El Nino đe dọa đời sống nông dân miền Trung

05/07/2023 - 05:53

PNO - Sau hơn 1 tuần không mưa, con mương trơ đáy, ông Phạm Văn Phượng (xã Thượng Tân Lộc, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) phải chở máy phát điện ra ruộng, bơm nước từ giếng khoan lên cứu ruộng dưa hấu đang dần héo úa.

Bỏ hoang ruộng đồng do thiếu nước

Ông Phượng nói: “Trước đây, nếu không mưa, tui chỉ cần dẫn nước từ mương vô nhưng giờ thì chịu. Khô cả vùng thế này thì không biết lấy nước từ đâu”. Để có nước tưới cho 2 sào dưa hấu, ông phải thuê thợ về khoan giếng ngay bên mép ruộng nhưng nước trong giếng cũng không quá dồi dào nên ông chỉ bơm những lúc quá cần thiết.

Gia đình ông Phạm Văn Phượng (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) kéo đường ống lấy nước từ giếng khoan để tưới cho ruộng dưa hấu - ẢNH: PHAN NGỌC
Gia đình ông Phạm Văn Phượng (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) kéo đường ống lấy nước từ giếng khoan để tưới cho ruộng dưa hấu - Ảnh: Phan Ngọc

Cách đó không xa, nhiều người dân xã Hưng Yên Nam, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An cũng phải bơm nước từ kênh lên những khoảnh ruộng nứt toác do khô hạn để cứu lúa non mới gieo. Ông Trần Văn Phượng - nông dân xã Hưng Yên Nam - lo lắng: “Năm nay, thời tiết khắc nghiệt hơn nhiều so với mọi năm. Nếu nắng nóng cứ kéo dài thì coi như mất trắng vụ mùa”.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, căn cứ trên bộ số liệu quan trắc nhiệt độ nước biển dọc theo vùng xích đạo ở phía đông và vùng trung tâm Thái Bình Dương, hiện tượng El Nino đã chính thức xuất hiện vào đầu tháng 6/2023. Tại Việt Nam, hiện tượng này sẽ gây nên tình trạng nắng nóng, khô hạn kéo dài đến đầu năm 2024.

Được xem là vựa lúa của tỉnh Nghệ An nhưng trong vụ hè thu này, UBND huyện Yên Thành chỉ đặt mục tiêu gieo cấy 11.000ha trên tổng số 12.800ha ruộng lúa toàn huyện do thiếu nước. Ông Nguyễn Văn Dương - Phó chủ tịch UBND huyện Yên Thành - cho biết, nhiều hồ đập ở huyện này chỉ còn đủ cho 2 đợt tưới. Do đó, gần 1.000ha lúa có nguy cơ thiếu nước nếu không có mưa. 

Nhiều ruộng lúa ở huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An bạc trắng, nứt toác do thiếu nước ẢNH: PHAN NGỌC
Nhiều ruộng lúa ở huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An bạc trắng, nứt toác do thiếu nước - Ảnh: Phan Ngọc

Ông Nguyễn Đình Thanh - Phó chủ tịch UBND huyện Thanh Chương - cho hay, do không có nguồn nước nên nông dân huyện này không thể xuống giống vụ hè thu trên 3.600ha đất lúa, trong đó có 3.000ha phải bỏ hoang. Huyện này có gần 100 trạm bơm lấy nước từ sông Lam, sông Giăng, sông Trai để tưới tiêu cho gần 10.000ha lúa và hoa màu nhưng mực nước sông Lam ngày càng xuống thấp nên những trạm bơm có tuổi đời trên 20 năm này không thể vận hành.

Tỉnh Nghệ An có hơn 1.000 hồ đập. Trong 102 hồ đập do các công ty thủy lợi quản lý, hiện chỉ có 5 hồ đầy nước. Trong 959 hồ đập do địa phương quản lý, hiện không có hồ nào đầy nước, 765 hồ đập trong số này có lượng nước đạt từ 40 - 70% dung tích thiết kế, 38 hồ đập có lượng nước xấp xỉ 20% dung tích thiết kế. Mực nước trong hồ thủy điện Bản Vẽ hiện cũng chỉ cách mực nước chết hơn 1,5m. Trong khi đó, nguồn nước cung cấp cho các hồ đập là nước mưa, không có nguồn nào khác. 

Đất khô, cây héo, người lo

Nông dân huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu nước nghiêm trọng. Chỉ tay về mảnh đất đồi rộng hơn 5.000m2 chỉ còn vài cây cam còi cọc, bà Nguyễn Thị Báu (xã Hà Linh, huyện Hương Khê) cho hay, mảnh đất này từng cho thu nhập gần 100 triệu đồng/năm nhưng 3 năm nay toàn thất thu. Hạn nặng, cây cam chết héo dần, lạc cũng mất mùa nên vợ chồng bà đành bỏ hoang vườn, vào rừng chặt củi khô về bán.

Mực nước trong nhiều hồ chứa ở huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh đã xuống gần mực nước chết - ẢNH: PHAN NGỌC
Mực nước trong nhiều hồ chứa ở huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh đã xuống gần mực nước chết - Ảnh: Phan Ngọc

Theo ông Trần Đình Tâm - cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện Hương Khê - nếu hạn hán kéo dài, các vườn cam trong huyện sẽ chết hết.

Anh Hồ Văn Vói - ở thôn Kỳ Tăng, xã Lìa, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị - cho biết, mỗi sáng, người dân trong thôn phải chạy xe máy khoảng 7km để chở nước về dùng do bể chứa nước công cộng bị khô. Ông Hồ Văn Thứ - Phó chủ tịch UBND xã Lìa - thông tin, nguồn nước giếng khoan trong xã bị nhiễm vôi nên chỉ dùng để tắm giặt. Muốn có nước sạch để nấu ăn, nấu uống, người dân phải ra suối chở về. 

Bà Nguyễn Thị Sang - ở thôn Bắc Sơn, xã Tân Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình - cho hay, để có nước sạch, bà con trong thôn phải bỏ ra hàng chục triệu đồng để khoan giếng, mà phải khoan rất sâu: “Nước sinh hoạt còn khan hiếm thì nói chi đến nước tưới. Vụ hè thu này, bà con đành bỏ hoang đất”.

Xã Phú Diên, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế có khoảng 180ha đất lúa nhưng hơn 50ha không sản xuất được do bị xâm nhập mặn. Các huyện miền núi cũng đang bị hạn nặng. Trong khi đó, con đập Thảo Long có chức năng ngăn mặn, giữ ngọt cho gần 1 triệu dân trong tỉnh đang xuống cấp nghiêm trọng.

Ông Trương Xuân Tý - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam - nêu dự báo, trong vụ hè thu 2023, toàn tỉnh có khoảng 10.000ha đất lúa bị thiếu nước tưới. Trong đó, có 3.000ha thuộc khu tưới của các hồ chứa và 7.000ha thuộc khu tưới của các trạm bơm, nhưng nước từ các trạm bơm đã bị nhiễm mặn từ đầu năm. 

Ông nói: “Từ đầu năm đến nay, nước mặn liên tục xâm nhập sâu vào các sông Vĩnh Điện, Bà Rén thuộc hệ thống sông Thu Bồn với độ mặn khá cao. Mới đây, sông Đầm ở TP Tam Kỳ cũng bị nhiễm mặn với nồng độ 9,2 phần ngàn. Hầu hết hồ chứa thủy điện trong tỉnh thiếu hụt nguồn nước, sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất nông nghiệp một số huyện, thị phía bắc như Duy Xuyên, Điện Bàn, Hội An”. 

Ông Nguyễn Hồng Vương - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam - cho hay, toàn huyện có 712ha đất lúa thì 107ha bị bỏ hoang do không có nước. Trong số 605ha đất lúa nằm trong kế hoạch sản xuất, nếu hạn hán kéo dài khiến mực nước ở các hồ đập, khe suối giảm mạnh thì sẽ có ít nhất 100ha bỏ hoang.

Cây hành và tỏi là nguồn sống của người dân đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Nông dân ở đây đang thắt ruột lo. Nông dân Nguyễn Văn Thảo lo lắng: “Nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài, nước ở giếng tập thể sẽ nhiễm mặn từ 50 đến 70%, không thể dùng để tưới cây. Hành, tỏi cần được tưới mỗi ngày. Muốn đổi qua giống cây khác để thích ứng với hạn hán thì hiệu quả kinh tế lại không cao như hành tỏi”.

Theo bà Phạm Thị Hương - Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn - dung tích các hồ chứa trên đảo này đã giảm xuống gần 50%. Nếu nắng gắt tiếp tục kéo dài, các hồ sẽ dự trữ nước để phục vụ nhu cầu sinh hoạt, dừng cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp. 

Tích trữ nước, chuyển đổi cây trồng

Ông Nguyễn Hồng Vương cho hay, chính quyền huyện Bắc Trà My đã gấp rút xây dựng phương án phòng, chống hạn vụ hè thu 2023 cho từng vùng. Nếu hạn hán kéo dài, UBND huyện sẽ chi 2 tỉ đồng để mua ít nhất 10 máy bơm dã chiến hỗ trợ các xã bơm nước ngọt tưới lúa, trang bị rọ sắt, đá hộc ngăn dòng chảy các khe suối và lắp đặt hệ thống đường ống nhựa để đưa nước về giải cứu 100ha lúa nằm trong diện nguy cơ bị khô hạn nặng.

Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam thường xuyên đo độ mặn để kịp thời có phương án ứng phó tình trạng xâm nhập mặn - Ảnh: Nguyễn Dương
Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam thường xuyên đo độ mặn để kịp thời có phương án ứng phó tình trạng xâm nhập mặn - Ảnh: Nguyễn Dương

Ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam - cho hay, việc hoàn thành đập ngăn mặn trên sông Cổ Cò từ đầu năm 2023 đã đảm bảo nguồn nước cho các trạm bơm Cẩm Sa, Tứ Câu, Vĩnh Điện, Thanh Quýt… vận hành ổn định để cung cấp nước tưới cho khoảng 1.855ha đất sản xuất nông nghiệp (chủ yếu là trồng lúa) của huyện và một phần của TP Hội An, Đà Nẵng.

Ông Trần Đình Tâm cho biết, UBND huyện Hương Khê đang đề xuất UBND tỉnh Hà Tĩnh triển khai xây dựng 1 hồ chứa có dung tích 200 triệu m3 để cung cấp nước tưới cho hơn 1/2 diện tích đất sản xuất của huyện Hương Khê.

Ông Dương Đức Hoài Khánh - Giám đốc Công ty TNHH Quản lý, Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Thừa Thiên - Huế - thông tin, công ty đã chủ động đắp các đập tạm ở vùng miền núi Nam Đông, A Lưới, dùng bao tải đất nâng đỉnh tràn ở hồ Hòa Mỹ để tăng dung tích của hồ: “Toàn tỉnh có gần 2.000ha đất không thể sản xuất lúa, hoa màu do thiếu nước. Chúng tôi đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ khẩn cấp kinh phí bơm điện, bơm dầu vượt định mức, lắp đặt các trạm bơm tạm, bơm chuyền, nạo vét các tuyến sông, rạch nội đồng, vớt bèo khơi thông dòng chảy, đắp tạm bờ bao…”.

Ông Hồ Đắc Chương - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định - nói: “Giải pháp ứng phó với hạn hán là điều chỉnh lịch thời vụ sản xuất. Vụ hè được làm cuốn chiếu ngay khi thu hoạch vụ đông xuân để tận dụng được nguồn nước tưới còn lại; vụ thu thì tổ chức sản xuất ở các vùng đủ nước, kéo giãn thời gian cho đất nghỉ ngơi; chuyển từ sản xuất lúa 3 vụ/năm sang 2 vụ/năm, chuyển đổi sang cây trồng cạn; có phương án dự trữ để không bị động”.

Dù các hồ nước ở tỉnh Quảng Ngãi còn trên 50% dung tích, đủ khả năng tưới cho vụ hè thu năm nay nhưng ông Nhâm Xuân Sỹ - Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Quảng Ngãi - vẫn cảnh báo: “Nắng nóng sẽ khiến dòng chảy các sông, hồ chứa mau cạn. Do đó, cần chú ý tiết kiệm nước tưới, nước sinh hoạt”.

Theo ông Nguyễn Trường Thành - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Nghệ An - ngay từ đầu vụ hè thu, chi cục đã thông báo cho các địa phương để họ chủ động rà soát, lập phương án tưới chống hạn cho từng vùng; bố trí cơ cấu sản xuất phù hợp với khả năng nguồn nước; chuyển đổi cây trồng từ loài cần nhiều nước sang loài cần ít nước; tránh gieo trồng ở vùng không chủ động được nguồn nước. 

Nhóm phóng viên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI