Đứt kết nối với con gái tuổi teen

14/01/2025 - 08:00

PNO - Học để trở thành cha mẹ không bao giờ là chuyện dễ dàng nên đừng mất bình tĩnh, hoảng sợ.

Chị Hạnh Dung kính mến,

Em ly hôn cách đây 2 năm. Hiện giờ, 2 con đang sống với em. Cháu thứ hai là con trai, mới 6 tuổi nên chưa có vấn đề gì lớn ngoài chuyện ăn uống, chơi, ngủ nhưng với con gái tuổi 13 thì em vô cùng vất vả. Có lẽ do đang tuổi lớn, lại vấp phải chuyện cha mẹ ly hôn nên con hết sức ương bướng dù em đã cố gắng chiều chuộng, yêu thương, bù đắp cho con hết sức mình.

Con buồn vui rất thất thường. Có lúc con ngọt ngào, ngoan ngoãn, dịu dàng với mẹ. Thỉnh thoảng, con còn làm em bất ngờ vì học bạn bè làm những món ăn mới cho mẹ và em trai. Nhưng có lúc con đột nhiên buồn bã, xa lánh. Em dò hỏi xem con có chuyện gì với bạn bè hoặc với em hay với ba... thì con cứ bảo là không có gì.

Hôm qua, khi em không đồng ý cho con mặc một chiếc áo mỏng và ôm sát để đi chơi với bạn, con đã nổi giận, la hét ầm ĩ, ném chiếc áo ấy vào người em, trách rằng em làm cho cuộc sống của con mệt mỏi.

Sau đó, con gọi điện gọi ba tới đón, nói không muốn ở với mẹ nữa vì mẹ luôn kiểm soát, can thiệp vào cuộc sống của con; rằng em làm con ngán ngẩm và mệt mỏi vì thường xuyên than vãn, cáu kỉnh, đau khổ rồi lại than thân trách phận...

Những lời con nói như cứa vào tim em. Em biết các con thiệt thòi nên cố gắng hết sức để con mình được sống tốt hơn. Em cũng gần gũi, tâm sự với con để được con coi là bạn. Bây giờ con nói như vậy, em không biết mình sai ở đâu.

Hà My

Làm bạn với con là một quá trình rất dài chứ không phải chờ con đến tuổi teen mới vội tìm hiểu, áp dụng.Ảnh minh họa: Internet
Làm bạn với con là một quá trình rất dài chứ không phải chờ con đến tuổi teen mới vội tìm hiểu, áp dụng - Ảnh minh họa: Internet

Em Hà My thân mến,

Chắc là em từng nghe nói về những ương bướng, khó chịu của lứa tuổi dậy thì, tuổi teen. Vậy thì, đầu tiên, em nên hết sức bình tĩnh với mọi trạng thái tình cảm, mọi phản ứng thái quá và hành động khó hiểu của con. Hãy tiếp nhận chúng như những biểu hiện của lức tuổi "khó ở" mà thôi!

Khi đã bình tĩnh và tiếp nhận chúng như một "hiện tượng" tự nhiên, em sẽ thấy mọi việc đơn giản và dễ dàng hơn, suy nghĩ mạch lạc hơn, nhất là em tìm được cách tiếp cận con dễ dàng hơn.

Có một tâm lý chung ở những người mẹ đơn thân là cảm giác có lỗi, muốn bù đắp cho con nên chiều chuộng và nương nhẹ với con hơn. Cách suy nghĩ và hành động này thường mang đến kết quả không hay bởi trẻ em nhạy cảm, tinh ý có thể từ đó biết được điểm yếu của cha mẹ để "làm nư" khi cần thiết.

Có những trường hợp cha mẹ khiến con trẻ nghĩ rằng chúng là nguyên nhân sự tan vỡ của cha mẹ. Điều đó thật tệ hại. Nhưng cũng có những trường hợp con trẻ nhận thấy cha mẹ coi mình là "nạn nhân" mối quan hệ rạn nứt của họ. Khi đó, trẻ sẽ dần học được cách "thao túng" tâm lý cha mẹ.

Vậy nên, nếu muốn con cái được bình an, cha mẹ đừng quá chiều chuộng hay than vãn với con chuyện riêng của mình. Hãy để con hiểu rằng việc cha mẹ tách ra sống riêng không ảnh hưởng gì đến cuộc sống, tình cảm của các con.

Làm bạn với con là một quá trình rất dài chứ không phải chờ con đến tuổi teen mới vội tìm hiểu, áp dụng. Em cũng có thể bắt đầu từ bây giờ bởi không bao giờ là muộn.

Các nguyên tắc thì nhiều và rõ ràng, cái khó là thực hiện chúng chứ không phải chỉ tìm hiểu rồi... để đó. Cũng là những điều cơ bản, như thường xuyên trò chuyện, tâm sự với con, tìm hiểu những điều lứa tuổi này đang quan tâm, khích lệ những điều tích cực và đặt ra ranh giới rõ ràng cho những hành vi tiêu cực, giải thích rành mạch những điều được làm và không được làm cùng với những hình thức kỷ luật, cho con có quyền quyết định trong những phạm vi nào đó...

Em và chồng cũ cần bàn bạc, thỏa thuận rõ ràng để dù không còn là vợ chồng, cả hai vẫn phải là cha mẹ tốt, thống nhất được những nguyên tắc giáo dục, không cho trẻ lợi dụng hoàn cảnh để có được những tự do nguy hiểm hay thiếu tôn trọng với cả cha mẹ.

Chỉ cần nêu vài điểm cơ bản, em đã có thể thấy rằng học để trở thành cha mẹ, dù với trẻ ở bất kỳ độ tuổi nào, luôn là điều không hề dễ dàng. Cho nên, đừng mất bình tĩnh, hoảng sợ. Hãy học ngay trong mối quan hệ với con: lắng nghe, tìm hiểu, thông cảm, nghiêm khắc... Từ từ rồi cả em và con sẽ cùng nhau "tốt nghiệp" khóa học làm mẹ, làm con một cách tốt đẹp.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(5)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI