Đường về nhà thơm hương thuốc Bắc

09/02/2024 - 06:15

PNO - Rời Q.6 lâu quá, tôi quên mất những ngả đường thơm hương thuốc Bắc, cho đến khi chồng tôi khoe mấy cánh hoa hồi: “Anh mua gần nhà bố mẹ em”.

Ông cố tôi vốn là người Quảng Đông sang Việt Nam sinh sống và sinh ra ông nội tôi ở đây. Ông nội tôi có thể gọi là đời đầu tiên trong một gia đình pha trộn hai dòng máu Hoa - Việt. Nhưng đến đời tôi, cả gia đình không ai rành tiếng Hoa nữa. Dù vậy, nhà tôi vẫn sống ở khu Q.6, nơi được mệnh danh là “China town của Sài Gòn”.

Từ nhỏ, tôi đã quen với những thanh âm rộn rã khi người Hoa nói chuyện; quen với những căn nhà cổ kính, cửa sắt sơn màu xanh lá cây hay xanh ngọc, dán giấy đỏ viết chữ Tàu; quen với bánh Tổ ngày Tết hay bánh thuẫn khi người ta cúng khai trương…

Ở khu Q.6 này, hàng quán thường bán theo khu, khu bán đồ lân, khu bán đồ trang trí… và khu bán thuốc Bắc. Nếu những khu khác thu hút người đi đường bằng màu sắc thì những con phố thuốc Bắc lại thu hút người ta bằng một thứ vô cùng đặc trưng: mùi hương.

Những con đường đậm mùi hương thuốc Bắc ở khu Hải Thượng Lãn Ông. Ảnh: Cao Bảo Vy.
Những con đường đậm mùi hương thuốc Bắc ở khu Hải Thượng Lãn Ông (ảnh: Cao Bảo Vy)

Khu phố thuốc Bắc này không phải là một dãy phố thẳng hàng mà là những cửa hiệu san sát nhau nằm quanh trục đường Hải Thượng Lãn Ông - Triệu Quang Phục - Phùng Hưng. Các cửa hiệu đều được xây theo kiểu nhà đặc trưng của người Hoa, với những bao tải lớn chứa đầy những dược liệu chất đầy tràn từ trong nhà ra đến trước cửa. Loại dược liệu nào cũng có, từ quế, hoa hồi đến đỗ trọng, táo đỏ, đinh lăng… Mùi thơm dược liệu thơm ngát cả một quãng đường, lấn át cả mùi khói xe và bụi đường.

Ngày còn nhỏ, mỗi khi đón tôi đi học về, bố luôn chở tôi ngang qua đoạn đường này để về nhà. Mùi hương thuốc Bắc quen thuộc đến mức tôi chỉ cần ngửi thấy hương thơm là biết mình sắp về đến nhà, dù lúc ấy đầu óc đang lơ đễnh nơi đâu hay mắt đang dán vào quyển truyện tranh mà tôi hay ngồi đọc mải mê sau lưng bố.

Nhà tôi không hay dùng thuốc Bắc, nhưng bằng cách lan tỏa thứ mùi hương thấm đẫm mê hoặc ấy, những ngả đường quanh khu phố Hải Thượng Lãn Ông đã trở thành một phần ký ức của tuổi thơ tôi, cũng là một dấu hiệu của “đường về nhà”.

Ấy vậy mà, cũng có khi tôi quên.

Khi trưởng thành và sống xa cha mẹ, tôi dọn về Q.4. Lúc đầu, để từ Q.4 về Q.6 thăm bố mẹ, tôi vẫn đi theo ngả cũ, ngang qua những con phố thuốc Bắc. Nhưng từ khi thành phố mở rộng Đại lộ Đông - Tây, tôi đi một lèo từ Võ Văn Kiệt đến Cao Văn Lầu rồi sang Hậu Giang, không còn đi ngang phố thuốc Bắc ở Hải Thượng Lãn Ông nữa. Vậy là tôi quên, chẳng còn nhớ mình đã từng yêu thích một con phố thuốc Bắc dịu dàng, dễ chịu, mang tên “đường về nhà”.

Mùi hương thuốc Bắc và những dược liệu hữu ích mê hoặc cả chồng tôi. Ảnh: Cao Bảo Vy
Mùi hương thuốc Bắc và những dược liệu hữu ích mê hoặc cả chồng tôi (ảnh: Cao Bảo Vy)

Cho đến khi chồng tôi - một người đàn ông ngoại quốc, trong một lần giúp tôi mang đồ về cho bố mẹ, đã lang thang khám phá khắp khu người Hoa, lạc vào những ngả đường thuốc Bắc này và thích mê. Chồng tôi hẳn đã lê la ở đó cả buổi chiều, nhìn ngắm, hít hà, mua rất nhiều thảo dược mang về Ai Cập. Anh cũng mua cho tôi một nắm hoa hồi: “Để pha vào nước ấm, em uống cho dễ ngủ”.

Rồi anh xuýt xoa: “Ở Sài Gòn có nơi bán mấy thứ này hay quá em nhỉ? Khu này có lâu chưa?”. Tôi bảo: “Từ hồi em còn bé tí”. Chồng tôi gật gù: “Sài Gòn phát triển nhưng vẫn còn những chỗ xưa ơi là xưa”.

Tôi bật cười, bỗng dưng thấy thương Sài Gòn như thương một người bạn lâu năm, mỗi năm mỗi khác, mỗi năm mỗi phát triển nhưng cái hồn, cái gốc, những giá trị tinh túy xưa cũ vẫn luôn ở đó, chẳng hề nhạt phai.

Bất chợt, tôi nói với chồng: “Lần sau chở em về bố mẹ thì chở em ngang khu này nhé! Chồng tôi hỏi: “Em muốn mua gì à?”. Tôi đáp: “Không, chỉ là em nhớ thôi. Em nhớ mùi hương thuốc Bắc, em nhớ “đường về nhà” của em”. Chồng tôi cười xòa, tôi cũng cười, bỗng thấy lung linh trước mắt mình những ngôi nhà cổ kính, chất đầy những bao tải dược liệu, giản đơn thôi mà đậm dấu thời gian, mà trân quý vô cùng.

“Đường về nhà” của tôi đó, những con đường về nhà thơm hương thuốc Bắc của Sài Gòn.

Cao Bảo Vy (Q.4, TPHCM)

 

Tác phẩm tham gia cuộc thi viết về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, chủ đề “Thành phố của tôi” xin gửi về: tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, phường 4, quận 3, TPHCM, ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi” hoặc gửi qua email: saigon-tphcm@baophunu.org.vn, tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi”.

Cơ cấu giải thưởng: 

- 1 giải Đặc biệt trị giá 70 triệu đồng.
- 1 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng.
- 2 giải Nhì, trị giá 40 triệu đồng/giải.
- 3 giải Ba, trị giá 30 triệu đồng/giải.
- 10 giải Khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng/giải.

- 1 giải Bài viết hay nhất về phụ nữ TPHCM trị giá 30 triệu đồng.
- 1 giải Bài viết hay dành cho tác giả là người nước ngoài, kiều bào sinh sống ở nước ngoài, trị giá 30 triệu đồng.
- Giải tháng: 10 triệu đồng/giải.

Ngoài ra, còn có các giải ấn tượng do ban giám khảo bình chọn cho bài viết chân dung phụ nữ, tác giả nữ cao tuổi nhất, tác giả có nhiều bài chất lượng nhất…

Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM sẽ xem xét trao giải cho bài viết hay vào mỗi quý.

Xem thông tin chi tiết về cuộc thi tại đây: https://www.phunuonline.com.vn/cong-bo-cuoc-thi-viet-thanh-pho-cua-toi-a1503685.html

 

 

 

 

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI