gặp nhất ở trẻ em.
Ở các nước phát triển, với trẻ mắc u nguyên bào thần kinh nguy cơ thấp và trung bình, tỷ lệ sống sau 5 năm lần lượt là 95%, 70%. Đối với u nguyên bào thần kinh nguy cơ cao, tỷ lệ sống sau 5 năm của trẻ khá thấp, ngưỡng dưới 20% - 30%, khi chưa có đa phương thức điều trị phối hợp hóa trị, phẫu thuật, ghép tế bào gốc, xạ trị, điều trị duy trì. Với sự ra đời của ghép tế bào gốc tạo máu, các điều trị trúng đích, tỷ lệ sống 5 năm của trẻ là 30% - 60% .
|
Phạm An