Ebola lan sang nước thứ 5 ở Tây Phi

30/08/2014 - 10:35

PNO - PNO –Bộ trưởng Y tế Senegal hôm 29/8 đã xác nhận trường hợp nhiễm virus Ebola đầu tiên, khiến nước này trở thành quốc gia Tây Phi thứ 5 bị ảnh hưởng bởi đại dịch, sau Guinea, Liberia, Sierra Leone và Nigeria.

edf40wrjww2tblPage:Content

Ebola lan sang nuoc thu 5 o Tay Phi

Senegal đã đóng cửa biên giới với nước láng giềng Guinea để ngăn chặn sự lây lan của virus Ebola - Ảnh: AFP

Bộ trưởng Awa Marie Coll Seck nói với báo giới rằng một sinh viên nhiễm virus Ebola từ Guinea đã đến Senegal. Anh ta ngay lập tức đã được cách ly y tế, bà Bộ trưởng cho biết.

Đợt bùng nổ đại dịch Ebola năm nay, bắt đầu từ Guinea, đã giết chết 1.552 người ở Tây Phi trong tổng số 3.069 người nhiễm virus. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo Ebola có thể trở nên tồi tệ hơn và có thể lây nhiễm cho hơn 20.000 người trong khu vực.

Senegal trước đây đã đóng cửa biên giới với Guinea nhằm ngăn chặn sự lây lan của Ebola, nhưng việc qua lại biên giới vẫn “rò rỉ”. Nước này cũng đã ra lệnh cấm các chuyến bay và tàu biển từ Guinea, Liberia và Sierra Leone - ba quốc gia bị ảnh hưởng Ebola nặng nề nhất.

Sinh viên Guinea được điều trị tại một bệnh viện ở thủ đô Dakar của Senegal từ hôm thứ Ba, trước đó anh ta không cho nhân viên y tế biết mình đã tiếp xúc với bệnh nhân Ebola ở nước mình.

Ebola lan sang nuoc thu 5 o Tay Phi

Các nước bị ảnh hưởng tiến hành các chiến dịch truyền thông để cảnh báo về Ebola - Ảnh: AFP

Hôm thứ Tư, nhà chức trách y tế Guinea thông báo về "sự biến mất của một người bị nhiễm Ebola được biết là đã đến Senegal", Bộ trưởng Y tế Senegal cho biết. Bà cho biết, người bị mất tích đã nhanh chóng được xác định là một sinh viên Guinea và anh ta đã được cách ly ngay lập tức.

Người dân thủ đô Dakar (Senegal) phản ứng rất giận dữ khi biết tin về ca Ebola “rò rỉ” này. Reuters dẫn lời người dẫn chương trình một đài phát thanh Senegal đặt câu hỏi: "Nếu bạn bị bệnh, tại sao lại rời khỏi nước mình để reo rắc bệnh cho nước khác?”.

Giáo sư Peter Piot, người đồng phát hiện Ebola vào năm 1976, cho biết trường hợp này "không có gì bất ngờ" và tất cả các nước trong khu vực cần phải được chuẩn bị đón nhận điều tồi tệ nhất. "Điều này cho thấy việc đóng cửa biên giới và hủy bỏ các chuyến bay không hiệu quả, và người ta vẫn tìm được cách thức vượt qua biên giới”, ông Piot nói với hãng tin AP.

Ebola lan sang nuoc thu 5 o Tay Phi

Trung tâm điều trị Ebola tại các quốc gia Tây Phi hoạt động đã hết công suất - Ảnh: AFP

Senegal, một trung tâm trung chuyển chính của các cơ quan viện trợ quốc tế, có số kiều dân Guinea đông đảo.

Ở Guinea, một lệnh giới nghiêm 24 giờ đã được áp dụng tại thành phố thứ hai, Nzerekore, sau một cuộc bạo động khi khu chợ chính trong thành phố được phun thuốc khử trùng để ngăn chặn sự lây lan của virus Ebola. Nguyên nhân xác thực của cuộc bạo động không rõ ràng - một số người nói rằng phun thuốc sẽ làm lây lan Ebola, những người khác thì hô vang khẩu hiệu "Ebola là dối trá". Cảnh sát đã đáp trả bằng cách bắn hơi cay vào những người biểu tình.

Tỷ lệ lây nhiễm Ebola ở Guinea vừa qua được các chuyên gia y tế đánh giá là thấp hơn so với ở Liberia và Sierra Leone, trong khi ở Nigeria chỉ mới có 6 ca tử vong.

WHO hôm 28/8 đã công bố một kế hoạch nhằm ngăn chặn việc lây truyền của virus Ebola trong vòng sáu đến chín tháng tới. WHO cũng khuyến nghị các quốc gia bị ảnh hưởng nên tiến hành “sàng lọc” không để bệnh lan truyền sang 10 quốc gia lân cận. Kế hoạch tổng thể của WHO dự kiến chi 489 triệu USD trong vòng 9 tháng, với sự tham gia của 750 chuyên gia quốc tế và 12.000 nhân viên y tế các quốc gia Tây Phi.

THANH HIỀN (Theo BBC, AP, Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI