PNO - PN - Ừ, thì chị biết anh ấy đang chán chị, người phụ nữ cùng anh ấy đi suốt chặng đường đời 23 năm qua.
edf40wrjww2tblPage:Content
Em bất ngờ đúng không? Không chỉ có 18 năm chung sống đâu em, tụi chị còn có quãng thời gian 5 năm yêu nhau đắm đuối ở giảng đường đại học nữa em à. Ừ, nếu tính luôn thời thơ ấu tung tăng cởi truồng, tắm mưa, hai đứa chị đã cùng nhau suốt 40 năm hơn rồi em ạ.
Chị cũ quá, già quá rồi khi so cùng em, cô gái văn phòng, xinh đẹp, năng động và còn trẻ hơn chị đến mười mấy tuổi. Chị chào thua. Thế nhưng chị chắc chắn một điều, anh ấy, chồng chị, người đàn ông đang thậm thò thậm thụt cùng em với mối tình công sở kia sẽ mãi mãi ở lại bên mái gia đình này em ạ. Vì sao em có biết không? Vì dù là “cơm nguội” của anh, chị đây cũng là “đặc sản” mà nhiều người quanh anh ấy ước mơ, khao khát.
Phát hiện anh có “ai đó” bên ngoài, lòng chị từng rối lên đủ cung tầng cảm xúc. Chị hốt hoảng xem lại chính mình có những lỗi lầm, sơ suất gì để anh tơ tưởng về người khác. Có lúc chị cũng muốn tung hê hết mọi chuyện, muốn buông tay cho tất cả trôi đi. Sau khi “vạch mặt” anh về mối quan hệ cùng cô đồng nghiệp (là em đó) qua những tin nhắn trong điện thoại, chị quyết định nghỉ việc ở nhà suốt hai tuần lễ, chẳng thèm mó tay vào việc gì trong nhà, bỏ mặc cho ba cha con anh mua cơm hộp về ăn. Buổi chiều anh tự rước con, ăn xong tự thu dọn chén bát, tưới cây, rủ hai thằng con trai mang đồ lên máy giặt. Buổi sáng, chị cứ nằm im trong giường, mặc anh hò hét hai đứa con đi học… Áo quần ba cha con tự ủi, nhăn nhúm tới khó coi. Buổi tối, hai con mang sổ dặn dò đưa mẹ ký, chị đẩy qua anh… Chị cấm cả nhà xem ti vi vì lý do mẹ bị nhức đầu… Các con phải nhón chân rón rén mỗi lần đi ngang phòng của mẹ.
Mới được ba ngày, nhìn anh hốc hác (bởi có đêm nào anh ngủ quá 4 tiếng đâu em!), nhìn con xơ xác… chị không “hành” gia đình mình nữa. Chị bắt đầu lại hát vang những bài chị thích khi tưới vườn rau, chị mở ti vi xem những bộ phim truyền hình lúc ủi áo quần cho anh, chị bật radio nghe chương trình buổi sáng khi nấu ăn cho con. Đưa các con tới trường, chị lại tranh thủ tạt ngang nhà ba mẹ chồng gửi ông bà món ngon chị nấu hay mua được rồi thong dong vào công sở. Chị vận lại những chiếc áo đầm, tô lại môi son, đánh chút má hồng. Buổi tối khi anh và các con vào phòng học bài (cũng có thể lúc đó anh lén nhắn tin cho em), thì chị tranh thủ lướt web, vào facebook.
Lúc thúc giục con học ngọai ngữ, chi đăng ký học cùng trung tâm của hai con. Khi vào lớp với những bạn bè mới, những người trẻ, vui, chị thấy mình phấn chấn vô cùng. Chuyện gối chăn, chị không thèm giải pháp “cấm vận” mà “mở cửa” thông thoáng cho chồng. Nhà nhiều tầng, ở đâu, ngóc ngách nào, chị cũng “yêu” anh được. Thậm chí có khi chị chẳng cần xem anh có “yêu” mình không nữa đó em ơi.
Hai năm trôi qua, chị biết em và anh ấy không dứt được mối tình công sở. Nhưng chị cũng bất cần! Chị có con đường riêng của mình, thênh thang và tươi mới. Chị vui đơn giản vì con trai biết sửa cho mẹ cái đồng hồ, vì chồng rất lâu mới “tự động” dắt chiếc xe dơ đi rửa rồi tăng sên, thay nhớt… (dĩ nhiên là chị lúc nào cũng biết lên tiếng nói lời yêu anh và cảm ơn ngọt lịm!).
Chị có cảm giác cứ như mình gieo một cái hạt rồi nó đã nảy mầm, lên cây cải, cây dưa xanh mướt. Chị hớn hở khi thấy bạn bè khen trẻ, khen đẹp ở trên facebook cho những tấm hình tự sướng. Chị mừng vì cái nắm tay thật thương của bà má chồng tuổi 75 lẩn thẩn: “Con dâu duy nhất của mẹ, con dâu vàng của mẹ”. Niềm vui của chị bát ngát, mênh mông, là lúc chị Hai, chị Ba, rồi cả cô em út của chồng, có món gì ngon, có quần áo, giày dép đẹp, đều mang tặng “mợ tư”. Chị thấy mình giá trị hơn khi mấy đứa cháu nhà chồng, tuổi teen nổi loạn, không nghe lời ba mẹ, lại tin cậy tìm chị mà trao cả tâm tình… Những điều nhỏ nhoi ấy của cuộc sống, có tên gọi nào khác hơn hai từ hạnh phúc hả em.
Bởi chị không vay mượn, không giành giật của ai, cuộc sống gia đình và hạnh phúc này là của chị. Và dù có đúng mười mươi rằng em trẻ hơn, xinh hơn và gần gũi anh hơn trong công việc và cả tâm hồn nữa, chị cũng xin bất chấp.
Ngay khi chị đang đứng ủi chiếc áo sơ mi với chiếc cà vạt này cho thẳng thớm để sáng mai anh vào công sở, tưởng tượng cảnh em nũng nịu kéo nó và khen: “Cà vạt đẹp quá!” thì chị vẫn đoan chắc một sự thật rằng anh không thể nào có thể rời xa chị được. Dù em không tin, chị vẫn tin và vẫn sống thế em à!
THIÊN HẠNH
Những người đàn ông ngoại tình thường hát một bài ca “Anh không thể sống với vợ vì đã cạn tình, đã chán vợ, nhưng cũng không thể ly hôn vì sợ ảnh hưởng đến con cái”. Và bài ca này được không ít cô gái độc thân, ly thân, thậm chí đang có chồng tự nguyện hát chung tạo thành một giai điệu lãng mạn.
Kịch bản “Yêu người có vợ” chiếm khoảng 32% nội dung trong chuyên mục “Chat với Hạnh Dung”. Gần đây nhất, câu chuyện trong “Ăn cắp hạnh phúc” đã khơi dậy cảm xúc của bạn đọc. Ngoài ý kiến của Hạnh Dung, có rất nhiều bạn đọc đã nhiệt tình tham gia giúp người trong cuộc giải quyết vấn đề.
Theo bạn, đàn ông nói chán vợ, tin không? “Chôm” tình, liệu có hạnh phúc không? Hãy chia sẻ với Phụ Nữ quan điểm của bạn, mong đóng góp cho cộng đồng một cái nhìn đúng đắn về tình yêu, hạnh phúc.
Kính mời các bạn gởi bài, ý kiến, qua các địa chỉ:
-Trang chủ của phunuonline.com.vn, vào mục Gửi bài ở cuối trang -Hoặc theo địa chỉ: truongsonpntp@yahoo.com -Hoặc viết vào phần Bình luận phía dưới mỗi bài của chuyên đề
Các nghiên cứu đã chứng minh trẻ em cần được neo giữ trong thế giới thật, quan hệ thật, trách nhiệm, tình yêu thật. Hoạt động ảo không thể thay thế được.