DV Hữu Thạch: Làm gì cũng nghĩ đến mẹ

01/06/2013 - 03:51

PNO - PNCN - Bạn bè gọi Hữu Thạch là Tư Ếch, không chỉ vì đó là vai diễn thành công của anh, mà còn vì cách sống, cách ứng xử của anh rất ư là “lạc hậu” so với thời đại. Ở thành phố nhưng anh vẫn dùng bếp củi. Khách tới nhà, anh...

Mẹ anh là người đàn bà mẫu mực, chịu thương chịu khó điển hình. Bà lấy phải một ông chủ cây xăng giàu có, gia trưởng, thích ăn ngon mặc đẹp ở vùng Vĩnh Thuận, Kiên Giang. Ông “mê vợ bé, bỏ bè con thơ” nhưng bà chưa một lần cắng đắng chồng. Người đàn ông ấy mê chơi tứ sắc đến mức cầm cố đất của ông nội đến ba lần, lần nào mẹ anh cũng chạy tiền để chuộc về mà không một lời thở than, trách cứ. Đến mùa thu hoạch lúa, niềm vui ngắn chẳng tày gang. Ghe người ta tới đong không còn một hạt thóc vì ông chồng có máu đỏ đen đã bán lúa non từ lúc ngồi sòng. Bao nhiêu cơ cực đổ ra từ lúc ngâm giống, gieo mạ, cấy lúa... coi như trôi sông trôi biển. Người đàn bà ấy, hễ bà con lối xóm í ới việc con cháu trong nhà ấm đầu, sổ mũi, dù mưa dầm, đêm khuya, cũng tất bật xách nón chạy đi... Chịu “nghịch cảnh”, nhưng mỗi khi các con lên tiếng, bà chỉ nhẹ nhàng: “Chuyện của má... má chịu”.

DV Huu Thach: Lam gi cung nghi den me

Một tay mẹ Hữu Thạch nuôi “bè con thơ” đến chín đứa mà đứa nào cũng khỏe mạnh, hiền lành, bà cho là phước của mình. Cái phước ấy phải được chia sẻ. Khi con cái lớn, bà lên chùa làm công quả, trồng thuốc Nam, ăn chay trường và lẳng lặng sống cuộc sống bình yên. Mỗi khi Hữu Thạch - thằng con trai út, gọi điện về, bà chỉ hỏi đúng một câu: “Vợ chồng con cũng bình yên hả, vậy là má mừng rồi!”. Chứng kiến sự nhẫn nhịn, chịu đựng, hy sinh của mẹ, Hữu Thạch tự đặt cho mình một lối ứng xử: “Làm gì cũng nghĩ đến mẹ trước tiên. Nhất định không để mẹ buồn”.

Khi bạn bè rần rần nộp đơn thi đại học, anh chỉ mơ ước một lần được ra khỏi làng quê Vĩnh Thuận nghèo khó của mình để cho biết đó biết đây rồi về với mẹ. “Chỗ tôi cách U Minh Thượng tám cây số, cách Rạch Giá gần một trăm cây. Suốt thời phổ thông, tôi như con gà quanh quẩn cối xay”. Được bạn bè tư vấn, anh thi và đậu vào khoa cải lương trường Sân khấu và Điện ảnh TP.HCM. “Ngày thi, tôi mặc cái áo công an, cài kín cổ, kín tay. Hình như thầy cô nhìn mặt, nhìn cách ăn bận của tôi là muốn cho đậu rồi...”, anh cười.

DV Huu Thach: Lam gi cung nghi den me

Cho đến ngày tốt nghiệp (khóa 1992 - 1995), vẫn chưa ai biết tới Hữu Thạch. Người ta chỉ biết có một Tư Ếch giữ xe ở sân khấu Tuổi Đôi Mươi (135 Hai Bà Trưng, Q.1, TP.HCM). Thỉnh thoảng, anh Tư ấy còn đi chụm lửa cho lò bánh mì kiếm tiền nuôi thân. “Ba năm trời đi học, má gửi tiền lên, nhưng với tôi, bà đã quá cực nhọc với bầy con, sao tôi có thể tiếp tục để bà nặng gánh”, Hữu Thạch tâm sự: “Tốt nghiệp năm 1995, nghề nghiệp không mỉm cười, bạn bè không “xài” tôi vì tôi quá... “ếch”. Mãi đến cuối năm 2002, anh Nhật Cường mới nhờ tôi đóng các vai quần chúng có thoại trong các tiểu phẩm hài ngắn ngắn. Rồi anh Mai Dũng cũng nhờ làm cu li... trong những tiểu phẩm hài của anh. “Chức” lớn nhất mà tôi có được là chủ tịch xã, trong vở Thông điệp Xanh. Có thể nói, tôi học cải lương, nhưng bắt đầu con đường nghề nghiệp bằng tấu hài, rồi kiếm cơm qua kịch dài nhưng khán giả lại biết tới Tư Ếch qua điện ảnh, ngộ vậy!”.

Đúng là ngộ. Hữu Thạch chỉ xuất hiện một vài vai ở sân khấu kịch Sài Gòn, như vai thầy pháp trong Quỷ, Tám Dưởng trong Hồn trinh nữ, cho đến đầu năm 2006, anh tình cờ quen đạo diễn Xuân Cường. Anh kể: “Khi hãng phim Lasta quay Gọi giấc mơ về, họ cần một vai đơn giản là người chồng (đóng với Như Phúc) bạc nhược vô trách nhiệm với vợ con. Dù là kẻ thế vai, nhưng tôi đã diễn như thật. Vốn sống của tôi về người chồng thiếu trách nhiệm chính là ba tôi. Thương mẹ bao nhiêu, tôi giận ba bấy nhiêu, bao nhiêu hờn tủi mẹ chịu đựng đã khiến tôi hình dung được rõ ràng sự vô trách nhiệm của ba mình. Sau vai này, bạn bè nói: “Mày có tên rồi nhen, nhưng đừng ngủ quên trên chiến thắng. Sau này, không có vai dài hơi như thế này, mày sẽ quay lại con số không!”. Tôi vừa mừng vừa căng thẳng, vì vai diễn đâu phải luôn sẵn!”. Tuy vậy, vai ông chồng quậy phá, thiếu trách nhiệm ấy đã “gọi giấc mơ về” cho Hữu Thạch khi anh lần lượt là Hai Nhân trong Dòng sông định mệnh, Hai Tán trong Vó ngựa trời Nam, Hai Lít trong Gia đình số đỏ, Ba Phi trong Tiểu thư vào bếp, Ba Phải trong Những bông hoa lưu lạc, Tư Đậu trong Vua sân cỏ, Tư Ếch trong Đồng quê và Tám Tàng trong Về quê cưới vợ... Những cái tên nghe rặt nhà quê, đã đem lại chuỗi ngày hạnh phúc cho Hữu Thạch, nhất là khi anh được Hội Điện ảnh Việt Nam và Hội Điện ảnh TP.HCM trao giải thưởng diễn viên phụ xuất sắc trong phim Về quê cưới vợ năm 2012. Đã có tên trong làng điện ảnh, nhưng khi ấy, thằng út Thạch vẫn chưa muốn về quê thăm mẹ, anh còn muốn “để má tự hào nhiều hơn”.

DV Huu Thach: Lam gi cung nghi den me

Diễn viên Hữu Thạch vai Hai Tán trong phim Vó ngựa trời Nam

Nhưng giấc mơ ấy chưa kịp thành hiện thực thì mẹ anh đã qua đời trong một tai nạn giao thông, khi Hữu Thạch đang tham gia phim Ầu ơ ví dầu tại Vĩnh Long. Đó là điều ray rứt nhất của anh Tư Ếch trong đời...

Nguyễn Thiện

Từ khóa Hữu Thạch
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI