Ế khách mùa dịch COVID-19, tài xế xe công nghệ "đi chợ giùm"

24/03/2020 - 14:55

PNO - Nhiều người tiêu dùng e ngại việc ra khỏi nhà khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều ứng dụng gọi xe công nghệ đã tung tính năng "đi chợ giùm", các tài xế cũng có thêm doanh thu.

Anh Thiên - một tài xế chạy xe công nghệ ở quận Bình Thạnh, TPHCM chia sẻ, do dịch COVID-19 đang lan nhanh, người dân hạn chế ra khỏi nhà, học sinh, sinh viên được nghỉ học, người làm văn phòng làm việc từ xa, nên khách hàng đặt xe của anh giảm 70 - 80%. Có những ngày, anh chờ cả buổi sáng nhưng không có một khách nào đặt xe. Gần đây, khi hãng của anh áp dụng thêm tính năng "đi chợ giùm" dành cho khách hàng hạn chế ra ngoài, anh Thiên bắt đầu có đơn hàng trở lại.

Không chỉ anh Thiên, nhiều tài xế xe ôm công nghệ tại TPHCM cũng bắt đầu có đơn hàng từ tiện ích "đi chợ giùm" khách trong mùa dịch. 

Giao diện ứng dụng của khách và tài xế trên tính năng đi chợ giùm khách

Theo đó, nhiều ứng dụng cũng bắt đầu tích hợp thêm tính năng đi chợ cho khách trên ứng dụng. Đầu tháng 3/2020, ứng dụng gọi xe Be tung ra tính năng đi chợ thay khách. Khách hàng sử dụng dịch vụ này tương tự như gọi xe, bằng cách vào ứng dụng chọn điểm đến là các siêu thị, cửa hàng thực phẩm (phải là những nơi có xuất hóa đơn) rồi vào bấm chọn các món hàng, số lượng cần mua. Sau đó, hệ thống sẽ tự tính tiền, bao gồm tiền hàng và tiền vận chuyển của tài xế. Ứng dụng này chỉ áp dụng thanh toán qua thẻ và tài khoản của công ty này; đồng thời khách chỉ được mua tối đa 500.000 đồng/hóa đơn.

Cước phí mỗi đơn hàng được đơn vị này tính là 14.500 đồng cho 2km đầu tiên, 5.500 đồng cho mỗi km tiếp theo và phụ phí mua hàng là 30.000 đồng/hóa đơn.

“Địa điểm mua hàng có thể thay đổi do nhiều lý do khác nhau, ví dụ cửa hàng/siêu thị đóng cửa; hàng hóa cần mua không có, không đảm bảo chất lượng… sẽ làm thay đổi giá cước dịch vụ. Do đó, trong trường hợp thay đổi địa điểm mua hàng, khách hàng và tài xế sẽ thỏa thuận các khoản chi phí phát sinh và phương thức thanh toán (nếu có)”, ứng dụng Be lưu ý đến khách hàng và tài xế khi chọn dùng ứng dụng.

Không chỉ Be, Grab cũng đã thêm tính năng “GrabMart”. Với ứng dụng của Grab, thay vì để khách hàng bấm chọn sản phẩm và tính tiền, Grab cho khách bấm chọn sản phẩm, kèm hình ảnh và mức giá niêm yết, khi lựa chọn nơi mua hàng, hàng hóa, số lượng… khách hàng sẽ đến khâu thanh toán, sẽ bao gồm tổng giá trị đơn hàng cộng phí giao hàng khách phải trả cho tài xế.

Tuy nhiên, do mới chỉ thử nghiệm dịch vụ tại TPHCM nên ứng dụng đi chợ của Grab vẫn còn hạn chế khá nhiều về số lượng các cửa hàng, siêu thị; bên trong các siêu thị lại không thể chọn mua được nhiều mặt hàng.

Chẳng hạn, khi chọn vào một hệ thống Co.opXtra tại TPHCM trong mục nước giải khát chỉ 3 - 4 loại gồm 1 loại nước suối, 1 loại nước ngọt và 1 loại đào/cam ép… thay vì rất nhiều loại nước giải khác phổ biến khác vẫn lại là hạng mục “không khả dụng”. Đồng thời, cũng tại đại siêu thị này, ứng dụng chỉ mới mua được một số loại cá/tôm viên đóng gói thay vì thịt, rau, củ, quả tươi sống như mong đợi của khách hàng.

Thực ra các ứng dụng "đi chợ giùm" tại Việt Nam không mới, trên thị trường hiện có các start-up như: Chopp.vn, Disieuthi.vn… hoặc một số cửa hàng, siêu thị áp dụng vận chuyển online cho khách thay vì đến trực tiếp mua hàng. Riêng ứng dụng GrabMart, trước đây đã có ở Malaysia, Indonesia và Thái Lan, Việt Nam là thị trường thứ tư áp dụng. Ứng dụng GoViet cũng đã có tính năng đi chợ có tên GoMart, tuy nhiên tính năng này vẫn chưa triển khai tại Việt Nam.

Theo các tài xế xe ôm công nghệ, do các ứng dụng chỉ vừa thử nghiệm, mới áp dụng nên không tránh khỏi nhiều bất cập trong việc đi mua hàng cho khách. Anh Thiên cho hay, cước phí cho việc vận chuyển cũng tương đương việc chở khách, hoặc giao hàng theo yêu cầu của khách; nhưng việc "đi chợ giùm" tốn khá nhiều thời gian và tiềm ẩn nhiều rủi ro khi khách phàn nàn về hàng hóa đã mua, nhất là đối với thực phẩm tươi sống, thịt, cá, rau củ...

“Việc chọn mua hàng mất gần cả tiếng đồng hồ, chưa kể nhiều khách chọn siêu thị lớn, đặt mua nhiều món lặt vặt nên việc tìm mua rất lâu, thay vì như trước đây chỉ chở khách, hoặc giao món hàng đến đúng điểm là xong”, anh Thiên cho biết.

Nhiều ứng dụng gọi xe công nghệ tung tính năng đi chợ giùm khách trong mùa dịch. Ảnh minh hoạ
Nhiều ứng dụng gọi xe công nghệ tung tính năng "đi chợ giùm" khách trong mùa dịch - Ảnh minh họa

Một tài xế công nghệ khác cho biết, việc có thêm nhiều tính năng giúp cho khoảng “thời gian chết” của tài xế công nghệ trong mùa dịch ít đi. Tuy nhiên, việc làm hài lòng khách khi "đi chợ giùm" rất khó khăn. Theo người này, dù các đơn hàng là sản phẩm trong siêu thị, giá cả, chất lượng, khối lượng khách hàng đã biết; tuy nhiên đối với hàng tươi sống, khách luôn có những yêu cầu riêng chẳng hạn đặt hàng mua thịt và chú thích: “Lựa miếng thịt nhiều hơn mỡ” khiến các tài xế rất bối rối. 

“Hiện đang mùa dịch bệnh, có rất nhiều khách hàng có nhu cầu "đi chợ giùm" và cũng chưa xảy ra những phàn nàn về chất lượng hàng hóa tài xế mua; tuy nhiên công ty nên có chính sách cụ thể với khách hàng về tính tương đối của hàng hóa để tránh xảy ra trường hợp khách hàng không hài lòng với món đồ tài xế mua về", một tài xế xe công nghệ chia sẻ.

Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI