Duy Khiêm Ngố : 10 năm sau "giấc ngủ đông"

18/06/2023 - 07:36

PNO - "Khi bạn thả lý trí mình ra khỏi những ràng buộc của toan tính mục đích, điều bạn làm được sẽ rất tinh khôi, có khi vượt ra khỏi sự tưởng tượng của mọi người".

Duy Khiêm Ngố là cái tên đang nóng trên các mạng xã hội. Tối 21/5, Duy Khiêm Ngố (đội Thanh Duy) đã giành ngôi vị cao nhất tại chung kết game show Trời sinh một cặp. Anh cũng là chủ nhân của hàng loạt video chế từ những bộ phim nổi tiếng được khán giả yêu thích (Cung tâm chế, Bao Công xử án Tôn Ngộ Không…). Đặc biệt, trong game show Trời sinh một cặp năm nay, Duy Khiêm Ngố là thí sinh được khán giả chờ đón nhất.

Sau những giây phút khiến sân khấu “bùng nổ”, sau những phần thể hiện hài hước là một Duy Khiêm luôn gửi gắm những giá trị nhân sinh; một Duy Khiêm có trách nhiệm với các làn điệu, văn hóa dân gian; một Duy Khiêm biết ơn và tự hào về những phụ nữ Việt Nam trong lịch sử cũng như những phụ nữ bình dị đang gồng mình lèo lái con thuyền cơm áo mưu sinh…

Duy Khiêm Ngố trong vai trò ca sĩ
Duy Khiêm Ngố trong vai trò ca sĩ

Tham vọng "nấu" trầu cau thành trà sữa 

Phóng viên: Ấn tượng đầu tiên của tôi với Duy Khiêm khi vô tình xem một tiết mục của anh trong Trời sinh một cặp là: “Anh ấy đã thành công trong việc đưa điệu cải lương Hồ Quảng đến gần với khán giả trẻ”. Cũng trong game show này, anh nói “muốn bằng một cách nào đó để người trẻ biết đến các làn điệu hò, lý… nhiều hơn bởi bây giờ rất nhiều người đâu biết lý là điệu gì”. Hẳn là anh đã có nhiều gắn bó với những điệu hát đậm chất phương Nam này?

Duy Khiêm Ngố: Tôi là người gốc miền Tây Nam Bộ. Từ nhỏ, tôi đã sống với bà nội và các cô. Hồi đó, tôi thường nghe cải lương qua băng video. Có lẽ vì vậy mà tôi được “tưới tắm” mỗi ngày bằng những làn điệu đó. Tôi không hát được cải lương vọng cổ do đặc trưng chất giọng hơi khàn nhưng với các điệu lý hay Hồ Quảng, tôi lại rất thích và hát khá ổn. Có lẽ do các điệu này gần gũi với tân nhạc hơn.

* Từ năm 2007 anh đã có giải bình chọn của giải Tiếng ca học đường. Năm 2009, anh cũng có những dấu ấn nhất định tại một số game show âm nhạc. Song, vì sao gần đây Duy Khiêm mới xuất hiện trở lại trong vai trò ca sĩ?

- Sau giải Tiếng ca học đường năm đó, tôi thi đấu ở các chương trình âm nhạc tầm cỡ nhất và hầu như đều “kéo vali ra về” vì toàn ở top gần cuối. Có một giai đoạn sau thất bại ở The Voice mùa đầu tiên, tôi rơi vào khủng hoảng. Tôi thấy mình vô dụng, bất tài, hát không hay như mình nghĩ nên mới rớt nhiều lần đến vậy. Sau đó, tôi rút lui, về mở quán cà phê nhạc và chơi acoustic hằng đêm. Đó vừa là một dạng khởi nghiệp vừa là nơi để tôi nuôi tình yêu âm nhạc. 

Duy Khiêm Ngố vốn được biết đến với hàng loạt video chế từ những bộ phim nổi tiếng
Duy Khiêm Ngố vốn được biết đến với hàng loạt video chế từ những bộ phim nổi tiếng

Đây là giai đoạn tôi hạnh phúc nhất, tuy cực và có khi rất… nghèo nhưng vui. Mỗi ngày, tôi chỉ hát và hát. Khách đến quán ngày một đông, trừ mùa mưa. Dần dần, tôi hiểu ra: mỗi cuộc thi đều có một tiêu chí riêng, cũng như mỗi chúng ta đều chỉ phù hợp với một hoặc một vài sân khấu riêng. Mình thất bại ở sân chơi này không có nghĩa mình không có năng lực. Đúng hồ, cá sẽ bơi; đúng đất, hạt mầm sẽ nảy nở. Cũng giai đoạn này, có lần tôi đi hát ở quán cà phê và MC Thanh Bạch ghé chơi. Anh dạy tôi 1 điều: “Nếu chỉ còn 1 khán giả muốn nghe tôi hát, tôi vẫn sẽ hát”. Cảm ơn câu nói đã trở thành cái neo giữ lại tình yêu âm nhạc trong lòng tôi đến sau này. 

* Không khó để nhận thấy một Duy Khiêm “tấu hài” khi thể hiện những làn điệu dân gian. Xin được hỏi trong sự “tấu hài” đó, bao nhiêu % đến từ tính cách và bao nhiêu % đến từ sự lựa chọn - như một phương tiện để các bạn trẻ biết đến những điệu hát dân gian nhiều hơn?

-Nếu hỏi về % thì tôi xin tự nhận đó hoàn toàn là 100% tính cách. 

Thật ra, giai đoạn tôi không thành công với âm nhạc lại là giai đoạn nhiều người ấn tượng với Duy Khiêm vì tôi làm tấu hài tốt hơn. Thời gian đầu, tôi như mang 2 thân phận: Khi hát, là “Duy Khiêm” rất nghiêm túc với vest, giày tây. Khi làm hài, là “Duy Khiêm Ngố”, quần áo kiểu màu mè dễ thương. Vậy nhưng cả hai phiên bản này đều không thực sự là tôi. 

Cho đến khi tôi mở quán cà phê và nhận ra thứ hợp với mình và làm cho mình có giá trị chính là “tạo ra tiếng cười”. Vậy tại sao không thử kết hợp để “âm nhạc mang lại tiếng cười”. Nghe nhạc - thấy hay chưa đủ, còn phải thấy vui. Nếu có thể cài cắm được những thông điệp vào đó thì càng tốt. Không chỉ dừng ở điệu lý, điệu hò mà nặng hơn có khi là ca trù, chầu văn hay các thể loại truyền thống khác. Nếu được làm và/hoặc pha trộn bởi cách thức đương đại đúng cách, giới trẻ sẽ tiếp nhận dễ dàng hơn. Nói nôm na như trầu cau (truyền thống) mà được nấu thành trà sữa (xu hướng hiện tại của giới trẻ), chắc thế hệ Z (sinh từ năm 1997 đến năm 2012) cũng sẽ muốn uống thử xem sao. Nếu món đó ngon nữa thì giới trẻ ít nhiều qua đó biết được vị trầu vị cau thế nào.

Duy Khiêm (trái) và nghệ sĩ Thanh Duy (phải)
Duy Khiêm (trái) và nghệ sĩ Thanh Duy (phải)

* Anh có dự tính gì trong việc hiện thực hóa mong muốn “các bạn trẻ biết đến hò, lý nhiều hơn”?

- Với tôi, không có món ăn nào là dở hay ngon, chỉ có hợp khẩu vị hay không. Mà muốn hợp khẩu vị thì phải biết cách chế biến, nêm nếm, bài trí sao cho hấp dẫn và phù hợp thực khách. Âm nhạc cũng không nằm ngoài quy tắc này. Thực ra, từ trước khi trở thành thí sinh của Trời sinh một cặp, tôi đã ấp ủ kế hoạch sáng tác một hoặc vài bài hát trên nền âm nhạc điện tử, có sử dụng giai điệu, âm hưởng các điệu lý nhưng đến giờ vẫn chưa bắt đầu được.

Thuần khiết với đam mê 

* Nếu không có Trời sinh một cặp, hẳn nhiều người không biết Duy Khiêm là ai dù anh nổi tiếng trên các mạng xã hội từ những clip hài chế với giọng thể hiện rất linh hoạt. Anh cũng chia sẻ những làn điệu, bài hát anh thích nhưng lại không có cơ hội thể hiện trên sân khấu các quán cà phê vì nơi đó không ai muốn nghe. Vậy Trời sinh một cặp và nghệ sĩ Thanh Duy có phải là điểm chạm, là chất xúc tác khiến tài năng của Duy Khiêm ở góc bền bỉ, âm thầm, có phần lẩn khuất này được bùng cháy?

- Chị nói đúng. Sự thật là cái tên “Duy Khiêm Ngố” nghe rất quen mà không biết Duy Khiêm Ngố là ai. Bởi lẽ, một giai đoạn khá dài (10 năm), tôi lui về hát nhạc underground (gồm các thể loại âm nhạc không chính thống, thường có những khác biệt với các thể loại âm nhạc đại chúng, khá mới lạ với đại đa số khán, thính giả) và làm công việc lồng tiếng/sáng tạo nội dung nên thường chỉ “xuất hiện” tiếng nói chứ không có hình ảnh Duy Khiêm Ngố. Không ai biết tôi nhưng tôi không buồn vì điều này bởi đây là điều tất yếu khi tôi chọn lui về hát ở quán cà phê và lồng tiếng.

Đến khi tham gia Trời sinh một cặp, anh Thanh Duy và tôi rất “ăn khớp” với nhau. Anh Thanh Duy hiểu tôi. 2 anh em hay nói đùa là “chỉ cần một đứa xúi, đứa kia sẽ dám làm”. May mắn cho tôi là anh Thanh Duy rất giỏi. Với cải lương, hò, lý, anh ấy làm được hết. Tôi thì có chút sáng tạo và óc khôi hài. Vậy là 2 anh em ráp vào nhau với mục tiêu tiết mục luôn phải hay, vui, ý nghĩa. Cứ vậy, qua từng vòng thi, anh Thanh Duy kéo tôi sâu hơn vào âm nhạc. Tôi như được sống lại lần nữa trong không gian âm nhạc chính thống, như vừa tỉnh giấc sau 10 năm “ngủ đông”. 

Duy Khiêm (phải) và nghệ sĩ Thanh Duy (trái) thể hiện Nữ tướng Việt Nam trên sân khấu Trời sinh một cặp
Duy Khiêm (phải) và nghệ sĩ Thanh Duy (trái) thể hiện Nữ tướng Việt Nam trên sân khấu Trời sinh một cặp

* Tôi nhận thấy ở Duy Khiêm Ngố điều mà không phải ca sĩ nào cũng có được hoặc giữ được sau nhiều năm gắn bó với nghề: sự vô tư, hồn nhiên với âm nhạc. Dù anh rất thông minh và dày công nghiên cứu chọn bài, sắp xếp, liên kết các bài hát; sự vô tư, hồn nhiên ấy vẫn rất rõ. Liệu sự không toan tính trong âm nhạc của Duy Khiêm có phải là một điểm cộng để sự sáng tạo của anh luôn khiến khán giả đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác?

- Ví như con nít tắm mưa nghịch bùn đều cảm thấy vui còn người lớn gặp mưa, gặp bùn là né. Đó là vì người lớn va chạm nhiều, lường tính quá nhiều rủi ro nên họ không thấy mưa là thú vị nữa. Tuy nhiên, với con nít, mưa là niềm vui hồn nhiên, đam mê thuần khiết.

Thực ra tôi cũng muốn mình có chút “toan tính” nhưng làm không được. Nếu tôi chịu “tính thêm xíu” thì có lẽ hiện tại đã là một Duy Khiêm khác rất nhiều. Nhưng từ nhỏ, tôi đã rất bướng và có tự ái cao. Tôi luôn nhận mình “đam mê âm nhạc” thì tôi sẽ sống đúng với 2 chữ “đam mê” sao cho thuần khiết nhất. 

Khi bạn thả lý trí mình ra khỏi những ràng buộc của toan tính mục đích, điều bạn làm được sẽ rất tinh khôi, có khi vượt ra khỏi sự tưởng tượng của mọi người. Nói có vẻ sách vở nhưng đây là yếu tố cốt lõi của sáng tạo nghệ thuật. Mà tôi nghĩ âm nhạc cũng không nằm ngoài yếu tố cốt lõi này.

Dạo này tôi còn đi đóng kịch thiếu nhi cho HTV nữa. Vui lắm!

* Duy Khiêm và Thanh Duy làm mới Vợ người ta, Em của ngày hôm qua trên nền điệu Hồ Quảng theo cách rất giải trí. Khán giả khó tính cảm thấy khó chấp nhận phiên bản này. Dù vậy, ngay với phiên bản đó, Duy Khiêm vẫn thể hiện rất rõ những giá trị gửi gắm khác, chứ không chỉ là giá trị giải trí đơn thuần. Cụ thể: chỉ vì 1 chữ tình mà bỏ bê con đường học hành, phấn đấu là có tội với non sông. Anh cũng chia sẻ rằng anh đã nhờ nhà thiết kế để trang phục 100% thuần Việt. Chỉ 1 chi tiết nhỏ nhưng cho thấy anh không chỉ có trách nhiệm với từng sản phẩm âm nhạc mà còn nỗ lực quảng bá, giữ gìn văn hóa, tôn trọng tuyệt đối nhân vật văn hóa dân gian…

- Có lẽ điều này đến từ hành trình đi làm, với vai trò sáng tạo nội dung cho các công ty truyền thông lớn. Quá trình đó giúp tôi hình thành được cách nhìn nhận và phân tích nội dung trước khi thực hiện một cách bài bản. Với nội dung giải trí đơn thuần thì chỉ cần làm để vui nhưng khi chọn một nội dung mang tính văn hóa truyền thống, phải làm thật trách nhiệm. Thời chưa có mạng internet, làm sai thì làm lại nhưng bây giờ làm sai là tiết mục đó lưu… ngàn đời trên “cõi mạng”. Cho nên khi chọn làm nội dung mang yếu tố văn hóa, lịch sử; tôi quyết tâm làm cho đàng hoàng, tử tế nhất có thể để sau này con cháu xem sẽ tự hào.

Bên cạnh đó, tôi luôn tâm niệm người làm nghệ thuật chưa chắc đã là nghệ sĩ nhưng để là nghệ sĩ thì phải làm nghệ thuật chân chính. Tôi nghĩ mình vẫn chưa thực sự giỏi trong vai trò này, chỉ là tôi đang chọn sống có trách nhiệm với những gì mình làm sau nhiều năm không xuất hiện. Trước đây, tôi hát xàm xàm vui vui, không nghĩ nhiều tới việc sau đó người ta nghĩ gì. Bây giờ, tôi “già” hơn rồi nên làm gì cũng phải coi được thì mới xứng với “tuổi già” này.

Là "đầu bếp' của chính mình

 

* Sáng tạo vốn là đặc trưng của nghệ thuật. Sáng tạo cũng là yếu tố then chốt đối với những người làm nội dung số, sống từ nền tảng số. Sáng tạo để thu hút người xem mà không “phá” tác phẩm, lại gửi gắm những giá trị ngoài giải trí là điều không đơn giản, như luôn đi trên dây. Anh có nghĩ mình đang đi trên con đường quá khó? 

-Tôi không nghĩ mình đi trên dây mà là đang bước trên con đường rộng thênh thang, ít người lựa chọn. Tôi thích điều này. Tôi biết mình hát không quá xuất sắc nhưng mình có thể sáng tạo, có thể hài. Nguyên liệu mình có sẵn hết rồi, sao mình không là “đầu bếp” của chính mình? Thế là tôi chọn cách làm một ca sĩ vừa có trách nhiệm, vừa hài nhưng lại sáng tạo. Nói hoa mỹ thì tôi “khôn” vì chọn lối đi riêng. Nhưng ở một góc khác, có “nguyên liệu” gì tôi xài đó nên nó hình thành một bức chân dung rất riêng về tôi là vậy.

* Mặt trái của sáng tạo nội dung số là luôn trong tình thế “sóng sau đè sóng trước”. Có những người sáng tạo nội dung số dù hay, chất lượng, nổi như cồn nhưng rồi cũng nhanh chóng bị lãng quên. Duy Khiêm đã khi nào nghĩ đến, tính đến cái thực tế khá phũ phàng này chưa? 

- Tôi gặp rồi, nhiều là khác. Nhận ra trào lưu xem clip hài chế lồng tiếng không còn mạnh mẽ nữa, tôi đã tạm dừng chế clip khoảng 2 năm nay. Mười mấy năm làm công việc sáng tạo nội dung số, tôi hay “dừng ngang” như vậy. Điều này đến từ 2 yếu tố: khán giả ngán rồi và người sáng tạo cũng không đủ ý tưởng để làm mới nữa. Lúc này, người sáng tạo nên tạm dừng, dành thời gian để nghiên cứu, chiêm nghiệm, phân tích những điều đã làm và lên kế hoạch cho những điều sẽ làm. Thú thật, tôi đang trong giai đoạn đó. Trời sinh một cặp là bước đầu tiên trong giai đoạn mới của tôi: quay trở lại với sân khấu ca nhạc chính thống một cách nghiêm túc, trách nhiệm và máu lửa hơn. Chỉ có như thế mới sống bền bỉ được với nghề.

* Duy Khiêm Ngố đang là sinh viên năm nhất Ngô Duy Khiêm, Trường cao đẳng Việt Mỹ (TPHCM). Anh sinh năm 1988, học cùng các “cháu” sinh năm 2004. Phía sau câu chuyện trở thành sinh viên sau khi tốt nghiệp phổ thông 16-17 năm của anh là gì?

- Nó như cái nhọt nhức nhối trong lòng từ khi tôi 19 tuổi. Thấy nhiều người được đi học đại học, tôi rất thích. Năm đó, tôi đến phòng giáo dục và đào tạo nộp 3 bộ hồ sơ vào 3 trường: Đại học Kiến trúc, Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM). Về nhà, tôi khoe với mọi người: “Con nộp 3 bộ hồ sơ rồi”. Người nhà nói: “Nhà mình đâu có tiền cho mày đi học”. Hôm sau, tôi đến phòng giáo dục và đào tạo nói với người nhận hồ sơ: “Cô ơi, nhà con không có tiền cho con đi học. Cô cho con xin lại 3 bộ hồ sơ”. Mỗi lúc nhớ lại giây phút đó, tôi vẫn thấy nhoi nhói…

Gần đây, tôi đi du lịch Thái Lan, khi vào một quán ăn, tôi loay hoay kiếm ghế ngồi thì có ông già tóc bạc trắng nói với tôi (bằng tiếng Anh): “Này, lại đây ngồi với chú”. Tôi lại, thấy xung quanh ông có rất nhiều sách vở, bút. Tôi hỏi: “Chú đang đọc sách?”. Ông trả lời: “Không, chú đang học”. Tôi ngạc nhiên: “Sao tuổi này mà chú còn học? Hay chú đang học thạc sĩ, tiến sĩ?”. Ông trả lời: “Không. Hồi trẻ chú không có điều kiện học vì phải lo cho con, cháu của chú. Đến giờ, kinh tế của con chú đã ổn định, chú thoải mái hơn nên quay trở lại học đại học”.

Câu chuyện đó đã gieo 1 hạt mầm vào lòng tôi. Tôi nghĩ mình sẽ thực hiện điều mình còn thiếu, cũng là điều mình canh cánh suốt những năm qua: đi học. Tôi vừa kết thúc 2 học kỳ ngành thiết kế nội thất. Nhưng từ học kỳ III, tôi xin chuyển ngành học qua thiết kế thời trang. Đợt trước đi thi game show, tôi liên hệ stylist để mượn đồ nhưng họ không đồng ý nên tôi muốn học để tự may trang phục cho mình. Tôi mới học xong môn thiết kế thời trang trẻ em, rất hay và vui.

Tôi hy vọng câu chuyện của mình sẽ ít nhiều tác động đến các bạn trẻ. Nếu có điều kiện học, các bạn hãy tận hưởng. Đó không chỉ là chuyện học mà còn là quãng thời gian rất đẹp - được học, sống cùng bạn bè; không phải lo lắng nhiều… Chỉ khi bước vào đời bươn chải, ta mới thực sự cảm thấy thời gian được đi học quý giá vô cùng.

* Cảm ơn anh đã chia sẻ. 

Uông Ngọc (thực hiện) - Ảnh: Nhân vật cung cấp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI