Dzũng Yoko: Tôi đã từng ảo tưởng về bản thân

11/01/2019 - 14:30

PNO - Anh được biết đến không chỉ từ những bộ ảnh khó trộn lẫn trên các tạp chí quốc tế danh tiếng tại Việt Nam như Elle, L’Officiel mà còn bởi sự say mê dành cho nghệ thuật.

Trong giới sáng tạo nghệ thuật thị giác tại Việt Nam, Dzũng Yoko là một cái tên khiến người ta không thể bỏ qua. Anh được biết đến không chỉ từ những bộ ảnh khó trộn lẫn trên các tạp chí quốc tế danh tiếng tại Việt Nam như Elle, L’Officiel mà còn bởi sự say mê dành cho nghệ thuật. Dzũng luôn hứng thú và thích tìm tòi những điều mới mẻ.

Dĩ nhiên, độ kỹ tính của giám đốc sáng tạo Dzũng Yoko thường xuyên khiến những người không quen cảm thấy… phát mệt. Và đôi lúc, anh cực đoan đến mức khó chiều, nhưng khi xem sản phẩm của anh, hầu hết mọi người đều gật gù tán thưởng. Phải chăng đó mới là cốt lõi quan trọng của một người sáng tạo nghệ thuật?

Dzung Yoko: Toi da tung ao tuong ve ban than

Tốt nghiệp thủ khoa Đại học Kiến trúc năm 1998 nhưng chàng trai Hà thành lại có niềm đam mê to lớn với nghệ thuật, thời trang. Sau khi cộng tác với nhiều gương mặt âm nhạc đương đại (Đỗ Bảo, Tùng Dương, Lê Hiếu, Thu Minh, Trần Thu Hà…) trong khâu lên ý tưởng và trực tiếp thiết kế những sản phẩm âm nhạc nổi tiếng, Dzũng bắt đầu lấn sân sang lĩnh vực thời trang.

Kiến thức từ trường lớp giúp anh rất nhiều trong tư duy không gian, có được chiều sâu trong việc dựng và phối cảnh, còn tâm hồn nhạy cảm giúp Dzũng nắm bắt nhanh nhạy những thứ diễn ra xung quanh; khiến anh dễ tổn thương, dễ đau nhưng cũng cho ra những ý tưởng sáng tạo luyến lưu không dứt. Dzũng đặc biệt say mê văn hóa Á Đông, không chỉ bởi anh là người Việt, như một sự hướng về nguồn cội dù trong huyết quản anh có một chút chất lãng tử của người Pháp.

Dzung Yoko: Toi da tung ao tuong ve ban than

Tôi nghĩ cuộc sống luôn ẩn chứa những điều kỳ diệu. Thời gian dạy cho tôi từ một chàng trai bi quan nhận ra mình không thể đắm chìm mãi vào những chuyện đau khổ không thể giải quyết. Ví như, thời tiết nắng quá rồi sẽ mưa nhưng mưa mãi rồi sẽ nắng. Những cặp đôi yêu nhau đều phải nếm trải niềm vui, hân hoan, ấm áp hòa quyện với nỗi khắc khoải, cô đơn. Tất cả là một vòng tuần hoàn, kết hợp thành một nét hoàn hảo riêng. Mình có làm gì thì mọi thứ vẫn cứ tiếp diễn. Thế nên, nếu có muôn vàn cách nhìn nhận trong cuộc sống hiện tại, ta hãy nhìn theo hướng tích cực nhất, ngay cả trong những thời điểm buồn thảm nhất.

Dzũng Yoko

Biệt danh “Yoko” có lẽ khởi nguồn từ sự say mê ngày càng mãnh liệt và đậm sâu đó. Mỗi bộ hình Dzũng thực hiện đều mang đậm dấu ấn cá nhân, lần lượt được đưa vào những cuốn sách ảnh thời trang của anh xuất bản đều đặn ba năm qua: Daydreams - Những kẻ mộng mơ (2016), Going East - Tìm về phương Đông (2017) và LOVE (2018). Nếu cuốn artbook thứ ba của Dzũng “nói” về tình yêu, ở những góc nhìn khác nhau thì cũng có thể khẳng định, đấy là cách anh bày tỏ tình yêu với thời trang, với nghệ thuật.

Dzũng là người kiệm lời đến mức lười biếng. Ngồi cà phê với anh mà không nói về sáng tạo, về nghệ thuật, sẽ chẳng có lý do gì để tiếp diễn cuộc nói chuyện ấy. Nhưng, nói về nghệ thuật, Dzũng chưa khi nào cảm thấy cạn kiệt sáng tạo; trừ một lần, vào năm anh 32 tuổi.

Dzung Yoko: Toi da tung ao tuong ve ban than

Biến cố giúp nhận ra yêu thương

Phóng viên: Cuốn artbook lần thứ ba của anh đặc biệt về nhiều lẽ, trong đó, đặc biệt nhất có lẽ là lần đầu tiên anh đứng sau máy ảnh. Tại sao đến giờ anh mới “xắn tay” chụp? Cảm giác đứng sau máy ảnh thay vì chỉ quan sát trên tinh thần một người sáng tạo khác nhau như thế nào?

Nghệ sĩ Dzũng Yoko: Giữa năm trước, tôi gặp nhiếp ảnh gia, đồng thời là creative Như Xuân Hứa khi cùng chụp bộ ảnh kỷ niệm bảy tuổi của tạp chí Elle Việt Nam. Khi thấy những bản phác họa của tôi, cô ấy hỏi sao tôi không thử chụp ảnh để có thể biểu đạt đúng và sát hơn ý tưởng của mình? Gợi ý của Xuân là nguồn động viên rất lớn. Tôi nghĩ cứ thử xem sao. Nhiếp ảnh gia Minh Monkey chính là người chỉ cho tôi từng li từng tí về kỹ thuật.

Cảm giác khi nhìn mọi vật qua ống kính thật lạ lùng, khó hiểu và kỳ diệu. Đôi khi tưởng tượng là A mà kết quả lại là B hay B’ khiến tôi thẫn thờ ngay tại buổi chụp. Một giây bấm máy là tổng hòa nhiều cảm xúc từ người mẫu, bối cảnh lẫn chính người nhìn họ thông qua tấm màn trập. Buổi chụp hình đầu tiên, tôi lo lắng đến mức không ngủ được, thậm chí không cho ai đến buổi chụp. Kết quả không được tốt. Tôi chụp bộ thứ hai cũng lo. Đến bộ ảnh thứ 20, tôi không lo nữa. Bây giờ như bạn thấy đấy, kết quả cũng… không đến nỗi nào.

* Sự kết nối của bạn bè, những người làm sáng tạo và trên hết là nguồn năng lượng tích cực từ những bản thể khác nhau phải chăng là lý do khiến anh chọn chủ đề cho cuốn sách là “Love”?

- Khi bắt tay thực hiện cuốn sách này, một dự án cá nhân của riêng tôi, do tôi lên ý tưởng và tự chụp, điều đầu tiên tôi nghĩ đến chính là tình yêu. 12 năm trước, tôi từng rơi vào trầm cảm. Một số biến cố ập đến khiến từng khoảnh khắc tôi sống chỉ toàn những điều đau đớn. Tôi nghỉ làm, sống khép mình và muốn thời gian trôi thật nhanh. Không niềm vui. Không động lực. Tôi may mắn vượt qua được nhờ sự quan tâm của gia đình, bạn bè, những người đồng hành. Tôi cảm thấy như được sống lại. Lúc ấy mới thấu hiểu, yêu thương là cốt lõi trong đời sống.

Dzung Yoko: Toi da tung ao tuong ve ban than

Tình yêu có nhiều sắc thái, cung bậc khác nhau. Có thể là tình yêu đôi lứa, cũng có thể là yêu thương đại đồng, yêu thiên nhiên, hoa cỏ… Với người này, tình yêu là mù quáng, là đau khổ, dằn vặt. Với người khác, tình yêu là thăng hoa hạnh phúc, là đồng cảm, sẻ chia… Bản thân tôi khi bóc tách từng lớp của tình yêu cũng cảm thấy thú vị. Vậy là làm thôi. Tôi muốn nhìn sâu vào bên trong mình. Tôi học được rất nhiều từ cuốn sách của mình: về sự tự khai phá bản thân, cách kiềm chế cảm xúc…

Ý tưởng là thứ chẳng bao giờ cạn kiệt

* Từ cuốn sách đầu tiên đến cuốn sách thứ ba, đã có những thay đổi nào trong tư duy sáng tạo của anh? 

- Tôi thấy mình sâu sắc hơn. Trước đây, tôi thường làm theo kiểu tôi thích và tư duy bằng hình ảnh. Bây giờ, tôi nghĩ từ nội dung để chuyển tải thành hình. Tôi hiểu rõ nó từ đâu đến, tại sao lại như vậy. Hiện tại, góc nhìn của tôi bắt nguồn từ nội tâm ra thế giới bên ngoài, đằm thắm và chín chắn hơn.

* Làm công việc sáng tạo, điều nghệ sĩ lo lắng nhất là cạn ý tưởng. Còn anh?

- Sáng tạo đến từ nhiều khía cạnh: cuộc sống, người kết nối và truyền cảm hứng. Tôi không hiểu vì sao nhiều người than thở rằng họ cạn ý tưởng. Ý tưởng thì làm sao hết được nhỉ? Vì cảm xúc của chúng ta có bao giờ hết? Một bức tranh đẹp, một cuốn phim hay, một buổi chiều đầy gió… kể cả một cơn đau… mọi điều trong cuộc sống đều có thể gợi cảm hứng cho người làm nghệ thuật.

Thế nhưng, nếu chỉ tư duy bằng hình thì chẳng thể trở thành người làm công việc sáng tạo. Nó đòi hỏi sự trải nghiệm, cảm xúc thật cộng hưởng với tính nguyên bản của cá nhân mới tạo ra được hồn phách và dấu ấn riêng cho tác phẩm. Tôi không trẻ nhưng thấy mình luôn sung sức trong nghệ thuật.

* Việc đón nhận những sáng tạo mới hiện nay có vẻ đã bớt nghiêm khắc, phải không anh?

- Đúng là như vậy. Thời trang phát triển mạnh, xã hội toàn cầu hóa, mạng xã hội nở rộ, người ta yêu thời trang, quan tâm đến nghệ thuật nhiều hơn và cần những luồng tư tưởng khác nhau để đa dạng hóa thế giới này. Những thứ mới mẻ, những vẻ đẹp lạ, không rập khuôn được chấp nhận, thậm chí tán dương. Nó cũng như hai mặt của cuộc sống. Sự tán thưởng dễ khiến người ta ảo tưởng về danh tiếng, tài năng. Ngược lại, nó đòi hỏi người sáng tạo phải thích ứng để không bị cuốn trôi, thậm chí lãng quên.

Dzung Yoko: Toi da tung ao tuong ve ban than

* Thế giới của anh rất hào nhoáng, nó có từng làm anh rơi vào trạng thái ảo tưởng?

- Thẳng thắn mà nói là có. Ba năm đầu về tạp chí Elle làm việc ở vị trí giám đốc sáng tạo, tôi nổi lên rất nhanh, được nhiều người biết đến. Tôi nghĩ mình nổi tiếng và tự cho mình rất nhiều quyền. Tôi hoàn toàn choáng ngợp và bị cuốn theo vòng xoáy đó, không dứt ra được. Bạn bè tôi buồn trách, người yêu thì giận trước sự đổi thay. Đến một lúc, tôi bình tĩnh ngồi xuống và nhận ra những thứ đó đều không thật. Sớm muộn rồi cũng sẽ bị lãng quên. Với người làm công việc sáng tạo, đó là sự vô nghĩa. Quan trọng nhất là sự truyền cảm hứng từ chính những tác phẩm bạn tạo ra. Đây là bài học lớn với tôi đến giờ. Cho nên, khi gặp những người trẻ ảo tưởng về bản thân, tôi rất cảm thông, bởi tôi đã từng như họ.

* Vậy làm thế nào để luôn mới mẻ mà vẫn giữ được bản sắc trong mỗi sản phẩm?

- Làm việc, tiếp xúc nhiều với người trẻ, bạn sẽ học hỏi được nhiều cái mới, cái hay của họ. Đi nhiều, xem-nghe-đọc từ nhiều nguồn, cập nhật công nghệ và cũng đừng giấu nghề. Bạn phải mở lòng thì người khác mới đến cùng bạn, từ đó tạo thành một cộng đồng cạnh tranh công bằng. Có như vậy, nghệ thuật mới phát triển. Còn chất riêng của mỗi người ư? Bạn phải biết mình là ai, mình muốn gì. Là nghệ sĩ mà không biết được điều này thì... rất căng.

* Cảm ơn anh đã chia sẻ.

Hoàng Linh Lan (thực hiện)
Ảnh: Dzũng Yoko - Nghĩa Ngô

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI