|
Bơm xi măng sinh học trong tạo hình thân đốt sống có tỷ lệ thành công cao (ảnh minh họa) |
Kỳ lạ sức cơ 5/5 nhưng không đi lại được
Mấy năm trước, bà T.T.H. (51 tuổi, ở tỉnh Đắk Lắk) không may trượt té. Ngay lúc đó, các con đã đưa bà đi bệnh viện gần nhà cấp cứu. Tuy không nguy hiểm tính mạng, nhưng thắt lưng đau dữ dội, bà nằm viện hơn một tuần và được về nhà. Bà H. kể: “Ban đầu, tôi đi lại khó khăn, cứ tưởng do bị sưng đau ở lưng, nhưng mấy tháng sau hai chân tôi ngày càng yếu. Tôi mua thuốc uống không khỏi, cơn đau xuất hiện nhiều, nhưng tôi cố chịu đựng”.
Tháng 2/2021, khi bà H. không thể đi lại được, các con phải đưa bà đến Bệnh viện Nhân dân 115 TP.HCM. Qua thăm khám, bác sĩ phát hiện bà đau nhiều tại thắt lưng vùng đốt sống lưng và ngực, tuy sức cơ 5/5 nhưng bà không đi lại được. Chẩn đoán hình ảnh cho thấy, bà H. bị gãy xẹp đốt sống D12 (đốt sống ngực) kèm loãng xương.
Các bác sĩ chỉ định phẫu thuật bơm xi măng sinh học cho bà bằng phương pháp Kyphoplasty - kỹ thuật tạo hình thân đốt sống bằng bóng. Theo thạc sĩ - bác sĩ Chu Tấn Sĩ, Trưởng khoa Ngoại Thần kinh Bệnh viện Nhân dân 115, tạo hình thân đốt sống bằng bóng là kỹ thuật ít xâm lấn, nhưng bà H. vẫn phải được xét nghiệm tiền phẫu kỹ, nhất là dị ứng với xi măng sinh học.
Sau khi sát khuẩn, ê-kíp bác sĩ gây tê tại vùng chọc kim ở vị trí gần với đốt sống D12. Bác sĩ rạch một đường nhỏ ở da, qua hướng dẫn của máy can thiệp, kim được chọc qua các cơ của cột sống đến vùng bị tổn thương. Tiếp theo, một quả bóng được đưa qua lòng kim vào thân đốt sống D12, sau đó bơm căng bóng để tạo hình đốt sống về chiều cao bình thường rồi làm xẹp bóng từ từ và được đưa ra ngoài. Khoảng trống trong thân đốt sống do bóng tạo ra sẽ được các bác sĩ nhồi đầy bằng xi măng sinh học.
Hơn 30 phút sau, đốt sống D12 của bà H. được chỉnh hình gần giống như ban đầu. Hôm sau, bà bớt đau thắt lưng, tự đi lại được. Tập đi thêm hai tuần, bà H. đi vững vàng, không còn phải nằm trên giường chịu trận.
Trước đây phải mổ hở
Theo bác sĩ Chu Tấn Sĩ, có hai phương pháp tạo hình thân đốt sống bằng xi măng sinh học, gồm: kỹ thuật dùng bóng và không có bóng. Tùy vào tình trạng tổn thương của đốt sống, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp phù hợp giúp người bị đau nhức, xẹp lún, gãy xương cột sống… nhẹ nhàng “cắt” các cơn đau dai dẳng hoặc cấp tính thay vì uống thuốc giảm đau tạm thời hay nằm bất động nhiều tháng liền chờ qua cơn đau.
Bác sĩ Tấn Sĩ cho hay: Trước đây, nếu người bị gãy, lún xẹp đốt sống điều trị bằng thuốc mà vẫn không giảm đau, bác sĩ phải bắt vít, nẹp cố định, lúc này buộc phải phẫu thuật mở với vết thương lớn để xử lý. Như vậy, người mắc bệnh tim mạch, tiểu đường, hay các bệnh mạn tính, ung thư, người lớn tuổi sẽ không thể thực hiện bởi nguy cơ suy hô hấp, chảy máu… rất nguy hiểm. Còn tạo hình cột sống bằng xi măng sinh học chỉ rạch da khoảng 0,5cm ở vùng gần vị trí đau, rồi thực hiện dưới hướng dẫn của máy X-quang, bơm xi măng sinh học vào trong thân đốt sống, hàn gắn các gãy xương siêu nhỏ, giúp đốt sống đặc và cứng trở lại chỉ trong khoảng 30-60 phút.
Sau phẫu thuật, 5-7 phút xi măng sinh học sẽ đông cứng, đưa cột sống gần như trở lại hình dạng ban đầu. Vì vậy, khi hết thuốc gây mê hoặc gây tê, bệnh nhân có cảm giác bớt đau ngay, xoay trở, ngồi, đi lại như bình thường mà không cần tập vật lý trị liệu. Chỉ số ít người nằm bất động nhiều năm mới cần tập để phục hồi sức cơ, tư thế và dáng đi. Hơn hết, xi măng sinh học được sử dụng lâu dài nên người bệnh không phải đối mặt với các cuộc mổ tiếp theo.
Đến nay, Bệnh viện Nhân dân 115 đã thực hiện kỹ thuật này cho gần 500 bệnh nhân bị lún xương cột sống do tai nạn, đau xẹp cột sống nhưng uống thuốc điều trị vẫn không hết đau… chiếm đa số là lún cột sống do loãng xương. Hầu hết bệnh nhân được cải thiện cuộc sống, ít người bị biến chứng.
Thạc sĩ - bác sĩ Dương Thanh Tùng, Trưởng khoa Ngoại Thần kinh Bệnh viện Nhân dân Gia Định, thông tin, 88 bệnh nhân được thực hiện tạo hình thân đốt sống bằng xi măng sinh học tại bệnh viện đều cho kết quả khả quan, giải quyết được các cơn đau, đi lại bình thường.
Bác sĩ Tùng cho biết thêm: “Trung bình các bệnh nhân ở tuổi từ 60-62, nữ gấp 8-9 lần nam. Hầu hết các trường hợp bị xẹp lún đốt sống do loãng xương. Tuy nhiên, không phải ai bị đau cột sống, hạn chế vận động đều được chỉ định thực hiện tạo hình thân đốt sống bằng xi măng. Vì đây là bệnh lý toàn bộ hệ thống cột sống nên chỉ mang đến hiệu quả nếu bệnh nhân thật sự có vấn đề”. Nếu người bệnh có bảo hiểm y tế, việc tạo hình thân đốt sống bằng bóng mất khoảng 15-30 triệu đồng, phương pháp không dùng bóng ít hơn từ 6-10 triệu đồng.
Phụ nữ Việt Nam bị gãy đốt sống do loãng xương chiếm 67%
Tại Việt Nam, tỷ lệ gãy đốt sống do loãng xương ở nữ là 67%, ở nam 33%. Loãng xương không có triệu chứng rõ ràng, thường khi người bệnh có triệu chứng thì loãng xương đã ở mức độ nặng. Khoảng 60% trường hợp xẹp lún đốt sống do loãng xương không có biểu hiện lâm sàng. Các triệu chứng phổ biến của loãng xương tác động lên đốt sống là đau lưng, giảm chiều cao, gù vẹo cột sống (còng lưng), gãy xương sau một chấn thương rất nhẹ.
Chưa kể đến gãy lún có thể làm người bệnh tàn phế, nằm lâu dài dễ gây viêm phổi, viêm đường tiết niệu… thậm chí tử vong. Vì vậy, người trên 50 tuổi có các yếu tố nguy cơ gây loãng xương như trên, phụ nữ trên 65 tuổi, phụ nữ mãn kinh sớm, nam giới trên 70 tuổi nên đo loãng xương định kỳ sáu tháng hoặc một năm.
|
Phạm An