Đường về nhà bao xa?

Đường về nhà chưa bao giờ xa

14/09/2024 - 20:31

PNO - Đôi khi, ta vẫn tự hỏi mình rằng đường về nhà có xa lắm không. Đi hàng trăm cây số, đôi khi chỉ là quay về thoáng chốc, nằm chưa đã cái lưng, ăn chưa hết mấy món bà má và chị dâu chuẩn bị là lại đi rồi. Nhưng thời gian chúng ta còn được ở bên ba mẹ đang cạn kiệt dần như chiếc đồng hồ cát dốc ngược…

Ảnh mang tính minh họa - Freepik - Jcomp
Ảnh mang tính minh họa - Freepik - Jcomp

Gần 1 năm trước, gia đình chị tôi chuyển sang New Zealand định cư. Cuộc sống mới lạ nhanh chóng hấp dẫn 2 cháu tôi đang ở độ tuổi tươi trẻ nhất của cuộc đời. Cứ tưởng chỉ người trưởng thành mới sống bằng hoài niệm và thương nhớ quê hương, vậy mà đứa cháu trai 17 tuổi của tôi lại đau đáu trở về.

Sau gần 5 tháng vừa học vừa làm thêm, cháu tiết kiệm đủ tiền mua vé máy bay và để dành được một khoản nhỏ mang về Việt Nam. Gần đến ngày cháu bay, cả nhà hỏi cháu đường xa mệt lắm phải không, phải bay 2 chuyến dài mới về được đến nhà…

Cháu nhẹ nhàng trả lời: “Đường về nhà có bao giờ là xa đâu ạ”. Hơn 20 năm sống xa quê, tôi giật mình thấy bản thân còn chưa thấu đáo bằng một cậu nhóc: “Ừ nhỉ, đường về nhà chưa bao giờ là xa”.

***

Khoảng cách địa lý dẫu có dài thật nhưng chỉ 1, 2 chuyến bay hoặc chuyến xe, những người con dù đang ở đâu cũng có thể về nhà, về nơi ba mẹ đang mong ngóng mỗi ngày. Thế nhưng, chẳng phải khi nào người ta cũng cố tìm cho ra cách để về nhà.

Khi còn trẻ, tôi mê mải với những chuyến đi trải nghiệm cuộc sống đó đây vào mỗi dịp lễ tết hay “bán mình” cho công việc với hy vọng ngày một tiến xa hơn trên con đường sự nghiệp.

Từ khi có gia đình, tôi lại bị bủa vây bởi áp lực kinh tế và hàng trăm thứ cần lo toan khác. Tôi dè sẻn từng phút mỗi lần nghe điện thoại, trả lời qua quýt những tin nhắn của gia đình. Tôi giãy nảy, giận hờn trước những yêu cầu của ba mẹ. Tôi phớt lờ ngày giỗ của ông bà nội ngoại. Tôi lấy lối sống hiện đại, văn minh để bao biện cho chính mình. Tôi viện lý do mình bận bịu tối tăm mặt mày để tránh né những sum vầy ấm cúng.

Nhìn lại mình trong suốt mười mấy năm qua, tôi ngỡ ngàng khi tự đếm số lần về nhà với ba mẹ. Có năm tôi về chỉ 1 lần, có khi biền biệt tận mấy năm.

Đến khi nghe cháu trai hớn hở trả lời đường về nhà chưa bao giờ xa, tôi mới bàng hoàng nhận ra mười mấy năm đã vụt trôi trong chớp mắt. Chai dầu gội phủ bạc điềm nhiên đứng trong phòng tắm của ba tôi tự bao giờ. Cầm điện thoại chụp tấm hình 2 ông cháu vui đùa cùng nhau, mắt tôi nhòe đi vì khuôn mặt gầy guộc, hốc hác của ba trên màn hình. Mái tóc ba chỉ còn thưa thớt vài sợi đen, hàm răng khấp khểnh cái còn cái mất. Đôi chân mẹ đã hằn những đường gân xanh chằng chịt.

Trong khoảnh khắc ấy, tôi chua xót nhận ra chính mình còn không nhớ nổi lần cuối cùng ngắm ba mẹ thật kỹ là khi nào. Chỉ biết giờ đây, những nếp nhăn, những vết đồi mồi đã ngang nhiên hiện hữu trên khuôn mặt 2 đấng sinh thành.

Tôi lần tìm lại những bức ảnh kỷ niệm của 1 năm trước, vài năm trước rồi 10 năm trước và cả cuốn album ảnh những ngày tôi còn thơ bé. Nửa đời người hóa ra cũng chỉ thu vào trong vài tấm ảnh đã phai màu chẳng mấy ai mở ra ngắm lại. Sự trưởng thành của tôi được đánh đổi bằng mái tóc xanh, bằng đôi chân vững, bằng sức khỏe dẻo dai, bằng năm tháng tuổi trẻ rộng dài của ba mẹ.

Thế mà tôi không đành bỏ vài ngày làm việc, không đành hủy 1 chuyến đi chơi để trở về nhà sum vầy bên mâm cơm có ba mẹ mong chờ. Đường về nhà liệu có xa đến thế?

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

***

Tôi nhớ mãi năm 2016, ba mẹ từ Hà Nội bay vào Sài Gòn để dự đám cưới tôi. Đó là lần đầu ba mẹ được đi máy bay, cũng là lần đầu ba mẹ được đi xa khỏi mái nhà thân thuộc. Vậy mà suốt hơn 1 tuần ba mẹ ở Sài Gòn, ngoại trừ hôm tổ chức lễ cưới, tôi không nghỉ làm ngày nào để đưa ba mẹ đi chơi bởi chính tôi cũng chưa từng dành thời gian cho thành phố mình đang sống và làm việc.

Mỗi ngày tôi đều ra khỏi nhà từ 7g sáng và trở về lúc 7g tối trong tinh thần rệu rã. Tôi đâu biết trân trọng khoảng thời gian quý giá được ở bên cạnh ba mẹ khi họ còn trẻ khỏe. Tôi không cảm nhận được sự ấm cúng của những bữa cơm nóng hổi ba mẹ đợi tôi về cùng ăn bởi tôi cho đó là cuộc sống tự do, tự lập như tôi từng ao ước khi bé.

Mẹ bảo đồ ở siêu thị đắt đỏ, tôi nói mẹ tiền nào của nấy. Ba than đồ ăn ngoài quán không hợp khẩu vị, tôi lại trách ba khó ăn. Giờ nghĩ lại, tôi chỉ ước mình chưa từng sống hời hợt, vô tâm như thế. Ba mẹ liệu còn có thể ở nhà chờ tôi thêm mấy lần trở về nữa?

Gần đây, sức khỏe của ba tôi ngày càng đi xuống. Cứ nghĩ về ba mẹ, tôi lại

Cầm điện thoại chụp tấm hình 2 ông cháu vui đùa cùng nhau, mắt tôi nhòe đi vì khuôn mặt gầy guộc, hốc hác của ba trên màn hình. Mái tóc ba chỉ còn thưa thớt vài sợi đen, hàm răng khấp khểnh cái còn cái mất. Đôi chân mẹ đã hằn những đường gân xanh chằng chịt.

thấy nghẹn ngào. Tôi không dám tưởng tượng đến tình huống xấu sẽ xảy ra. Tôi tự trấn an rằng mọi chuyện sẽ dần ổn. Tôi nhớ từng đọc bài viết trên báo của một chị bạn văn. Chị cũng từng như tôi, mải miết với cuộc sống bộn bề cho đến một ngày trở về nhà thì ba chị đã không còn nhận ra chị nữa.

Ba chị mắc căn bệnh lãng quên tuổi già. Câu chuyện của chị như một cú đánh mạnh khiến tôi tỉnh ngộ. Thời gian tôi còn được ở bên ba mẹ đang cạn kiệt dần như chiếc đồng hồ cát dốc ngược. Ba mẹ còn đợi được bao lâu để tôi dùng hết những lý do của mình?

***

Người ta nói nếu muốn sẽ tìm cách, nếu không muốn sẽ tìm đủ lý do. Từ khi sinh con, tôi mới dần hiểu lòng ba mẹ. Tôi hiểu những lần đau như gãy 20 cái xương sườn một lúc của mẹ trong phòng sinh. Tôi hiểu những gánh nặng gia đình oằn trên đôi vai của ba. Tôi hiểu cảm giác háo hức, mong chờ ngày con về để rồi lại bồi hồi, thổn thức mỗi lần tiễn con đi. Tôi cũng hiểu cả những cơn nóng giận mà ba mẹ từng trút lên nhau và vô tình làm tổn thương con cái.

Mãi đến khi hiểu được những điều bình thường ba mẹ vẫn luôn giấu kín ấy, tôi mới nhận ra đường về nhà chưa bao giờ là xa khi ba mẹ vẫn đang ngồi đó chờ ta trở về.

Đan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI