Đường về nhà bao xa?

Đường về qua mấy sông sâu

15/09/2024 - 06:56

PNO - Bây giờ, phương tiện đi lại nhiều hơn, nhanh hơn nhưng đường về quê lại thăm thẳm hơn. Về quê thăm mẹ dường như cũng không được ưu tiên nữa…

Nhà bà ngoại tôi ven sông Hồng. Nhà bố mẹ tôi cách nhà ngoại chừng 30km. Lớn lên nơi hợp lưu của sông Châu - sông Nhuệ - sông Đáy, nhìn phía nào tôi cũng thấy sông. Đi học, đi chợ, vào phố… đều phải qua mấy bến sông, mấy cây cầu.

Đi về quê, mẹ phải còng lưng đạp xe chở tôi trên con đê sông Hồng lộng gió. Trí nhớ thơ ấu của tôi đầy đặc những chuyến theo mẹ về thăm bà. Sau này mẹ tôi bận công việc hơn nhưng mọi giỗ chạp, lễ lạt bà đều có mặt.

Phà Tân Đệ xưa
Phà Tân Đệ xưa (ảnh tư liệu)

13-14 tuổi, khi biết đi xe đạp, tôi hay xung phong nhận việc về quê thay mẹ. Hành trình 30km ấy với tôi rất dài và rất xa. Tôi phải gửi xe đạp rồi lên tàu, đến ga Nam Định thì xuống tàu, lấy xe đạp chạy xuyên thành phố dệt qua phà Tân Đệ, từ đó đạp xe tiếp trên mặt đê sông Hồng, gặp quai đê thì tới đích.

Bến phà Tân Đệ rất nổi tiếng, vì nó nối 2 tỉnh Nam Định và Thái Bình. Sông Hồng ở đoạn này sắp ra cửa biển, nước cuồn cuộn quanh năm. Ngày xưa, sự cố 2 phà ngược chiều đụng nhau, phà đụng tàu thuyền nhỏ, phà trôi, phà chết máy… thi thoảng vẫn xảy ra. Bố tôi hay kể đi kể lại chuyện đi đón dâu (là mẹ tôi) của ông.

Hôm ấy, đoàn nhà trai tới phà Tân Đệ thì gặp sự cố phà trôi. Hành khách trên phà nhốn nháo cầu nguyện. Tối mịt, phà mới cập được vào vùng bùn lầy hoang vu. Về tới làng đã rất khuya, thấy nhà gái vẫn tưng bừng hoa đèn chờ, nhà trai xúc động rơi nước mắt.

Thời xưa, chiếc phà rất thô sơ. “Bộ phận lai dắt” chỉ là một chiếc tàu nhỏ áp sát mạn phà. Người lái phải có kinh nghiệm tài tình lắm mới điều khiển được chiếc phà cồng kềnh đầy ắp người xe. Đứng trên phà, tôi hay phớt lờ lời nhắc tránh xa lan can của người lớn. Mà không riêng tôi, đứa trẻ nào cũng thích đứng sát lan can ngắm mặt nước.

Một lần, do phà quá đông, tôi xoay trở thế nào mà đạp rơi một rọ lợn con xuống nước… Đó là chú lợn con của một người trong làng. Bà ngoại và các cậu tôi đứng ra đền bằng cách nào tôi chẳng nhớ. Chỉ nhớ, khi tôi đang xanh mặt thì cậu tôi an ủi: “Bà không giận đâu. Cháu bà không rơi ra ngoài như cái rọ lợn là phúc đức của nhà mình rồi!”.

Sau này, bố mẹ đưa anh em tôi vào Nam theo phong trào khai hoang. Cây cầu Tân Đệ hùng vĩ nối 2 tỉnh xuất hiện, đóng lại vai trò của bến phà. Các cậu mợ dì chú tôi ở quê một thời gian nữa rồi lục tục ly hương. Là vì, theo thời cuộc, đất trồng trọt hẹp dần, mọi ngôi làng bên sông đều bê tông hóa. Những bãi đay mênh mông xanh mướt đôi bờ đã biến mất như chưa từng có trên đời. Cậu mợ tôi ngừng làm nghề đay, chuyển sang kinh doanh cây cảnh tới khi có chút vốn thì theo người làng di cư sang trời Âu.

Con cháu đa số ở miền Nam, một số ở nước ngoài, vài năm mới về quê 1 lần. Bà tôi hơn 90 tuổi được gọi là “chiếc lô cốt”, vì bà chỉ thích ở lại quê cùng đứa cháu trai với lý do “trông mồ mả tổ tiên”.

Nhiều tuyến phố ở Hà Nội ngập sâu - Nguồn ảnh: Internet
Nhiều tuyến phố ở Hà Nội ngập sâu - Nguồn ảnh: Internet

Mỗi dịp tết, thấy tôi về quê khoe hình check-in trên cây cầu lộng gió, từ bên kia bán cầu, cậu lại nhờ quay video con sông, có lẽ cậu rất nhớ quê. “Bão thế này thì lũ lụt năm nay không đùa được đâu” - sau cơn bão Yagi, cậu tôi gọi về cho đứa con trai đang ở với bà.

Các địa phương có sông Hồng, sông Thao, sông Cầu… lần lượt công bố tình trạng nước lũ lên quá nhanh, số thương vong cũng chưa dừng. Bố mẹ tôi cùng các cậu dì ở xa ngóng về quê, lo lắng mất ăn mất ngủ. Trong nhóm Zalo, chúng tôi nhắc những ký ức ướt át, lạnh giá khi nhà dột, nước ngập; những giấc ngủ lơ mơ cùng tiếng trống hộ đê, tiếng loa ồn ào nhắc canh chừng của nả, cả trận lụt lịch sử năm 1971 mà báo nước ngoài gọi là thảm họa thiên tai.

Hôm nước dâng cao, khi cậu em ở quê quay cảnh bà nằm trên chiếc giường cùng một số thực phẩm, cậu tôi đã khóc nức nở trong điện thoại như đứa trẻ biết nhận lỗi. Nửa vòng trái đất, đường về với mẹ của cậu quá xa. Mà nghĩ cho cùng thì chúng tôi cách bà chỉ 2.000km, cũng đâu dễ về…

Châu Giang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI