Đường xa vất vả mưu sinh

05/08/2020 - 07:02

PNO - Với chiếc xe máy cũ kỹ, hằng ngày chị vượt hơn 200km từ xã Bà Điểm, H.Hóc Môn, TP.HCM lên TP.Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước và ngược lại để bán cá kiểng với mong muốn kiếm được đôi ba trăm ngàn để phụ chi phí sinh hoạt trong gia đình.

Trời còn tối đen, chị Nguyễn Thị Trắng đã thức dậy để cột mấy chục bịch cá lớn nhỏ lên xe. Khi công việc chuẩn bị đã xong, chị tì người nâng nhẹ chiếc xe, gạt chống rồi bắt đầu hành trình suốt gần bốn tiếng lên TP.Đồng Xoài. Buổi chiều, khi về đến nhà thì trời cũng nhá nhem, chị nấu vội bữa cơm tối cho cả gia đình. Vợ chồng chị Trắng sống cùng vợ chồng người con trai và các cháu nội, ngoại trong ngôi nhà nhỏ nằm sâu trong một con hẻm tại ấp Đông Lân 1, xã Bà Điểm, H.Hóc Môn. Chồng chị đi phụ hồ. Con trai chạy xe ôm. Con dâu làm công nhân. 

Cái nghề bán cá kiểng dạo gắn bó với chị đã 35 năm qua. Ngày trước, chị bán gần nhà. Nhưng cửa hàng cá cảnh mở ra ngày càng nhiều nên chị phải đi ngày càng xa hơn, rồi lên tận Đồng Xoài như bây giờ. Vì quãng đường quá xa nên chị phải xuất phát từ 3g sáng mới kịp bán ở trường học và chợ.

Chị Trắng với công việc đi bán cá kiểng mỗi ngày
Chị Trắng với công việc đi bán cá kiểng mỗi ngày

Chịu khó, mỗi ngày chị cũng kiếm được đôi ba trăm ngàn đồng. Nhưng cũng có ngày ế, không bán được mà còn phải đội cả cơn mưa về nhà. Có bữa sơ ý, ở ngoài trời cả ngày, nắng nóng khiến cá chết, coi như lỗ vốn. Thương chị vất vả, nhiều chị em gợi ý chị chuyển đổi công việc, nhưng chị Trắng bảo “công việc tuy vất vả nhưng tôi thấy vui, đầu óc cũng thoải mái”.

Niềm vui tuy nhỏ nhưng với chị Trắng là cả một thời gian dài chị tự đấu tranh với bản thân, day dứt về lỗi lầm trong quá khứ. Năm 2014, do bị lôi kéo, dụ dỗ, chị Trắng và con gái vướng vào đường dây mua bán ma túy. Chị bị bắt vào trường giáo dục 3 năm, còn con gái ở tù 5 năm. Ngày được trở về với cộng đồng, chị Trắng mang trong mình mặc cảm, không gặp gỡ, giao tiếp với ai, tránh mặt cả người thân trong gia đình.

Chị Lê Thị Ngọc, Chi hội phó Hội phụ nữ ấp Đông Lân 1, cho biết: “Gần cả tháng tôi mới tiếp cận được chị Trắng. Ngày nào tôi cũng lân la sang làm quen, ban đầu lấy cớ là hàng xóm ra vào thăm hỏi sức khỏe. Khi thân hơn, tôi rủ chị đi chợ, rồi rủ chị tham gia sinh hoạt Hội để gặp gỡ một số chị em có cùng cảnh ngộ để giúp chị bớt đi mặc cảm, quên đi quá khứ”. Một năm sau, biết chị có mong muốn buôn bán lại nghề cá kiểng, chi hội phụ nữ giới thiệu chị vay 8 triệu đồng làm vốn. Hết hạn, chị được vay lại 12 triệu đồng để đầu tư thêm tủ kính và lấy thêm nhiều loại cá… 

Con đường “trở lại” của những người phụ nữ yếu thế không hề bằng phẳng, cho nên cần có sự cảm thông, chia sẻ, mở rộng vòng tay từ gia đình, xã hội. “Được góp sức để chị Trắng vượt qua khó khăn, trở lại cuộc sống bình thường, tôi cũng thấy mình hạnh phúc”, chị Lê Thị Ngọc nói. 

Thiên Ân

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI