‘Duy tân thập kiệt’: Mở rộng góc nhìn về phong trào Duy tân Minh Trị

26/12/2018 - 15:38

PNO - Công cuộc duy tân của Nhật, từ lâu đã được các nhà nghiên cứu Đông - Tây tìm hiểu, nhằm lý giải sự thay đổi ngoạn mục trong tư duy điều hành đất nước cũng như rút ra những bài học cần thiết cho quốc gia của họ.

Phần lớn, các nhà nghiên cứu đều thống nhất, Minh Trị Duy tân không chỉ là sự kiện lật đổ chính quyền Mạc phủ, thiết lập chính quyền Minh Trị mà là một chuỗi cải cách kéo dài gần 30 năm, làm biến đổi sâu sắc chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa Nhật Bản, đưa Nhật trở thành quốc gia “phú quốc cường binh”, một kỳ tích so với các quốc gia quân chủ tại châu Á. Góp phần không nhỏ vào công cuộc duy tân đó có rất nhiều cá nhân kiệt xuất từ nhiều mặt, chính trị, quân sự, các nhà tư tưởng và doanh nghiệp.

‘Duy tan thap kiet’: Mo rong goc nhin ve phong trao Duy tan Minh Tri
Bìa cuốn sách Duy tân thập kiệt

Duy tân thập kiệt là cuốn sách cuối cùng trong chuỗi sách kỷ niệm 150 năm Minh Trị Duy tân (1868-2018) và 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Nhật (1973-2018), gồm: Khái lược Văn minh luận, Nhật Bản duy tân 30 nămPhúc ông tự truyện.

P.GS, T.S Nguyễn Tiến Lực - người từng gắn bó với nước Nhật vào những năm 90 và hiện đang là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản tại trường ĐH KH-XH & NV TP.HCM - cho biết, chính những cuốn sách về các tác giả quá cố như Phan Bội Châu, Đào Trinh Nhất hay GS Vĩnh Sính đã truyền cho ông cảm hứng và động lực để thực hiện cuốn sách này.

‘Duy tan thap kiet’: Mo rong goc nhin ve phong trao Duy tan Minh Tri
Tác giả Nguyễn Tiến Lực  (trái) trong buổi trò chuyện cùng độc giả tại đường sách.

Sau quá trình khảo sát các nhân vật lịch sử, tham khảo nhiều tư liệu, cách phân chia, đánh giá của tác giả người Nhật, các học giả phương Tây, TS Nguyễn Tiến Lực chọn ra 10 nhân vật tiêu biểu để đưa vào cuốn sách này. Điểm đáng khen là ông không đi theo lối học thuật nặng nề mà viết gọn gàng, đơn giản, dễ hiểu, đồng thời vẫn bảo lưu được cái nhìn khách quan.

Trong 10 nhân vật tiêu biểu được TS Nguyễn Tiến Lực chọn sau khi nghiên cứu và khảo sát, Yoshida Shoin, Sakamoto Ryoma là hai nhân vật có tầm nhìn trước thời đại, đặt nền móng “đảo Mạc” và giúp liên kết các "Han" tạo lực lượng chủ lực cho công cuộc lật đổ Mạc phủ Tokugawa thành công.

Nhóm “Duy tân tam kiệt” gồm Saigo Takamori, Okubo Toshimichi, Kido Takayoshi - có công lớn nhất cho giai đoạn “Tôn Hoàng đảo Mạc” (lật đổ Mạc Phủ, lấy lại quyền lực về tay Thiên hoàng) và đầu thời kỳ Minh Trị Duy tân.

‘Duy tan thap kiet’: Mo rong goc nhin ve phong trao Duy tan Minh Tri
Kido Takayoshi - người có công xây dựng Nhật Bản hiện đại, không chỉ thoát khỏi những "cái vòi khổng lồ" của chủ nghĩa tư bản phương Tây mà còn trở thành quốc gia tiên tiến duy nhất ngoài Âu-Mỹ vào đầu TK XX.

Nhóm “Duy tân ngũ kiệt mới” gồm Iwakura Tomomi, Ito Hirobumi, Okuma Shigenobu, Fukuzawa Yukichi và Shibusawa Eiichi - 5 nhân vật đặt nền móng xây dựng một nước Nhật hiện đại ở các lĩnh vực nội chính, ngoại giao, kinh tế, tài chính-tiền tệ, giáo dục…

Theo TS Nguyễn Tiến Lực, bài học từ công cuộc Duy tân Minh Trị cho đến nay vẫn rất giá trị và là tấm gương cho nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Ông khẳng định, chính nhờ Duy tân Minh Trị, cả thế giới, đặc biệt là phương Tây mới biết đến Nhật Bản, dành sự chú ý cho đất nước này, rồi bắt đầu tò mò, tìm hiểu về lịch sử hào quang, văn hóa, nghệ thuật của nước Nhật thay vì trước đây mặc định… Nhật Bản tương tự Trung Quốc.

Lê Phan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI