DV Quốc Thảo: Về với đam mê

21/01/2014 - 08:01

PNO - PN - Sự xuất hiện trở lại của diễn viên Quốc Thảo ở sân khấu (SK) kịch Hồng Vân sau 10 năm vắng bóng là một bất ngờ. “Tái ngộ” khán giả trong vai trò diễn viên kiêm đạo diễn của Yêu giờ chót, Quốc Thảo góp thêm cho mùa...

edf40wrjww2tblPage:Content

* Có vẻ như anh thích nghi khá nhanh với “nhịp” của SK TP.HCM sau hơn 10 năm không làm nghề?

- Không làm nghề nhưng tôi vẫn thường xuyên cập nhật thông tin hoạt động SK qua bạn bè, đồng nghiệp... Quyết định về nước làm nghề lần này, tôi đã dành ra hơn một tháng đi xem ở các SK để thấy sự thay đổi của những người sáng tạo nghệ thuật; xu hướng thưởng thức của khán giả... Tôi không lệ thuộc vào những yếu tố đó nhưng cần phải bắt nhịp để “sống chung”, không thể “ở trên mây”, làm nghề theo ý thích chủ quan của mình.

* Hoạt động SK ở TP.HCM có khác nhiều so với những gì anh hình dung trước khi về nước?

- Khán giả của SK kịch có nhiều nhu cầu thưởng thức nghệ thuật khác nhau. Không thể nói SK nghiêm túc không có khán giả, cũng không thể nói phong cách kịch này là hay hoặc dở. SK như một bữa tiệc buffet với đủ món ăn. Khán giả có thể chọn món này món khác; có thể thích hoặc không thích nhưng không có nghĩa món họ không thích là món dở. Tuy nhiên, tôi cũng buồn vì cơ sở vật chất của các SK kịch sau 10 năm vẫn không có gì thay đổi, thậm chí có phần xuống cấp. SK đang thiếu sự đầu tư, thay đổi để hấp dẫn hơn. Rạp chiếu phim, phim ảnh có những bước tiến vượt trội trong khi SK vẫn đứng yên. Đời sống của các vở diễn hiện nay không lâu cũng là chuyện đương nhiên, vì có những vở chỉ được tập năm-bảy buổi.

* Quá nhiều “nỗi buồn” khi trở lại, anh có nhụt chí?

- Tôi vốn không phải loại người dễ nhụt chí trước khó khăn. Tôi quan niệm con người phải luôn tìm cách thích nghi với cuộc sống bởi chắc chắn không phải tất cả mọi thứ đều chiều theo ý muốn của mình.

* Nhưng cách đây hơn 10 năm anh đã bỏ tất cả, dù đang ở đỉnh cao vì “sự cố” không thể khai trương SK số 7 Trần Cao Vân do anh và Minh nhí đầu tư?

- Lúc đó tôi không nhụt chí mà là khủng hoảng và đổ vỡ niềm tin. Bao ý tưởng ấp ủ từ lâu, đã được chuẩn bị hết sức cẩn thận, nhưng đến giờ chót không thể thực hiện được chỉ vì những bất đồng quan điểm nội bộ từ phía đối tác. Sau khi khởi kiện, tôi là người thắng nhưng mọi thứ đã vuột khỏi tầm tay sau sáu tháng theo đuổi vụ kiện. Thời điểm đó, tôi nhận được sự kết nối của Columbus Art Synergy để tham gia dự án SK River of Many Sides của UIC Theatre (University of Illinois - Chicago). Tôi quyết định tham gia với mong muốn tìm những điều mới mẻ cho cuộc sống, nghề nghiệp. Dự án kết thúc cũng là lúc tôi nhận ra có nhiều thứ tôi cần phải học thêm.

DV Quoc Thao: Vè vói dam me

DV Quốc Thảo và NSND Hồng Vân trong Yêu giờ chót

* Anh đã tìm được điều gì mới mẻ cho mình?

- Tôi có thêm nhiều vốn sống, những trải nghiệm về con người, về cuộc đời, về thân phận những người phải sống tha phương… Những điều chỉ có đi mới biết, mới hiểu để sống thật với nó trên sàn diễn. Trước kia, tôi từng có những vai diễn Việt kiều, nhưng chỉ đến khi có trải nghiệm thật sự, tôi mới thấu hiểu nỗi khắc khoải của những người sống xa quê hương, còn dữ dội hơn tôi tưởng tượng gấp trăm lần. Để sống được ở Mỹ, khó nhất là thời gian tôi phải học cách thích nghi với môi trường mới, với những khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa. Bỏ lại SK, bỏ lại hào quang của cuộc đời diễn viên, tôi trở về như những người bình thường khác, phải làm mọi việc, một ngày có thể làm từ 10-12 tiếng. Tôi đi làm không chỉ để kiếm sống và trang trải học phí cho các khóa học nghệ thuật, mà đó còn là cách để tôi học ngôn ngữ, tích lũy vốn sống để hòa nhập.

* Có bao giờ anh thấy tiếc vì quyết định của mình ngày đó?

- Nhiều lần, một mình lái xe trên đường cao tốc, tôi tự hỏi: “Tại sao mình lại ở đây? Tại sao mình lại như người chạy trốn?...”. Không còn cách nào tốt hơn là tự an ủi: “Thôi thì cứ xem như đây là trạm dừng chân để tiếp thêm năng lượng, thêm kinh nghiệm, kiến thức, đợi ngày trở lại với nghề đầy đặn hơn”. Tôi nhớ nghề đến mức không bao giờ dám đi xem những chương trình biểu diễn của các đồng nghiệp từ Việt Nam sang. Bao nhiêu lần muốn về lại với nghề nhưng tôi cứ vướng hết chuyện này đến chuyện khác…

* Vậy “cơ duyên” nào dẫn đến sự trở lại của anh lần này?

- Có lẽ vì không thể trễ hơn nữa! Nếu cứ tiếp tục lần lữa, sẽ không biết đến khi nào tôi mới có thể quay lại với SK, mà thời gian thì chẳng chờ đợi ai. Còn vì một lý do cá nhân khác là cuộc hôn nhân của chúng tôi đổ vỡ sau hơn 5 năm chung sống khiến tôi hụt hẫng. Dù vẫn xem nhau như những người bạn nhưng giữa chúng tôi không có sự ràng buộc nào về trách nhiệm. Tôi cũng chẳng còn gì để luyến tiếc nên quyết định sẽ làm những điều ý nghĩa hơn cho mình; trở về với niềm đam mê mà bao nhiêu năm qua vì vướng bận trách nhiệm, tình cảm gia đình mà đành gác lại.

* 10 năm không làm nghề nhưng ở Yêu giờ chót khán giả vẫn thấy ở anh lửa nghề, sự sâu sắc trong diễn xuất và cả sự chỉn chu với nhiều sáng tạo trong dàn dựng. Anh làm sao giữ được tất cả những điều đó?

- Tôi tạm chia tay với nghề, nhưng vẫn giữ ngọn lửa nghề trong tim. Dù làm bất kỳ việc gì, tôi cũng tâm niệm đây là lúc mình tích lũy thêm vốn sống, thêm trải nghiệm để làm nghề tốt hơn. Tôi nuôi đam mê cho mình bằng cách xem rất nhiều vở của SK Broadway. Mỗi lần xem tôi lại thấy nhớ nghề đến thắt ruột nhưng cố tự thuyết phục: “Đây là lúc mình đang học nghề”.

* Anh có thể "bật mí" những kế hoạch tiếp theo sau Yêu giờ chót?

- Yêu giờ chót là vở diễn khởi động của tôi, phục vụ khán giả trong những ngày Tết. Tôi còn vở diễn khác đã chuẩn bị từ khi còn ở Mỹ, dự kiến sẽ thực hiện ngay sau mùa kịch Tết.

* Sẽ hoành tráng theo phong cách của những vở diễn Broadway anh thường được xem khi ở Mỹ?

- Tôi không quan niệm vở diễn hoành tráng là SK phải đẹp lộng lẫy, diễn viên phải 50 - 70 người. Theo tôi, thành công của một tác phẩm SK là khi nó chạm được vào những vấn đề xã hội đang quan tâm; chạm được vào cảm xúc để khán giả nghĩ đây là cuộc đời của họ. Làm SK ở Việt Nam còn phải nghĩ đến nhà đầu tư nên trang trí SK cũng không thể quá phức tạp hoặc tốn kém. Quan trọng là cần phải phân biệt rạch ròi việc trang trí SK đơn giản hoàn toàn khác với sự nghèo nàn. Trang trí không chỉ để minh họa, làm đẹp cho SK mà còn phải như một nhân vật có tiếng nói riêng của mình. Không chỉ phải hòa quyện với ý nghĩa của vở diễn, trang trí SK phải được xử lý và làm điểm tựa cho diễn xuất của diễn viên.

* Cám ơn anh và chúc anh thành công.

 Thảo Vân (thực hiện)

Từ khóa Quốc Thảo
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI