Anh H. là một trong rất nhiều người được tạo điều kiện vay vốn làm ăn sau khi từ bỏ ma túy. Bảy năm qua, nguồn quỹ tín dụng dành cho người hoàn lương (được thành lập theo Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg) đã giúp những phận người lạc lối tìm thấy đường về.
Gượng dậy sau cú trượt dài
Giọng H.A.V. - 41 tuổi, ở quận Bình Thạnh, TPHCM - trầm xuống đầy nuối tiếc khi nói về thời trẻ lầm lỡ của mình: “Tôi từng là một đứa trẻ rất ngoan hiền. Nếu không dính vào ma túy, tôi đã có thể mua được nhà lầu, xe hơi”.
|
Nhờ được vay vốn theo Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg, gia đình anh H. đã mở được đại lý vé số ở quận 12, tạo công ăn việc làm cho khoảng 40 người có hoàn cảnh khó khăn |
Năm 1993, gia đình làm ăn khá giả, lo cho anh từ quận Bình Thạnh sang học trong một ngôi trường có tiếng ở quận 1. Trong môi trường toàn “con nhà giàu”, V. bắt đầu chạy theo lối sống công tử, thích khoe mẽ sự giàu có của gia đình. Những năm đó, một số thiếu niên con nhà khá giả thường “chơi” ma túy như một trào lưu.
“Ngay cạnh nhà tôi là một cái chợ ma túy. Người ta bán ma túy như bán tôm bán cá” - V. kể và cho rằng, chính môi trường sống không tốt đã biến anh từ một đứa trẻ ngoan hiền thành hư hỏng. Anh bắt đầu tập tành “chơi” heroin để thể hiện “đẳng cấp” với chúng bạn. Những cuộc chơi bời và những cơn say chất trắng khiến V. không thể tập trung học tập. V. bỏ học ngay từ năm lớp Sáu.
Bấy giờ, V. chưa đủ lớn để hiểu về hậu quả của những việc mình làm. “Tôi đâu nghĩ rằng có ngày, mình sẽ trở thành một người trộm cắp, giựt dọc. Bao nhiêu tiền bạc, vòng vàng của cha mẹ, cứ hở ra là tôi lén lấy, mang đi bán để có tiền mua ma túy. Thậm chí, những ngày không tìm đâu ra tiền để chơi, tôi giật túi xách, đồng hồ, ăn cắp đồ ở siêu thị” - anh kể và gọi đó là những chuỗi ngày “vô cùng nhục nhã”.
Sau lần đi cai đầu tiên tại Trường Giáo dục đào tạo và giải quyết việc làm số 3 (Trường 3), quận Bình Thạnh về, anh bắt đầu nhận thức được hậu quả của sự nghiện ngập là không lường được, người nghiện không có tương lai, thậm chí ở tù. Nhưng suy nghĩ đó chỉ đến trong những khoảnh khắc hối hận khi đã “no” thuốc. Còn trong cơn đói thuốc vật vã, anh bất chấp tất cả.
Năm 2003, để tách hẳn V. khỏi môi trường sống không tốt, gia đình đã đưa anh sang Malaysia theo dạng hợp tác lao động. Xa gia đình, ở một đất nước hoàn toàn xa lạ, V. chú tâm làm ăn. Nhờ chịu học hỏi, đi đây đi đó nên anh có thể giao tiếp cả ba thứ tiếng Hoa, Mã Lai, Anh.
Khi công việc in mực túi bóng ổn định và thu nhập khá, V. bắt đầu kết nối với những người đồng hương và tái nghiện ở Malaysia. Một ngày, anh đang làm việc thì người ta đến gọi tên và đưa lên xe chở ra sân bay, đuổi thẳng về nước.
Trở về nước, V. được cho đi học lái xe, rồi xin việc ở một công ty điện âm. “Nhờ tiếp xúc những con người chăm chỉ làm việc, cuối ngày có những cách giải trí lành mạnh, tôi quên hẳn ma túy mà không cần bất cứ sự can thiệp nào” - anh kể.
Đó là khoảng thời gian thật sự hạnh phúc khi anh “nên người” trong mắt người thân, bạn bè, xã hội. Có công ăn việc làm, anh chú tâm làm việc rồi lập gia đình, sinh con. Từ hai bàn tay trắng, anh làm dư tiền, sắm sửa đầy đủ cho gia đình.
Nhưng V. ví von, cuộc đời anh như một tấm gương vỡ, dù cố gắng chắp vá, dán lại những vết nứt chằng chịt để tấm gương trông thật bình thường nhưng chỉ cần một tác động nhẹ, những vết nứt sẵn có lại dễ dàng vỡ ra. Năm 2010, những lục đục, mâu thuẫn gia đình lại xui anh tìm đến ma túy.
Năm 2012, V. lại đi cai nghiện hai năm. Từ năm 2014, anh hồi gia và cố gắng tái hòa nhập cộng đồng. Quyết tâm phải bỏ ma túy, anh đã tìm đến sự hỗ trợ của địa phương. Được sự tư vấn, hướng dẫn của đội công tác xã hội tình nguyện, anh điều trị nghiện bằng thuốc thay thế methadone. Từ đó đến nay đã bảy năm, V. không còn tái nghiện.
Rời trường trại với hai bàn tay trắng, V. được cán bộ ở UBND phường 1, quận Bình Thạnh hướng dẫn làm thủ tục vay vốn kinh doanh theo Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg.
Với số vốn vay được, anh V. sắm thêm thiết bị để cùng gia đình làm pate gan tại nhà. Ngoài công việc truyền thống của gia đình, nhờ vốn liếng ngoại ngữ có được trong thời gian lao động ở Malaysia, V. đã đi học nghề và làm tài xế chở khách nước ngoài đi tham quan, du lịch.
Khi dịch COVID-19 bùng phát, công việc bị đình trệ, anh V. gặp nhiều khó khăn trong vai trò trụ cột kinh tế gia đình. “Nếu như trước đây thì chắc có chuyện nữa rồi” - anh nói, như để khẳng định anh bây giờ đã khác ngày xưa rất nhiều. Là cha của ba đứa con, anh không để những chán nản, bi quan lấn át. Anh nỗ lực kiếm việc làm thay thế trong thời gian chờ đợi sự hồi phục của ngành du lịch để tiếp tục công việc mà mình yêu thích.
TPHCM cho vay hơn 1,2 tỷ đồng theo Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg
Theo báo cáo của UBND TPHCM, tính đến hết năm 2020, Ngân hàng Chính sách xã hội - chi nhánh TPHCM đã cho vay hơn 1,2 tỷ đồng theo Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg, đã thu nợ 875 triệu đồng, dư nợ hơn 290 triệu đồng.
Tại TPHCM, hầu hết người vay đều thực hiện tốt nghĩa vụ của mình, chưa có trường hợp nợ quá hạn. Người vay vốn ở TPHCM chủ yếu mở cửa hàng tạp hóa, sắm phương tiện, thiết bị kinh doanh nhỏ, chạy xe ôm, mở tiệm cắt tóc, chăn nuôi.
|
“Trước đây, ai thấy nó cũng sợ, ngán ngẩm” là câu mà người dân ở phường 4, quận 4 kể về P.H. Nhưng đó là H. của những năm 1990. Còn bây giờ, H. là ông chủ của một gia đình nhỏ, chủ một đại lý vé số ở quận 12, TPHCM.
Năm 1995, H. mới 14 tuổi nhưng đã sành sỏi các “món” ăn chơi. “Ban đầu chỉ là các tiền chất như bồ đà, cần sa, sau tôi chuyển sang chơi heroin. Đó là chuỗi ngày ám ảnh” - anh H. kể về một thời lầm lỗi của mình.
Năm 1999, anh H. được gia đình đưa đi cai nghiện ở Trung tâm Cai nghiện Bình Triệu (quận Bình Thạnh). Nhưng, chỉ sau 130 ngày, H. vẫn trở về với ma túy.
Một năm sau đó, anh được đưa đi cai nghiện bắt buộc ở Trung tâm Cai nghiện Phú Văn (tỉnh Bình Phước). Theo anh, đây là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời bởi ở đây, anh được hỗ trợ rất nhiều để có động lực từ bỏ ma túy.
Gần 10 năm sau, anh H. trở về nhà với hai bàn tay trắng. Quyết tâm làm lại từ đầu nhưng anh cũng chẳng biết bắt đầu từ đâu.
“Tôi được các cô, chú ở địa phương động viên và giúp đỡ nguồn vốn để làm ăn. Từ đó, cuộc đời tôi như bước sang trang mới” - anh H. kể về một dấu mốc lớn của cuộc đời.
Sau thời gian sinh hoạt ở các điểm tư vấn cộng đồng của quận 4, anh H. được giới thiệu vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội theo Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg. Có vốn, anh mở đại lý vé số ở quận 12 để kinh doanh. Sau hai vòng vay, anh đã hoàn được vốn. Hiện nay, đại lý vé số của anh đã tạo công ăn, việc làm cho khoảng 40 người có hoàn cảnh khó khăn.
Không chỉ từ bỏ ma túy, anh còn thường xuyên tham gia các hoạt động tình nguyện của địa phương, chia sẻ câu chuyện của mình để những người cùng cảnh ngộ có động lực từ bỏ ma túy, cố gắng làm lại cuộc đời.
“Tôi may mắn được gia đình luôn động viên, chính quyền địa phương tạo điều kiện vay vốn để làm ăn. Tôi mong muốn quỹ tín dụng sẽ đến được với nhiều người có hoàn cảnh giống như tôi” - anh H. tâm sự.
“Cầu nối” cho những mảnh đời lạc lối
Cứ đúng vào mùng 10 hằng tháng, cô Võ Thị Tiền - 72 tuổi, Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn phường 4, quận 4 - lại đến nhà từng thành viên trong tổ để thu tiền lãi vay theo định kỳ. Tháng Ba vừa qua, khi dịch COVID-19 tạm lắng, công việc làm ăn của mọi người trở lại bình thường nên ai cũng đóng tiền lãi vay đúng hạn.
“Lẽ ra, mình có thể ngồi một chỗ để mọi người đến đóng tiền vay. Nhưng tôi muốn đến tận nhà để tìm hiểu tình hình kinh tế, nghe các thành viên chia sẻ về công việc của mình” - cô Tiền nói.
Cô Tiền vừa là Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường 4, Trưởng ban Điều hành khu phố 1, vừa kiêm Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn phường 4 hơn 10 năm nay. Ngoài đối tượng vay là những người khó khăn, bảy năm qua, cô Tiền còn kết nối, hỗ trợ vay vốn làm ăn cho người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người bán dâm hoàn lương theo Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg.
Dù đã cao tuổi, cô Tiền vẫn luôn có mặt trong các buổi sinh hoạt tại các điểm tư vấn cộng đồng. Ở đây, cô luôn chăm chú nghe giới thiệu về các mô hình kinh doanh phù hợp với những người sau cai nghiện. Cô Tiền tiếp cận những trường hợp tâm huyết, cần vốn làm ăn để giới thiệu họ tiếp cận gói vay phù hợp theo chính sách.
Đến nay, tổ tiết kiệm và vay vốn của cô Tiền đã có 39 thành viên với tổng dư nợ gần 1 tỷ đồng. Cô Tiền chia sẻ: “Những người có hoàn cảnh khó khăn, người sau cai nghiện thường hay mặc cảm. Khi tiếp cận, tư vấn cho họ, mình phải rất khéo léo, coi họ như người thân, mới trải lòng với nhau được”.
Cầm bản danh sách ghi rõ hoàn cảnh của từng thành viên trong tổ vay, cô Tiền cho biết, cùng với việc cho vay, tổ thường xuyên theo dõi việc sử dụng vốn vay của thành viên để hướng đúng mục đích. Có nhiều trường hợp thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay.
Cô Nguyễn Thị Ngọc Ánh - thành viên của Đội Công tác xã hội thuộc UBND phường 1, quận Bình Thạnh - nhiều năm qua cũng kết nối, giúp đỡ nhiều mảnh đời khó khăn, lầm lạc. Là Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn khu phố 2, cô Ánh đã hướng dẫn anh V. tiếp cận nguồn vốn vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, đồng thời thường xuyên tới lui, động viên anh V. từ bỏ ma túy, chí thú làm ăn.
Còn lắm gian nan
Qua nhiều năm gắn bó với công tác cho vay vốn, cô Tiền nhận xét, một trong những thuận lợi là người sau cai thường xuyên tham gia các buổi họp của đội công tác xã hội tình nguyện của phường.
Tại các buổi họp này, người làm công tác cho vay sẽ nắm được hoàn cảnh, tâm tư nguyện vọng của từng người nhằm có hướng giúp đỡ cụ thể, như giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề, giới thiệu vay vốn để phát triển kinh tế… Một trong những khó khăn là mức cho vay hiện nay chỉ tối đa 20 triệu đồng/người và 30 triệu đồng/hộ. Số tiền này chưa đủ để triển khai phương án sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.
|
Cô Tiền - Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn phường 4, quận 4 |
“Nếu được, tôi mong các cơ quan chức năng nghiên cứu tăng mức cho vay. 20 triệu đồng chỉ phù hợp với bảy năm về trước, còn so với bây giờ là hơi thấp, khó mua đủ trang thiết bị sản xuất” - cô Tiền đề xuất.
Luật sư Nguyễn Tri Đức (Đoàn luật sư TPHCM) cho biết, Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (về tín dụng đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương) là một quyết định có tính xã hội cao và tính nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm của chính quyền đối với những mảnh đời từng lầm lỗi, sa ngã, giúp những người này tự tin vượt qua mặc cảm, vươn lên trong cuộc sống.
“Tuy nhiên, tôi có băn khoăn về thủ tục vay vốn đối với trường hợp người bán dâm hoàn lương và người nhiễm HIV”. Luật sư Đức giải thích, khi có nhu cầu vay vốn theo quyết định trên, người bán dâm phải làm đơn, trong đơn phải được chính quyền địa phương xác nhận về việc không còn bán dâm nữa. Điều này sẽ là rào cản rất lớn về tâm lý đối với người bán dâm hoàn lương.
Tương tự, để được vay vốn, người nhiễm HIV phải được cơ quan thẩm quyền xét nghiệm HIV và phải có phiếu trả lời kết quả “dương tính với HIV”. Do đó, họ thường lựa chọn từ bỏ nhu cầu, nguyện vọng tham gia chương trình vay vốn vì sợ bị lộ thông tin bệnh tật dẫn đến bị kỳ thị, xa lánh.
Theo luật sư Đức, các cơ quan chức năng nên nghiên cứu, sửa đổi quy định trên theo hướng nhân văn hơn nhằm tạo điều kiện cho các đối tượng tiếp cận nguồn vốn vay dễ dàng hơn.
Còn theo báo cáo của UBND TPHCM, việc triển khai thực hiện Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg gặp phải một số khó khăn, như khả năng thu hồi vốn khó do đối tượng vay thường có sức khỏe yếu, không có thói quen lên kế hoạch, phương án sản xuất cũng như cách quản lý, trả lãi theo quy định; do đó, việc bình xét cho vay vốn cũng dè dặt.
Đối với người nghiện ma túy, để được vay vốn, cá nhân phải được hộ gia đình bảo lãnh để vay theo diện hộ gia đình. Trên thực tế, đa phần các gia đình không đứng ra bảo lãnh cho người nghiện vay.
Kiến nghị nâng mức cho vay, đơn giản hóa thủ tục vay
Trong báo cáo kết quả sau bảy năm thực hiện Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg, UBND TPHCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh, sửa đổi tiết 3, điểm a, khoản 1, điều 3 của quyết định trên theo hướng bãi bỏ quy định “xác nhận không còn bán dâm của Chủ tịch UBND cấp xã hoặc người đứng đầu một trong các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương”;
Đề nghị xem xét, sửa đổi khoản 1, điều 2 theo hướng bổ sung đối tượng vay là cá nhân người nghiện ma túy đã hoàn thành thời gian cai nghiện từ 5 năm trở lên mà không tái nghiện; kiến nghị nâng mức vay tối đa bằng mức vay đối với hộ nghèo; cho phép các đối tượng vay vốn của chương trình này vẫn được vay vốn tín dụng ưu đãi khác tại Ngân hàng Chính sách xã hội nếu mục đích sử dụng vốn vay khác nhau.
|
Sơn Vinh - Thu Lê