Dzanca của Dzung: “Dzũng sĩ” hai kiếm

07/03/2021 - 12:20

PNO - “Dzanca”- một đĩa world music chính hạng trong sự kết hợp giữa progressive rock và dân ca truyền thống.

Đã hơn 20 năm kể từ khi Nguyên Lê bắt tay Hương Thanh và một số nghệ sĩ nhạc cụ dân tộc thực hiện Tales from Vietnam, gồm các bản cổ nhạc và dân ca Nam Bộ được phối lại trên nền jazz như nền móng đầu tiên cho world music có yếu tố bản địa. Kể từ đó, world music len lỏi như một nhánh nhỏ của âm nhạc Việt Nam, khi các nghệ sĩ không ngừng dấn thân và thử sức mình ở thể loại âm nhạc kén chọn và đòi hỏi nhiều yếu tố sáng tạo này.

Nhắc đến world music ngày nay không thể không nhắc đến Quốc Trung với Đường xa vạn dặm, Tùng Dương với Độc đạo, Ngô Hồng Quang, Võ Thiện Thanh, 5 Dòng Kẻ và rất nhiều những sáng tạo nghệ thuật khác, mà mới đây nhất là Dzung với album Dzanca ra mắt hồi cuối tháng 1/2021.

World music là sự hòa trộn giữa các chất liệu âm nhạc dân gian với những phong cách thể hiện không có lằn ranh hay biên giới cố định. Những bản ghi âm world music điển hình mà ta hay thấy là việc sử dụng nhạc cụ truyền thống trong các bản ghi âm thỏa mãn được sự hòa hợp, hoặc làm mới âm nhạc cổ truyền trong lớp vỏ ngoài của những thể loại nhạc khác nhau.

Định nghĩa là thế, nhưng không có nghĩa chỉ cần mang nhạc cụ truyền thống vào bản phối là thành world music. Danh từ chỉ dòng này phảng phất, hòa quyện và chỉ kịp bật ra khi người nghệ sĩ cân bằng được giá trị mới - cũ, truyền thống - hiện đại; cho giao thoa nhau, khuếch tán lẫn nhau, trở thành bộ phận không thể tách lìa. Và Dzanca là một album như thế - một đĩa world music chính hạng trong sự kết hợp giữa progressive rock và dân ca truyền thống.

Đối với những người say mê rock, thì Dzung là cái tên không mấy xa lạ, khi anh từng gắn bó với các ban nhạc Hạc San hay Final Stage, cũng đồng thời là người tiên phong cho dòng progressive metal tại Việt Nam. Tham vọng của Dzung trong Dzanca là hoàn toàn dễ thấy, khi không ai ngờ một thể loại khó và kén người nghe như rock (thậm chí là metal) lại được kết hợp hoàn hảo với dân ca truyền thống trong một album khí nhạc không có lời ca như một thử thách.

Đồng thời, dân ca vốn dĩ lâu nay vẫn được ca tụng như phần máu thịt của dân tộc mình, thế nhưng lại chưa được đặt vào vị thế đúng với sự trang trọng. Và đĩa nhạc này là minh chứng rõ nhất cho tham vọng đó - một người nối liền được hai bến bờ tưởng như cách xa.

Dzanca là một concept album dẫu ta nhìn nhận ở khía cạnh nào, khi nó thống nhất mọi thứ: từ nội dung, câu chuyện cho đến âm nhạc, artwork và nhiều thứ khác. Dùng rock sở trường như bệ phóng chính, vai trò của Dzung không chỉ dừng lại ở một nghệ sĩ chơi guitar, mà anh còn là linh hồn, là người khai sinh, là nhà sản xuất của đĩa nhạc này.

Với một số lượng đồ sộ các nghệ sĩ khách mời, ta dễ nhìn nhận Dzung với vai trò của một nhà sản xuất thai nghén ra tham vọng này, bởi như anh chia sẻ không tin rằng mình xử lý hay được những khoảnh khắc ấy, nên sự có mặt của các nghệ sĩ - từ những tên tuổi gạo cội như NSƯT Hải Phượng cho đến những tên tuổi mới như drummer Cường Nhóc, Nhím của ban Chillies hay á quân Ban nhạc Việt Yellow Star Big Band… là tiếng nói tổng hòa cần thiết cho sự thăng hoa. 

Xe chỉ luồn kim - Dzung:

 

Về mặt nội dung, dân ca ở đây chỉ đóng vai trò như chất liệu nền, để từ đó Dzung thêu dệt nên chuyện cổ tích về người vợ và chàng tướng quân lên đường đánh trận của riêng mình. Việc chuyển tên gốc của những bài ca thành ra bối cảnh cho những phân đoạn là một điểm cộng hoàn toàn phù hợp.

Lý qua cầu với tên tiếng Anh The River Afterglow (Dòng sông chiều tà) như mở ra không gian ảm đạm của toàn câu chuyện, với những tiếng rung và nhịp nhấn nhá của electric guitar phỏng theo nhạc tài tử Nam Bộ.

Trên nền không gian rộng mở ấy, anh xây dựng những trường đoạn hay cặp đối lập chia cách nhau ra như Xe chỉ luồn kim - Bèo dạt mây trôi, Người ở đừng về - Còn duyên của sự chia ly - tái ngộ, Đi cấy - Lý ngựa ô của hai sắc thái ánh sáng - bóng tối…

Trong những bài ca này, guitar và trống luôn đóng vai trò chủ chốt như giọng đối thoại của người tướng quân - gợi nên khí thế hào hùng và cái ác liệt trong trận chiến mỗi lần djent guitar xuất hiện. Trong khi đó, tiếng gõ mõ như khúc kinh cầu hòa cùng đàn tranh, đàn bầu đầy cảm xúc và điêu luyện của NSƯT Hải Phượng hay Trang Chuối lại đóng vai trò như dáng hình của người đàn bà đoan trang chờ chồng trở về. Xen vào đó, trống Taiko làm tăng thêm vẻ hào hùng, trumpet cùng ban kèn đồng vang lên như khúc khải hoàn thắng trận. Tiếng gà gáy, sáo, tiêu và những sắp xếp bộ gõ cũng tạo nên được không gian sơn thôn đầy vẻ thân quen trong Đi cấy.

Rock tuy ồn ã và dữ dội, thế nhưng với cách sắp xếp những đoạn breakdown như những chuyển cảnh vô cùng điêu luyện trong điện ảnh, những đoạn dual hòa vào nhau như lối đối thoại, sự tăng kịch tính trong hai đoạn riêng biệt của Đi cấy hay tiếng đàn bầu lẩn khuất chìm nổi trong phông nền đầy thư giãn của… đã cho thấy một sự tinh tế vô cùng tài tình nơi Dzung. 

Sự hòa trộn những thể loại nhạc của anh đôi khi được đẩy lên đến tận cùng, thế nhưng việc phá bỏ đền đài là điều ta không thể thấy. Lý cây bông chính là track nhạc mang nhiều thể nghiệm nhất trong suốt thời lượng của Dzanca, khi tiếng đàn tranh chạy cùng tốc độ và sự dữ dội của djent guitar tám dây và biến nó thành tiếng nói thứ hai, khắc sâu lên được tâm trí rối như tơ vò của hai con người hai đầu chiến tuyến.

Ngược lại, Người ở đừng về được giữ gần như nguyên bản với acoustic guitar, đàn tranh, tiếng mõ và chỉ thêm đoạn solo đầy ngẫu hứng cuối của Jack Thammarat như một dấu ấn không thể nào quên.

Có thể nói từ sau những nỗ lực sáng tạo không ngừng của Nguyên Lê, sau Đường xa vạn dặm hay Hà Nội Duo - thì đến nay ta mới chứng kiến thêm được một sản phẩm âm nhạc đầy thống nhất và chỉn chu như thế, với sự kết hợp không thể ngờ tới giữa rock và những làn điệu dân ca. Dzung cùng Dzanca thực sự là một dũng sĩ hai tay hai kiếm - một tay giá trị truyền thống, và tay còn lại là những mới mẻ chờ được khai phá.

Thuận Phát

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI