Em bảo anh đi đi, sao anh lại đi luôn?

12/07/2020 - 05:40

PNO - Bi kịch của tình yêu ở chỗ, người ta không bao giờ yêu đối tượng như nó đang là, mà luôn chỉ yêu đối tượng phải như mình mong muốn, như nó phải là.

1.  “Em bảo anh đi đi

Sao anh không ở lại

Em bảo anh đừng đợi

Sao anh vội về ngay...”

Đoạn thơ lừng danh trên hầu như ai cũng biết cũng thuộc, được cho là của Puskin - mặt trời thi ca Nga, tuy nhiên có tài liệu lại cho rằng không phải của ông ấy, mà chính xác tác giả là nhà thơ Armenia nổi tiếng - nữ thi sĩ Silva Kaputikian.

Dù là của ai, thì những câu thơ trên vẫn bất hủ, bởi vì nó diễn tả đúng tâm trạng của hầu hết các cặp yêu nhau.

Và bi kịch của tình yêu ở chỗ, người ta không bao giờ yêu đối tượng như nó đang là, mà luôn chỉ yêu đối tượng phải như mình mong muốn, như nó phải là.

“Em bảo anh đi đi/ Sao anh không ở lại”, cái “sao anh không ở lại” chính là cái mà người yêu đòi hỏi ở đối tượng, rằng sao anh không như tôi muốn, không hiểu cho tôi...

Xét cho cùng tình yêu luôn là yêu chính bản thân mình, cái tinh thần của mình phóng chiếu vào đối tượng mà thôi.

Tôi yêu anh ấy vì anh ấy có nhiều điểm hợp với tôi. Nói cách khác, anh ấy có những phẩm chất mà tôi muốn anh ấy phải có. Tuy nhiên, đây cũng chính là khởi nguồn bi kịch của tình yêu, vì chả ai có đủ phẩm chất đúng như bạn mong muốn cả. 

Muôn đời yêu là yêu chính mình, và đau khổ là tự mình tạo ra cho mình. Ảnh minh họa
Muôn đời yêu là yêu chính mình, và đau khổ là tự mình tạo ra cho mình. Ảnh minh họa

2. Cháu tôi sinh năm 2000 mới yêu lần đầu, tha thiết đắm đuối, gần đây suýt tự tử vì người yêu bỏ đi. Tôi hỏi, cô bé kể rằng: “Chúng cháu cãi nhau, cháu bảo anh ấy là anh cút đi, và anh ấy đi thật. Cháu chửi thế thôi, cháu nghĩ anh ấy đi một lúc rồi quay lại, thậm chí anh ấy không đi mà cứ xông đến ôm cháu thì cháu còn sung sướng hơn, vậy mà anh ấy đi thật, cháu chỉ muốn chết thôi...”.

Vài hôm sau, tôi gặp cậu bé người yêu của cháu tôi, trong một bar đêm, cậu ta uống say bét nhè. Tôi hỏi sao lại chia tay cháu tôi, cậu bé thanh minh: “Cô ấy đuổi cháu, cháu đi, nhưng vừa đi cháu vừa đợi cô ấy chạy theo bảo cháu quay lại thì cháu quay lại ngay, nhưng cô ấy không chạy theo, cô ấy mặc kệ cháu đi, thì cháu còn quay lại sao được”.

Vậy là cả hai đều mong đối tượng hành xử như mình muốn. Xét về bản chất, chúng yêu cái của chúng, tinh thần chúng, suy nghĩ của chúng... vậy mà chúng cứ tưởng mình yêu đối tượng.

Chúng cũng như nhiều kẻ đang yêu khác đều lầm lạc như vậy, và tình yêu luôn dẫn đến bi kịch, rồi cay đắng nguyền rủa lẫn nhau, hận thù nhau...

Rồi thơ ca, nhạc họa luôn tán tụng thứ tình yêu đó, rồi bảo “yêu là đau khổ, vì yêu người mà người chẳng yêu ta...” .

3. Tình yêu đích thực luôn đi liền với lòng khoan dung. Không có khoan dung thì chưa có tình yêu nào cả, mà chỉ có ảo tưởng về tình yêu mà thôi.

Nhưng khoan dung là cái gì mới được chứ? Là biết tha thứ à? Đừng tào lao, vì anh là cái quái gì mà có quyền tha thứ hay không tha thứ cho tôi?

Bản chất của sự khoan dung nằm trong nhận thức rằng “tôi là chính bản thân tôi và tôi sẵn sàng để cho tất cả những người khác là chính bản thân họ” (Nietzsche).

Khi bạn sẵn sàng để cho người khác là chính bản thân họ, thậm chí ngay cả khi họ không dung thứ bạn, thì bạn chính là người khoan dung.

Nếu bạn đuổi người ta đi, rồi mong muốn người ta ở lại, thì đó là mong muốn của bạn, đâu phải mong muốn của người ta. Người ta bị đuổi thì người ta đi thôi, và nếu bạn muốn níu giữ tình yêu thì chính bạn phải chạy theo níu người ta lại.

Rất tiếc, tình yêu như vậy rất hiếm, bởi ai cũng nghĩ chạy theo níu lại thì mất giá, bởi cái “giá của bạn” hay là cái “tôi”, hay là “tự ngã” to hơn tình yêu của bạn, bạn tự ái nhiều hơn là tha ái.

Cho nên muôn đời yêu là yêu chính mình, và đau khổ là tự mình tạo ra cho mình thôi, kêu ai được! 

Biên kịch Đỗ Trí Hùng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI