Đã 25 năm trôi qua kể từ cuộc thảm sát kinh hoàng xảy ra tại Trường trung học Columbine ở hạt Jefferson, Colorado, Mỹ - ngày 20/4/1999. Đây là một trong những vụ tai nạn xả súng trường học thảm khốc nhất trong lịch sử nước Mỹ. Cuộc thảm sát khiến 15 người tử vong, tính luôn 2 thủ phạm, đồng thời làm bị thương 21 người khác. Sau đó, cảnh sát còn phát hiện 2 thủ phạm đã đặt bom ở căng-tin. Nếu bom phát nổ, con số thương vong sẽ còn lớn hơn.
Trong một vụ thảm sát mà thủ phạm cũng tự thủ tiêu chính mình, sẽ có rất nhiều câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ. Không có một cuộc hỏi cung hay phiên tòa xét xử. Những nghi vấn vẫn còn đó. Nỗi uất nghẹn không có dịp được giãi bày thấu đáo. Thương đau chẳng dễ nguôi ngoai.
Từ những mảnh vụn của sự thật
Nếu được trang bị một góc nhìn tương đối toàn cảnh, bạn sẽ nhìn thấy gì trong ngày định mệnh ấy và trong những thảm kịch tương tự? Hay bạn và tôi, mỗi người chúng ta chỉ nhìn thấy một mảnh của sự thật, như “Thầy bói xem voi”? Thầy bói xem voi - cũng chính là cái tứ để đạo diễn Gus Van Sant sáng tạo nên bộ phim Elephant (tạm dịch: Voi).
Dựa trên sự kiện về vụ thảm sát Trường học Columbine năm 1999, bộ phim Elephant của đạo diễn Gus Van Sant sau khi phát hành vào năm 2003 đã nhận về giải Cành cọ vàng cho Phim xuất sắc nhất và giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Cannes 2003.
Phim tái hiện một buổi sáng bình thường, giản dị ở một trường trung học. Từ mọi ngả đường, sân trường, sân bóng, phòng học, phòng thay đồ, thư viện, căng-tin, những góc hành lang… cuộc sống vẫn đang diễn ra.
Mở đầu phim, máy quay theo chân John trên con đường đến trường. Ở đó, John đã phải đổi tài với cha vì cha cậu chạy xe loạng choạng do say rượu. Michelle bị cô giáo nhắc nhở chuyện mặc quần dài trong giờ thể dục. Bộ tam kén ăn Nicole, Brittany và Jordan tán gẫu với nhau đủ chuyện trên đời, từ việc phàn nàn phụ huynh đến chuyện hẹn hò, ăn uống, mua sắm, phân chia thời gian thế nào cho hợp lý giữa bạn thân và bạn trai.
Tôi không vô can
Acadia chạm nhẹ đôi môi lên má John, an ủi, xoa dịu, khiến người ta dễ dàng tự vấn chính mình. Bạo lực được kết thành từ đâu? Chúng ta đã thực sự thấu hiểu và yêu thương con mình đúng nghĩa chưa? Ai dám chắc bạo lực không được cài cắm từ những hành vi bạo lực tưởng nhỏ nhặt từ chính người lớn, từ sự áp đặt của những kẻ bề trên, vốn lúc nào cũng thừa sự vội vàng, lo toan, hối hả?
|
Elephant đã nhận được giải Cành cọ vàng cho Phim xuất sắc nhất và Đạo diễn xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Cannes 2003 |
Những mắc mứu nào không được hóa giải? Viên đạn giấy mà hội bạn cố tình nhắm trúng ai đó lâu dần sẽ tích tụ lại những gì? Thắc mắc giới tính của các bạn trẻ tuổi teen có được lắng nghe thấu đáo? Tại sao trò chơi điện tử bạo lực trở thành thú vui bình thường trong đời sống giới trẻ? Và người ta có thể dễ dàng tìm thấy những thông tin bạo lực trên truyền hình, đôi khi chỉ qua những thước phim tài liệu về Hitler chẳng hạn.
Người ta than phiền về tình trạng bạo lực học đường, về sự tha hóa của học sinh ngày nay. Người ta dễ dàng đổ lỗi cho thời đại thông tin truyền thông trong khi ít ai đủ can đảm nhìn nhận, soi chiếu lại chính mình.
“Giới trẻ thời nào mà không gặp những vấn đề rắc rối của riêng họ. Giới trẻ thời nào mà không chịu áp lực từ sự cai quản, áp đặt nơi cha mẹ mình…” - đạo diễn Gus Van Sant cho biết trong một cuộc phỏng vấn.
Cái hay của phim là không đưa ra một lời giải thích cụ thể nào cho nguyên nhân dẫn đến thảm kịch này. Tuy nhiên, chính sự mơ hồ từ những kết nối rời rạc ấy lại là thứ khiến người ta tự vấn, đào sâu, suy nghĩ.
Trailer phim Elephant:
Làm thế nào một đứa trẻ chơi piano và yêu thích việc vẽ sketch (phác họa) lại là thủ phạm của một sự vụ động trời?
Xem phim, có thể bạn sẽ ngạc nhiên về trình độ của biên kịch. Biên kịch đã thâm nhập sâu vào tâm tư tình cảm giới trẻ đến mức nào mới có thể viết nên những đoạn đối thoại tự nhiên như thế? Đó chính là tiếng nói của giới trẻ, từ giới trẻ chứ không phải là lời thoại được nhìn qua lăng kính già cỗi của người lớn. Những nỗi niềm rất trẻ con và cũng rất mong manh.
Hóa ra tác giả kịch bản cũng chính là đạo diễn Gus Van Sant và cái hay của bộ phim này nằm ở tính ngẫu biến.
Ngẫu hứng và để gió cuốn đi
Kịch bản ban đầu chỉ là những phác thảo sơ bộ. Sau đó, trong quá trình làm việc với các diễn viên không chuyên, Gus Van Sant đã để cho các diễn viên - vốn đang là những học sinh trung học ngoài đời - tự ứng biến dựa trên một số chi tiết về câu chuyện của chính họ. Đạo diễn chỉ việc đề xuất họ nên xoáy sâu vào khía cạnh nào. Ngay cả nhân vật chính Alex do Alex Frost đóng cũng vậy. Ngoài đời Alex biết chơi piano. Cậu tự thể hiện bản Sonata Ánh trăng và Für Elise (Thư gửi Elise) của Beethoven.
|
Bộ phim là tiếng nói của giới trẻ, từ giới trẻ chứ không phải lời thoại được nhìn qua lăng kính già cỗi của người lớn |
Cảnh gần cuối, khi nhân vật Alex bắn chết bạn đồng phạm của mình là Eric cũng là cảnh đạo diễn thêm vào trong quá trình thực hiện. Đạo diễn cảm thấy câu chuyện đã xảy ra như vậy. Còn trong thực tế, người ta không biết 2 thủ phạm đã tự kết liễu đời mình hay 1 trong 2 người đã xuống tay với người kia. Con quái vật đã được hình thành như thế nào? Làm sao để ngăn chặn những mầm mống đầu tiên của một thảm kịch đáng sợ như vậy, xảy ra ngay trong môi trường học đường?
Có thể nói rằng đạo diễn đã chịu ảnh hưởng từ dòng phim Tân hiện thực của Ý. Tất cả diễn viên đều sống thật tròn vai, thật tự nhiên, như chính lứa tuổi của họ.
Điểm đặc biệt nhất là ở trục chính của phim, khi đạo diễn chọn cách lột tả một điểm giao nhau từ 3 góc nhìn. Đó là 3 đường di chuyển khác nhau từ 3 nhân vật: John, Eli và Michelle.
Một cuộc gặp gỡ được quay lại từ 3 góc nhìn, 3 hướng xuất phát tạo nên một cấu trúc vững chắc kỳ lạ. Đồng thời cái trục giao nhau ấy lại vừa như một chong chóng hay cánh quạt gió. Điểm neo này sẽ giúp mang đến một góc nhìn toàn cảnh, đồng thời làm lộ ra những thứ khuyết thiếu, những thứ mất cân bằng, những gì còn chưa hiển hiện. Dùng cái thực để nói cái hư, dùng cái hiện diện để thể hiện những gì tiềm ẩn cũng là sức mạnh của một bậc thầy biết để cho sự vật tự kể câu chuyện của mình một cách chân thực, khách quan nhất. Nhờ không áp đặt góc nhìn chủ quan của “thầy bói mù” mà “con voi” đã được hiện lên một cách rõ ràng, đầy đặn.
Phim chạm đến khán giả một cách thật xót xa và tinh tế như được lọc qua một lăng kính của thứ chân không không lời. Những câu hỏi đã được đặt ra, cật vấn. Khi đặt ra câu hỏi, người ta sẽ dễ dàng tìm thấy câu trả lời. Đó cũng là mục đích bộ phim hướng tới.
Chiếc chong chóng đã xoay. Chiếc chong chóng nhẹ bẫng. Những gì đẹp đẽ dành tặng cho người ra đi và cả người ở lại.
Yến Lê Yilly - Nguồn ảnh: Internet