Đứt dây thần kinh xấu hổ

22/04/2018 - 14:00

PNO - NS Dương Thụ, trong một buổi trò chuyện tại quán cà phê thứ bảy đã chép miệng than thở nhẹ nhàng: thói xấu thời nào cũng có nhưng thời nay nhiều quá, nhiều vì nó phổ biến trong cộng đồng mà lại ít có phản ứng cần thiết.

Hồi trước, thói xấu thường bị chế giễu tạo thành dư luận xã hội khiến người mắc lỗi nhận ra sai lầm của mình và thấy xấu hổ, ngượng ngùng trước thiên hạ. 

Dut day than kinh xau ho

Một nhân vật nổi tiếng khác, giáo sư Ngô Bảo Châu cũng có lần nói về sự xấu hổ: muốn sống tử tế, trước hết phải biết xấu hổ. Và hình như trong mùa thi đại học năm 2011, hai câu nghị luận trong đề thi môn văn khối C và D đã tạo nên cuộc tranh luận hào hứng, không chỉ trong ngành giáo dục, trong các thí sinh mà cả giới sô-bít cũng bàn tán sôi nổi: “Đừng cố gắng làm người nổi tiếng mà trước hết hãy làm người tốt” và “Biết tự hào về bản thân là tốt, nhưng biết xấu hổ còn quan trọng hơn”.

Đó, để có thể viết được vài trăm chữ nghị luận cho hai vấn đề “thần thánh” kia, một số sao văn nghệ, các hot-gơ, hot-boi chắc phải cắn nát bét đầu bút chứ chẳng chơi. 

Một trong những thói xấu của nhiều xe-lep mà thiên hạ nói hoài vẫn chưa thấy sửa được, mà còn có vẻ “sóng sau to hơn sóng trước”, là nạn khoe mình mẩy đến độ hại não. Hết khoe vòng 1 phì nhiêu ngoại cỡ đến khoe vòng 3 siêu hạng. Đầm váy thì toàn khoét sâu, xẻ cao đến tận cùng bằng số. Làm gì cũng chỉ để giới thiệu… cái mông. 

Cộm cán nhất trong chuyện này là cô Angela Phương Trinh, riết rồi dòm cô, chắc người ta không còn nhớ cô là diễn viên, ca sĩ mà chỉ nhớ tới hình ảnh cô và mông. Tới nỗi, trong cái clip cổ đi bộ trên máy tập thể dục mà cũng té chỏng gọng để… crop ngay cái mông. Thiệt là quá đáng luôn à. Làm ơn ngó qua cô Địch Lệ Nhiệt Ba giùm cái (diễn viên xinh đẹp người Tân Cương đang nổi bần bật), cũng tròm trèm lứa tuổi với mình mà con người ta đàng hoàng tử tế phát ham.

Còn chuyện một nàng hoa-hậu-bị-lỗi nữa. Thiệt tình không muốn nhắc lại vụ này mà vẫn phải nói vì nó quá xấu hổ. Đáng lẽ những nơi mời cô ấy đến dự ì-ven cũng nên tế nhị, đừng gọi cô ấy là hoa hậu này kia, khi mà cuộc thi đó đã được Cục Nghệ thuật biểu diễn đề nghị đơn vị tổ chức hủy bỏ kết quả và thu hồi vương miện.

Trưởng ban tổ chức đã nhận mắc phải sai lầm dẫn đến kết quả không thuyết phục (văn chương hoa mỹ là vậy, chứ nói thẳng là kết quả sai bét), đã đóng phạt nhưng vẫn phớt lờ lời đề nghị đó, im lặng “cố đấm ăn xôi”, chơi chiêu “để lâu cứt trâu hóa bùn”.

Mà thật, Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng chẳng thèm để ý coi lời đề nghị của mình có được thực hiện hay không. Lỗi nhỏ mà không nghiêm thì tránh sao được lỗi bự. Cô hoa-hậu-bị-lỗi ấy cũng như đơn vị tổ chức, đã chẳng thấy xấu hổ mà còn phát biểu như thần tiên trên trời: từ ngày đội vương miện, tôi càng kỹ tính hơn trong làm đẹp, chăm sóc da, dưỡng ẩm mỗi ngày; về ăn uống, tôi hạn chế tối đa tinh bột, ăn nhiều rau xanh và trái cây. Tôi muốn chứng minh mình xứng đáng với danh hiệu. Thiệt là cười không ngậm được miệng. 

Sự xấu hổ là một cảm giác lành mạnh, là phương thuốc bổ ích và hiệu quả cho những ai muốn làm người tốt, người… dễ thương. Tại sao bây giờ người ta ít xấu hổ trước lỗi lầm của mình, cũng có một phần như nhạc sĩ Dương Thụ nói ở trên, nhưng cái thực tế này mới ghê: dù dư luận lên tiếng phê phán ầm ầm mà người ấy đã bị đứt dây thần kinh xấu hổ từ tám kiếp thì cũng chẳng ăn thua gì. Trách sao thế giới sô-bit lắm rác! 

  Mamarazzi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI