edf40wrjww2tblPage:Content
Những ai biết MPK, và như anh tự nhận, đàn bà quanh anh nhiều; nhưng để gầy cuộc trăm năm chẳng phải điều anh muốn, thêm cuộc hôn nhân chóng vánh từng đổ vỡ trước đây, càng trở thành nỗi sợ. Nguyễn Hồng Thủy Tiên lại khác. Satna ấy, MPK bảo phải đâu là tiếng sét ái tình - thứ cảm giác choáng ngợp, rung cảm trong cái nhìn đầu tiên; mà hoàn toàn lý trí, trong tích tắc chạm mắt.
Trò chuyện dăm câu, anh thấy Tiên rất lạ, kịp hiểu những điều anh định nói, nói điều anh đang nghĩ. Về sống với nhau, tính chất “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” càng hiện rõ. Đó là những lần Tiên bảo muốn ăn món MPK đang… thèm; cảm biết anh sắp làm gì, hỏi điều anh định kể… Còn với chàng lãng tử xứ hoa, không có ý định ràng buộc bởi một mối quan hệ đòi hỏi trách nhiệm, trong satna, bỗng muốn cưới Tiên làm vợ, nhận ra Tiên là cô gái của đời mình, sống lâu dài và sẽ làm mẹ của những đứa con mình; mà lắm lúc, chính anh cũng giật mình bởi cảm giác yêu thương, thuộc về nhau đến vậy.
Tiên là cô gái có cá tính mạnh, trưởng thành từ mất mát. Mẹ mất năm cô tám tuổi, cha bỏ đi để lại cô cùng đứa em thơ dại. Như cây cỏ giữa núi rừng Kon Tum, Tiên ngạo nghễ vươn mình, sống cố gắng đạt điều mong muốn. Cô tốt nghiệp đại học, làm việc cho một tạp chí và chăm lo cho em trai. Tiên lấy những chuyến “vác ba-lô lên và đi” làm nguồn vui trải nghiệm. Để rồi, một ngày lạc chân đến mảnh đất thông reo; ngồi lọt thỏm giữa cà phê Tùng nổi danh; cô được MPK “tìm thấy”.
Ngày thứ ba cô lưu lại thành phố, gã nhiếp ảnh vốn chẳng để ý gì ngoài côn trùng, cỏ cây, bất ngờ hềnh hệch: “Hay… mình về sống với nhau trong nghèo khó đi em!”. Tự nhiên, mộc mạc, giản đơn, trong sáng của lời cầu hôn đánh gục cô gái trẻ. Sau này, Tiên bảo thực ra đã “mê mẩn” MPK từ năm cô 19 tuổi, trong một chuyến về Đà Lạt tham gia trại sáng tác nhưng tuổi trẻ và ngại MPK… vô tâm, chẳng ngó ngàng mình, nên thôi.
Ba ngày gặp cho một lời đề nghị bên nhau. Nhiều người giật mình, bất an thay MPK. Nhưng, “Tiên yêu tôi bằng tình yêu của người đàn bà dành cho người đàn ông; thâm trầm, sâu lắng chứ chẳng phải tình vồn vã của một bé con. Ai nói vội, kệ. Đời tôi già rồi, vội gì nữa” - anh lý giải. Dẫu vậy, với Tiên, còn là sự cản trở quyết liệt từ người thân bởi đó có thể là phút bốc đồng, non dại của cô gái 26 tuổi; trong khi, gã mà cô sẽ đồng hành gần chạm ngõ 60; cách biệt tuổi tác hẳn kéo theo bao bất đồng, đối lập. Nhưng rồi chẳng có rào cản nào ngăn được quyết tâm của hai người…
Sau lời từ chối cho tôi theo về “cái ổ” 16m2 bởi còn ngổn ngang, bừa bộn đang trong quá trình “chia” cho Tiên nửa “giang sơn” để cô viết lách; bỗng MPK rưng rưng: “Tụi này còn nghèo”; rồi lại bất ngờ bật cười theo suy tưởng: “Nghèo lắm. Biết tôi tặng Tiên món quà gì đầu tiên không? Hai cái… răng cấm của tôi bị rụng. Một cái tôi làm khuyên cho mình, cái còn lại làm vòng cổ tặng Tiên. Cô bé vui lắm, cười hoài. Dịp này dịp kia, không có tiền nên tôi cũng tự làm quà tặng vợ”. Gã nói rồi im lặng, quay đi che đôi mắt ngấn nước…
Tôi vô duyên hỏi, cuộc sống “đầu đường xó chợ”, “hoang dại” có thay đổi chi không khi bị níu chân bằng một tổ ấm; bởi ai không biết MPK từng “thoát ly” gia đình để lang bạt, bụi đời cho thỏa chí hạt bụi lăn vào đời sống. Anh bảo không có gì thay đổi, vẫn sống cho đam mê… cà kê và chụp ảnh. Tiên tôn trọng anh; chẳng để tâm hay dò xét anh đi đâu, làm gì; và cô cũng chưa một lần bước qua ranh giới riêng tư của người-chồng-nghệ-sĩ. Tiên làm được điều mà MPK trân trọng: không “phá” chồng những lúc anh ngụp lặn trong nỗi đơn độc tự tạo hay tự do đắm đuối với nghệ thuật.
Đưa vợ đi chơi, “máu nghề nghiệp” nổi lên khi bắt gặp khoảnh khắc giọt cà phê lung linh rơi, anh sẵn sàng quên lập tức người song hành để hì hụi ngả nghiêng chọn một góc ảnh đẹp. Hay mọi sự bề bộn, thậm chí… bê bối của “cái ổ” 16m2 đều là sự “ngăn nắp” riêng tư mà MPK bày biện, sắp đặt; Tiên biết vậy và tuyệt đối tôn trọng. Cô không khó chịu với bức tranh chồng để choán lối đi hay một trận ba ngày liền kéo bạn về hát đàn, rượu thịt.
Gã “khùng” khẳng định, đó thực ra là sự khôn ngoan của người phụ nữ mà Tiên biết “ứng dụng”. “Này nhé, cô ấy yêu tôi như yêu một cánh chim di. Tính sở hữu khiến cô ấy nhốt chim vào lồng để đối đãi theo cách riêng sẽ chẳng đợi tôi chán cô ấy mà chính cô ấy sẽ lập tức chán bỏ tôi; bởi vốn dĩ cô yêu sự phóng khoáng, tự do của tôi cơ mà! Nên hãy cứ là bầu trời của tôi thôi” - MPK triết lý. Lẽ đó, anh thêm quý trọng khi Tiên biết chấp nhận, san sẻ cảnh nghèo nàn của chồng, chẳng lăn tăn rút đồng bạc cuối cùng trong túi cho người bạn.
Khác chăng, MPK thấy… trẻ ra và tiến bộ hơn nhiều. “Cái ổ” không ngập vỏ mì tôm, cơm hộp mà bếp núc, xoong nồi đã thoát cảnh buồn bã, bị “bỏ hoang”. Anh biết lập "kế hoạch kinh doanh" để lo cho vợ con, biết đi chợ dù trên tay là list thức ăn vợ soạn sẵn; biết nấu cơm dù cơm như cháo sống… Và, người đàn ông không còn trẻ nữa lắm khi bật khóc ngon lành trước bữa cơm ngút khói vợ dọn ra.
Vậy mà, những “khác chăng” đó lại khiến vài người bạn… bất mãn. Sự vị kỷ làm họ cho rằng đã đánh mất MPK, kiểu “gã khùng đã mất chất”. Chính bởi thiên hạ xưa nay quen nhìn thấy và “đúc, nặn” MPK thành một hình mẫu nhiếp ảnh gia hoang dại, kẻ rách rưới, lang lang, rong chơi cùng trời cuối đất, không khái niệm thời gian hay địa lý với chiếc máy ảnh lủng lẳng bên người để sẵn sàng thoát ly thực tại. MPK múa tay biện giải: “Chẳng có gì thay đổi và tôi vẫn chỉ là một con người đang mưu cầu hạnh phúc. Còn nói tôi đi chợ, nấu cơm rửa chén cho vợ là… xúc phạm hình ảnh “Phước khùng” ư, mắc gì tôi khiến mọi người hạnh phúc mà không làm cho vợ mình hạnh phúc?”.
TUYẾT DÂN