Ê chề… cơm sinh viên

17/06/2016 - 07:21

PNO - Cơm canh có ruồi, sâu, dòi; bát đũa rửa còn dính rau, màng mỡ… là cảnh khá quen thuộc của sinh viên (SV).

Họ đang phải nạp vào cơ thể những bữa ăn chưa đảm bảo vệ sinh từ các điểm bán hàng rong quanh trường, căng tin ký túc xá (KTX).

Cơm sinh viên chỉ cần rẻ

Sau vụ dòi bò lúc nhúc trong cơm ngày 14/6, nhà ăn B3 thuộc KTX ĐH Quốc gia TP.HCM khu B đã bị đóng cửa, nhưng nỗi lo âu lại lan rộng. Thế Anh, SV Trường ĐH Kinh tế - Luật cho biết: “Các quán ăn còn lại ở làng đại học cũng chẳng khá hơn, chỉ là chưa phát hiện sự cố. Từ bát đĩa, muỗng đũa rửa chưa sạch, còn dính rau, cơm, đến những chai tương ớt không rõ nguồn gốc và thành phần, thịt có màu đen như bị bầm và thậm chí có tóc, dòi trong cơm... là chuyện thường ngày”.

Ăn cơm KTX hai năm nay, Thanh Tâm, SV Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM ngán ngẩm: “KTX khu B này có sáu nhà ăn, chất lượng đều “ẹ” như nhau. Ăn cơm, bún, phát hiện ruồi chết, sâu, dòi, nhưng muốn phản ánh lên ban quản lý (BQL) thì phải có bằng chứng, clip mới tin. Nói là có tổ kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng em ăn hai năm nay có thấy ai kiểm tra đâu”.

E che… com sinh vien
Sinh viên giải quyết bữa ăn tại các hàng quán bên ngoài

Nhiều SV tận mắt chứng kiến cảnh nhân viên căng tin chế biến, phân chia thức ăn rất mất vệ sinh, nhưng vẫn nhắm mắt nuốt. Tú Anh, SV Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM kể: “Rau thì người ta chỉ rửa sơ không cần nhặt, chén canh đại dương có vài cọng rau còn nguyên gốc rễ. Cái khăn hết lau tay sẵn tiện lau tủ, lau bàn. Dùng tay không bốc bún, phở... SV ít tiền mới phải chịu cảnh ăn uống mất vệ sinh như vầy. Nhưng lẽ ra thức ăn căng tin cũ ng phải sạch hơn chứ đằng này chẳng khác nào hàng quán ngoài đường”.

Để chứng minh, Tú Anh dẫn PV đến ăn cơm trưa ở nhà ăn B4. Tại đây, mỗi phần ăn được bán với giá 15.000đ gồm một đĩa cơm và một bát canh. Các khay thức ăn được bày san sát nhau trên kệ tủ, không che đậy. Nhân viên bán cơm không đeo găng tay theo quy định. Cả khu nhà ăn mấy chục bàn không có lấy một cái quạt, trong khi trời nóng hầm hập cà ng khiến thức ăn mau hư hơn. Chúng tôi vừa đặt đĩa cơm lên bàn, lập tức ruồi bay đến…

Ngao ngán với chất lượng cơm căng tin KTX nhưng hàng chục nghìn SV tạm trú tại đây khó có lựa chọn khác. Khu B nằm cách nhà dân, khu chợ tạm khoảng 4km. “Thỉnh thoảng, chúng em cũng ra ngoài ăn nhưng muốn đi thì phải bắt xe buýt vì đoạn đường từ KTX đến chỗ có bán đồ ăn gần bốn cây số, mà đường rất vắng. Nên rất ít khi tụi em ra ngoài, đành phải ăn tại nhà ăn trong này”, Bảo Ngân, SV Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM chia sẻ.

Làng đại học ở Thủ Đức được ví như một đô thị đại học, tập trung hàng trăm nghìn sinh viên của các trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, ĐH Ngân hàng, ĐH Thể dục thể thao… nhưng điều kiện ăn uống ở đây thì chưa “xứng tầm”. Hàng quán được nhà dân khu vực xung quanh bày bán tự phát, không cần đăng ký kinh doanh hay lưu mẫu thức ăn. Nhiều quán ăn nằm dọc con đường từ trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn đến trường ĐH Khoa học tự nhiên bán đủ các món. Mặt bằng giá các hàng quán này khá mềm, dao động từ 12.000-25.000đ/phần. Nhưng chất lượng bữa ăn rất đáng lo ngại, thức ăn được mua từ đâu, chế biến ra sao, không ai biết.

Thức ăn thành phẩm không được che đậy để tránh ruồi nhặng, bụi bẩn mà phơi ra giữa trời nắng nóng. Vào giờ cao điểm buổi trưa và chiều tối, khi đông khách, chủ quán bốc thức ăn, rau bằng tay; bàn ghế đón hết lượt khách này đến khách khác mà không được lau dọn nên đầy rác…

Trưa 16/6, PV đến căng tin của một trường đại học tại Q.7. Khu vực bếp có khá nhiều ruồi, côn trùng nhưng ngay sau khi chế biến, chủ căng tin đặt thức ăn ngay trên bàn mà không có bất cứ vật gì che đậy. Mì để chế biến mì xào được các nhân viên trụng sẵn khá lâu và cho vào một rổ lớn đặt trên bàn. Khi PV thắc mắc, một nhân viên căng tin trả lời: “Thức ăn này mới nấu đem ra nên không có ruồi đâu, bây giờ dọn bán thì làm sao che đậy lại”.

E che… com sinh vien
Căng tin trường T.Đ.T. để thức ăn không che đậy cả ngày bán cho sinh viên

Một SV của trường này cho hay: “Cứ mỗi lần đem thức ăn ra là họ để vậy bán chứ không che đậy gì cả. Có hôm em phát hiện ruồi trong đồ ăn nhưng tự vớt ra chứ phản ánh cũng như không. Đáng lẽ thức ăn nấu xong phải bỏ trong tủ như mấy căng tin khác, nhưng ở đây họ lại để ngoài bàn như vậy nên chuyện ruồi rớt vào là bình thường”.

An toàn thực phẩm - lửng lơ trách nhiệm

Ông Trần Thanh An, Giám đốc Ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM khẳng định: “KTX ĐH Quốc gia TP.HCM 15 năm nay chưa bao giờ xảy ra vụ ngộ độc nào. Đó là cái may cho 21.000 SV tại đây. Sự cố cơm có dòi ngày 14/6 phải xử lý ngay”. Ông An cho biết, BQL KTX ngày nào cũng có ba nhân viên đi kiểm tra 10 nhà ăn ở hai khu A và B, có lưu mẫu và sổ sách ký hàng ngày: “Chúng tôi kiểm tra đúng quy trình và lưu mẫu, phiếu thực phẩm có nguồn gốc, quy trình bếp một chiều. Họ có giấy nhập hàng có nguồn gốc. Tôi không thể giải thích được vì sao trong cá có dòi, nhưng bằng chứng là xác thực. BQL KTX cũng có trách nhiệm. Chỉ cần các bạn SV phản ánh, ngay lập tức KTX sẽ vào cuộc, kiểm tra và xử lý”.

Một đại diện của Trường ĐH Tôn Đức Thắng cho biết, các căng tin trong trường được kiểm tra giám sát thường xuyên. Các đơn vị đấu thầu phải tuân thủ quy định của trường về giá cả, nội quy, chất lượng, muốn thay đổi giá phải xin ý kiến trường. Nhân viên bán căng tin phải mặc đồng phục, có kiểm tra sức khỏe tại y tế quận; các mẫu nước nấu ăn phải qua kiểm tra của Viện Pasteur; thức ăn phải được lưu mẫu theo quy định vệ sinh an toàn thực phẩm. Mỗi năm hai lần có trung tâm y tế của quận xuống kiểm tra…

Trên lý thuyết, tất cả các trường, BQL KTX đều có trách nhiệm phải kiểm tra, giám sát căng tin, chất lượng phục vụ bữa ăn cho SV. Nhưng thực tế tại một số trường ĐH, CĐ trên địa bàn TP.HCM, công tác quản lý, giám sát… chất lượng ở các bếp ăn, căng tin còn hạn chế. Trường nào cũng cho rằng đã quản lý đúng quy trình, chặt chẽ nhưng chặt đến đâu thì chỉ có SV trực tiếp ăn mới biết chính xác trường đã làm hết trách nhiệm hay chưa.

E che… com sinh vien
Mì gói được trụng nước sẵn để khá lâu trước khi đem xào

Trao đổi với PV, ông Huỳnh Tấn Thịnh, Phó phòng Y tế thị xã Dĩ An, Bình Dương, cho biết: “Sau khi nhận được thông tin về thức ăn trong KTX ĐH Quốc gia có dòi, Trung tâm Y tế thị xã Dĩ An đã cử cán bộ xuống làm việc để nắm bắt tình hình. Còn việc lấy mẫu thức ăn để điều tra nguyên nhân thì Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM đã thực hiện”.

Khi PV đặt vấn đề công tác kiểm tra hoạt động của các quán ăn, bếp ăn, căng tin xung quanh khu vực KTX ĐH Quốc gia TP.HCM, ông Thịnh cho hay: “Việc kiểm tra hoạt động của bếp ăn trong khu KTX ĐH Quốc gia thuộc quyền của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM. Chúng tôi chưa kiểm tra lần nào. Còn những quán cơm xung quanh khu KTX ĐH Quốc gia thì chúng tôi chỉ đi theo từng đợt chỉ đạo chứ không đi thường xuyên…”.

Có thể thấy, công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm ở khu vực KTX ĐH Quốc gia TP.HCM còn để lửng lơ do KTX nằm trên địa bàn giáp ranh giữa Bình Dương và TP.HCM. Sự “nhường nhịn” của hai đơn vị này đã để bữa ăn sạch của hàng chục nghìn SV ở làng đại học này bị bỏ quên lâu nay.

Gia Tuệ - Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI