Ế ẩm luyện thi cấp tốc

17/05/2015 - 08:12

PNO - PN - Thời điểm này mọi năm là mùa “hốt bạc” của các trung tâm luyện thi đại học (TTLTĐH) nhưng mùa luyện thi cấp tốc năm nay lại đìu hiu, ế ẩm vì kỳ thi chung 2 trong 1 (ảnh).

edf40wrjww2tblPage:Content

E am  luyen thi cap toc

Một lớp luyện thi đại học vắng vẻ người học tại Q.3 - Ảnh: Phùng Huy

Quảng cáo thật kêu

Trang hocmai.vn vừa tung ra phương pháp luyện thi THPT quốc gia PEN-M tối đa hóa điểm số dựa trên năng lực. “Thức thời” trước sự thay đổi của kỳ thi ĐH thành kỳ thi THPT quốc gia, đơn vị này đưa ra những lời quảng cáo hấp dẫn cho khóa luyện thi mới: Giúp học sinh (HS) trung bình - trung bình khá nắm chắc 6-8 điểm/môn sau 45 ngày ôn tập; HS khá - giỏi đạt 8-10 điểm cũng chỉ sau chừng ấy thời gian ôn luyện tại đây. “Lò luyện” trực tuyến này còn đưa ra những con số thuộc hàng… khủng nhất VN để thuyết phục người học như: chương trình học được xây dựng bởi các chuyên gia giáo dục uy tín nhất; đội ngũ giáo viên hàng đầu VN; có hơn 300 thủ khoa, á khoa và 10.000 tân sinh viên…

TTLTĐH Thống Nhất (Q.Gò Vấp) đang chiêu sinh lớp luyện thi cấp tốc khai giảng các ngày 11, 18 và 25/5. Những lớp luyện thi tại đây đều được quảng cáo chất lượng cao nên mức học phí cũng phải “xứng tầm”. Người học phải trả 1.000.000đ cho mỗi môn học, riêng môn toán là 1.200.000đ, đóng trọn khối ba môn học là 3.000.000đ. Lý giải cho việc vì sao thu học phí cao, TTLT Thống Nhất chắc nịch: “Để đánh giá đúng học phí, phụ huynh nên xem kỹ số tiết học của mỗi môn trong tuần để có lựa chọn tốt nhất… Học nhiều lớp không bằng một lớp học nhiều tiết”.

“Giảng viên từ các trường ĐH Sư phạm, Y Dược, Bách khoa... và các giáo viên đang dạy luyện thi tại các trường Nguyễn Du, Nguyễn Thượng Hiền, Lê Hồng Phong… Có kinh nghiệm ra đề và chấm bài thi của Bộ” là lời quảng cáo rất “kêu” về đội ngũ giảng viên của TTLT Tân Việt (Q.12) để hút người học. TT này cũng tự nhận mình là TTLT rất uy tín tại TP.HCM hiện nay. Tất nhiên, mức học phí không hề dễ thở: lớp luyện thi cấp tốc 30 tiết/tuần, 40 HS/lớp có học phí 2.500.000đ/khóa/ba môn; lớp chất lượng cao: 40 tiết/tuần, 20 HS/lớp, học phí 4.000.000đ/khóa/ba môn.

Để tăng sức hút chiêu sinh cho mùa luyện thi cấp tốc, các TTLT tăng cường quảng cáo bằng nhiều hình thức, nghĩ ra nhiều lời rao thật ấn tượng để “đập” vào mắt người học. Giám đốc một TTLT chia sẻ: “Đến mùa luyện thi cấp tốc, các TT phải nghĩ ra nhiều chiêu quảng bá để hút người học. Mọi năm thì phát tờ rơi ở các trường THPT, ngã tư đường, đăng thông tin trên báo. Cả tháng nay, chúng tôi phải cho nhân viên đẩy mạnh quảng cáo trên mạng xã hội, facebook, diễn đàn tuổi teen để thu hút HS”.

E am  luyen thi cap toc

Vẫn thua!

Dù tung ra những lời quảng cáo rất kêu nhưng các TTLT này vẫn rất vắng vẻ, không có nhiều HS đến đăng ký như mùa luyện thi cấp tốc những năm trước. Tương tự, các cơ sở bồi dưỡng văn hóa (BDVH) có tiếng cũng giảm đáng kể người học, nhiều nơi giảm đến 50% lượng HS ôn thi cấp tốc. TTLTĐH 60 An Sương (Q.12) chỉ tuyển được chừng 900 học viên, trong khi thời điểm này những năm trước có đến 1.500 học viên vào học, thậm chí không còn chỗ trống để nhận thêm.

Tương tự, bà Thái Thị Lành, Trưởng cơ sở BDVH Thành Đô (Q.3) cho biết: Năm nay chỉ tuyển được khoảng 290 học viên luyện thi cấp tốc, giảm 30% so với năm rồi. Nhiều TTLT khác giảm thê thảm, có nơi còn không tuyển được người học.

TTLT Tô Hiến Thành (Q.10) thậm chí còn không mở khóa luyện thi cấp tốc. Theo ông Nguyễn Hòa, Giám đốc TT này thì TT chỉ chiêu sinh khóa luyện thi trung và dài hạn nhưng cũng có 400 em, sụt giảm đáng kể so với trước đây. Thông thường cuối tháng Năm, đầu tháng Sáu là thời điểm chiêu sinh khóa cấp tốc sau khi HS thi tốt nghiệp xong, nhưng năm nay, chỉ còn duy nhất một kỳ thi chung vào đầu tháng Bảy nên chắc chắn các trường THPT giữ học sinh lại ôn tập cho đến tháng Bảy. HS ở tỉnh cũng không thể đổ xô lên TP.HCM ôn thi rồi quay về thi tại cụm thi tỉnh.

Em Nguyễn Thanh Phúc, HS lớp 12 Trường THPT Nhân Việt cho biết: “Do hai kỳ thi gộp làm một nên trường em ôn luôn đến gần ngày thi, chứ không nghỉ sau khi thi xong tốt nghiệp như mọi năm. Ôn tập ở trường hai buổi em nghĩ cũng đã đủ để đi thi. Hơn nữa học ôn ở trường không mất thêm nhiều tiền, lại quen thầy cô rồi nên em không có nhu cầu luyện thi cấp tốc bên ngoài”.

Chính những thay đổi trong thi cử đã khiến các TTLT ngày càng khó làm ăn hơn. Cơ sở BDVH thuộc trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng đóng cửa không chiêu sinh dù đang cao điểm mùa luyện thi cấp tốc; TTLT của ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM cũng không tuyển sinh… Một vị quản lý chuyên môn của Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: Theo thống kê của Sở GD-ĐT TP.HCM, hiện có khoảng 270 cơ sở BDVH, TTLT được cấp phép, con số này có phần giảm so với vài năm trước. Với tình hình hiện nay, có khả năng nhiều TTLT sẽ đóng cửa trong thời gian tới.

Theo lý giải của các chuyên gia, luyện thi cấp tốc rơi vào cảnh chợ chiều như hiện nay là do sự đổi mới thi cử, gom hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và ĐH vào một nên tất nhiên người học sẽ quay lưng với các TTLT. “Xu hướng ra đề thi của Bộ ngày càng sát chương trình học và chủ yếu nằm trong lớp 12. Đặc biệt, năm nay, lần đầu tiên Bộ ra đề thi đáp ứng hai nhiệm vụ xét tốt nghiệp và ĐH nên sẽ bao gồm những câu hỏi từ căn bản đến khó, người học chỉ cần nắm kiến thức căn bản cũng giải quyết được. Nếu HS có học lực khá, giỏi có thể tự học và hệ thống lại kiến thức. Vì vậy, HS chủ yếu ôn luyện tại trường THPT hoặc tự ôn tập tại nhà, trên mạng…”, ông Nguyễn Đức Quốc, Giám đốc TTLT 60 An Sương lý giải.

Sự đổi mới của thi cử và cách ra đề của Bộ đã góp phần làm giảm áp lực thi cử, người học không còn đổ xô đi luyện thi để giành một suất vào ĐH như trước. Người học không chọn luyện thi cấp tốc mà tự ôn luyện là tín hiệu đáng mừng!

GIA TUỆ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI