Tối 15/12, trận chung kết lượt về AFF cup giữa đội tuyển bóng đá Việt Nam và Malaysia sẽ diễn ra trên sân vận động Mỹ Đình. Hàng triệu con tim Việt Nam đang khát khao một chiến thắng của những chàng trai vàng nước Việt. Nhưng lẫn trong niềm vui và chờ đợi đó là những nỗi buồn không thể chối cãi cho văn hóa ứng xử của các “cổ động viên”.
Những ngày qua, đoạn video ghi lại cảnh các cổ động viên Việt Nam nán lại nhặt rác trên khán đài sân Bukit Jalil của nước bạn vẫn nhận về vô số ý kiến trái chiều. Người ta bảo các cổ động viên “làm màu” - xả rác rồi nhặt rác, để được chú ý. “Cơ sở lý luận” của những người chỉ trích là hình ảnh sân Mỹ Đình ngập rác sau các trận đấu mà chẳng ai buồn dọn.
|
CĐV Việt Nam nhặt rác trên sân vận động Bukit Jalil, Malaysia |
Họ đặt câu hỏi, phải chăng chỉ khi ra nước ngoài chúng ta mới tập được lối sống văn minh? Chưa kể, trước đó, thông tin 6.000 chiếc túi ni-lông được đặt trong sân Mỹ Đình để tạo hình quốc kỳ ở trận bán kết lượt về giữa Việt Nam và Philippines cũng khiến những ai quan tâm đến môi trường phẫn nộ với cách thể hiện tình yêu, lòng tự hào kém văn minh. Dù sao, dọn rác của chính mình cũng là việc tốt và nên được khuyến khích, dù diễn ra trên sân Bukit Jalil hay bất kỳ nơi nào chúng ta đi qua.
Nhưng điều này thì quả thực khó có thể chấp nhận: cho rằng các vận động viên và cổ động viên Malaysia hành xử không đẹp, chơi xấu, tấn công cầu thủ và cổ động viên Việt Nam, đã có hàng loạt lời kêu gọi trả đũa được đưa ra, khi đội tuyển và cổ động viên nước bạn sang ta trong cuộc đấu cuối cùng tối 15/12. Từ bao giờ mà tinh thần hooligan vốn bị thế giới văn minh tìm cách triệt tiêu lại được chúng ta khuyến khích công khai như thế?
Những màn đốt pháo hoa, đốt lửa, ném đá, ẩu đả… trên khán đài đã “tôn vinh” các cổ động viên Hải Phòng, Nghệ An đến mức họ được đề nghị dạy cho nước bạn một bài học ở Mỹ Đình. Đáp trả bạo lực (nếu có) bằng bạo lực chắc chắn không phải là tư duy, hành xử của người đàng hoàng, và nếu ta có ghi được một hình ảnh đẹp trong mắt thế giới nhờ màn dọn rác trên sân vận động thì hình ảnh ấy cũng sẽ nhòe nhoẹt qua lối tư duy côn đồ của một số người.
|
Khoảnh khắc hạnh phúc của nhà Messi đã bị các “cổ động viên” Việt Nam phá nát |
Nhân danh tình yêu bóng đá, nhân danh niềm vui chiến thắng, những cơn “bão” mang tên Việt Nam đã quét qua khắp các đô thị, trở thành nỗi hãi hùng của những người dân lương thiện. Những chiếc kèn nhựa sản xuất tại Trung Quốc, nhái vuvuzela vẫn dội những tiếng kêu điếng hồn vào tai người dân đang cần nghỉ ngơi sau một ngày làm việc, đến tận 1, 2 giờ sáng. Những đoàn xe nối đuôi nhau gầm rú, những cái miệng ngoác ra hò hét bất chấp luật lệ không thể nào là hình ảnh đẹp của một thành phố văn minh, hiện đại. Bóng đá chỉ là cái cớ để những tâm hồn hoang dã trút xả sự bức bí, bộc lộ bản chất mông muội của mình.
Xin tạm không nhắc đến những hình ảnh phản cảm của các “cổ động viên” đồng tính lột đồ khoe thân trên phố. Điều sau đây mới là đỉnh cao vô sỉ của những người mang danh cổ động viên và cũng nhân danh tình yêu bóng đá. Ngày 11/12, trên fanpage của danh thủ Argentina Leo Messi đăng hình ảnh Messi tay bắt mặt mừng với Andrés Iniesta - cầu thủ Tây Ban Nha, hiện đang cùng Messi thi đấu trong đội hình câu lạc bộ Barcelona.
Ngay dưới hình ảnh ấy là hàng loạt comment của các cổ động viên Việt Nam, hỏi Messi có biết… Quang Hải, Hà Đức Chinh không; đề nghị Messi mở kênh VTV6 để xem đội Việt Nam đá bóng; hô vang “Việt Nam vô địch” kèm hàng loạt tiếng chửi thề dành cho Malaysia. Trước đó, ngày 7/12, Messi đăng ảnh đang nằm, ôm hai con trai, vẻ mặt rạng ngời hạnh phúc, chúng ta cũng xông vào comment “Việt Nam vô địch”.
|
Yêu đội tuyển cũng cần có văn hóa thể hiện |
Không dừng ở fanpage của Messi, “những con tim yêu bóng đá Việt Nam” xông vào trang của danh thủ Cristiano Ronaldo và comment “Việt Nam vô địch” ngay bên dưới hình ảnh anh đăng để chúc mừng sinh nhật con trai Cristianinho, bảo Ronaldo bật ti vi xem Công Phượng đá bóng, thách thức Ronaldo sang Việt Nam đấu với các tuyển thủ Việt Nam. Có lẽ vì sợ Ronaldo không đọc được tiếng Việt, một số comment được viết bằng tiếng Bồ Đào Nha, tuyên bố Việt Nam là số 1.
Chưa dừng lại ở đó, các comment còn kêu gọi nhau “bão like” để đẩy comment “Việt Nam vô địch” lên hàng top trong danh sách bình luận hình ảnh Cristianinho. Kết quả, trong hơn 11.000 bình luận ảnh Ronaldo mừng sinh nhật con trai, thế giới chỉ nhìn thấy một loạt bình luận “Việt Nam vô địch” đầy kệch cỡm.
Bóng đá hiện đại đòi hỏi cái đẹp cả trong lẫn ngoài sân cỏ. Thế giới văn minh yêu cầu chủng người Homo sapiens có hành vi chuẩn mực và văn hóa trong mọi tình huống, chú trọng cách cư xử của mỗi cá nhân. Đẹp không chỉ là những đường bóng lăn, những cú sút tung lưới mà còn ở những chuyện bên lề. Những chuyện bên lề sân cỏ như trên dứt khoát là không đẹp.
Phạm Thành Nhân