Đường vào "địa ngục"

14/02/2017 - 07:11

PNO - Cảnh sát Trung Quốc (TQ) giải cứu thành công 32 phụ nữ Việt Nam (VN) bị bán sang nước này, bắt 75 đối tượng buôn bán phụ nữ bằng thủ đoạn như rủ đi du lịch, làm người giúp việc...

Cảnh sát Trung Quốc (TQ) giải cứu thành công 32 phụ nữ Việt Nam (VN) bị bán sang nước này, bắt 75 đối tượng buôn bán phụ nữ bằng thủ đoạn như rủ đi du lịch, làm người giúp việc...

Cuộc ngã giá

Cánh sát TQ đã chú ý đến một trường hợp trong đường dây này từ tháng 9/2015, khi phát hiện một phụ nữ không biết nói tiếng Trung được “mua” từ VN với giá 80.000 nhân dân tệ (khoảng 11.600 USD).

Lần theo dấu vết, họ xác định nhóm buôn người thường tập trung các nạn nhân ở khu vực miền núi tỉnh Vân Nam, ngay sát biên giới VN, trước khi chuyển đi bán ở sáu tỉnh miền Trung và Đông TQ. Một nạn nhân trong số này kể, bất kỳ ai manh nha bỏ trốn là bị hai gã đàn ông đánh nhừ tử bằng những cây gậy thép bản lớn.

Duong vao
Những cô dâu Myanmar ở bên kia biên giới, trở thành vợ của đàn ông Trung Quốc. Ảnh: Pulitzer Center

Tháng 6/2016, hai nạn nhân 29 và 31 tuổi người Myanmar đã may mắn thoát khỏi đường dây mua bán cô dâu sang TQ. “Tú bà” Ma Cherry Myint là người đã hứa hẹn lo cho họ “đổi đời” bằng việc làm công nhân với mức lương hấp dẫn.

Sau đó, cả hai được giao cho một người ở thị trấn Hlaingthaya (Yangon, Myanmar). Người này hứa hẹn lương tháng của mỗi người sẽ là hơn 350 USD khi làm việc ở một nhà máy sản xuất nước ngọt. 

Ma cùng mẹ mình là bà Daw San San Win đã đưa hai nạn nhân trên đi trong đêm tối, đến gặp một người TQ, rồi nói họ phải tách ra để đến nhà máy. Hai nạn nhân cảm thấy chuyện chẳng lành nên nhất quyết không rời nhau, hoặc họ cùng đến nhà máy, hoặc không nhận công việc đó nữa.

Bọn buôn người lập tức trở mặt, đánh đập họ dã man. Một tuần sau, họ bị đưa đến hai nơi khác nhau ở thành phố Côn Minh để gặp hai người đàn ông và được cho biết sẽ làm vợ hai gã này.

Vài tháng sau, cả hai “vượt ngục” thành công, tìm được đường về Yangon, sống nhờ một trung tâm hỗ trợ phụ nữ. Họ đã dũng cảm đứng ra tố cáo mẹ con Ma Cherry Myint và hai “mẹ mìn” này đang đối diện với án tù 10 năm.

Do chính sách một con, nhiều thập niên qua TQ đã phát triển dân số “lệch pha”, dẫn đến nam nhiều nữ ít; trung bình 120 nam thì chỉ có 100 nữ và đến năm 2020, về lý thuyết, khoảng 24 triệu đàn ông sẽ không kiếm được vợ.

Duong vao
Một phụ nữ Campuchia cam chịu cuộc sống làm vợ tại Trung Quốc. - Ảnh: Yan Cong

Từ đó, đã hình thành những đường dây buôn bán cô dâu ngoại từ các quốc gia lân cận. Phần lớn nạn nhân đến từ những khu vực xa xôi, hẻo lánh, ít được tiếp cận với thông tin hoặc gia đình quá nghèo, xem việc bán thân như đánh cược số phận để… đổi đời.

Phần lớn những cô dâu nước ngoài bị bán đến TQ là người Campuchia, Myanmar, Việt Nam…

Yi Heliang (một nông dân TQ) mua được cô vợ người Myanmar vào sáu năm trước, đã thản nhiên kể với tờ Irrawaddy: “Vợ Myanmar rẻ lắm nên nông dân như chúng tôi thích mua họ”.

Với những người đàn ông này, vợ chỉ là công cụ và chưa bao giờ họ mua vợ dễ như lúc này, chỉ cần lướt web là có vô số dịch vụ cung cấp. Trang “Burmese Bride Matching” (Tìm cô dâu Myanmar phù hợp) là một trong số đó. Trang này tự hào mình là cứu tinh cho nam giới chưa vợ ở TQ.

Chỉ 800 USD, những anh nông dân sẽ sở hữu một cô vợ biết nghe lời, biết phục vụ mà không dám kháng cự vì đã bị những con buôn “huấn luyện” phải chịu đựng và im lặng. Trong khi đó, để có vợ là người bản xứ, những người nông dân này phải chi gấp mấy lần khoản tiền trên.

“Burmese Bride Matching” không phải là trang duy nhất. Những trang web tương tự kết nối với một trang có tên sặc mùi kinh doanh “Product Display” (Trưng bày sản phẩm), cho phép khách hàng tìm kiếm, lựa chọn một cô gái hợp nhãn. Một kẻ lọc lõi trong đường dây mua bán cô dâu trơ trẽn khuyến cáo: “Cô dâu Myanmar rẻ, xinh, dễ tìm hơn cô dâu TQ nhiều. Tội gì phải lấy vợ mắc tiền mà chẳng hành hạ được!”.

Một số trang web còn yêu cầu khách hàng phải là người độc thân, chân thành, tốt tính, không mê cờ bạc… Thế nhưng, đó chỉ là vỏ bọc để những con buôn nâng giá “sản phẩm”.

Cô Moon Nay Li, chuyên viên xã hội học từng dành nhiều năm nghiên cứu về tình trạng buôn bán cô dâu Myanmar ở bang Kachin cho biết: “Một khi những cô gái Myanmar trở thành vợ người TQ, họ bị buộc phải sinh con ngay. Không ai đoán được số phận của họ sẽ thế nào.

Có thể họ phải nai lưng làm việc cho nhà chồng, bị biến thành nô lệ tình dục không chỉ cho chồng mà nhiều trường hợp còn bị “sang tay” cho những chủ nhà chứa”.

Ở tỉnh Vân Nam, “điểm nóng” của nạn buôn bán cô dâu tập trung phần lớn các cô gái trẻ có tuổi trung bình 14-20. Thỉnh thoảng lại có trường hợp cô dâu chỉ là những bé gái 10-11 tuổi hoặc phụ nữ trên 50 tuổi.

Hố sâu địa ngục

Campuchia cũng là “nguồn” cung cấp những cô gái trẻ làm dâu TQ. Trong sáu tháng đầu năm 2016, 31 cô dâu Campuchia đã được nhà chức trách TQ giải thoát thành công và cho hồi hương.

Năm 2015, con số này là hơn 80 người. Họ ra đi với nhiều dự định, ước mơ nhưng ngày về đầy ê chề, tủi nhục. Chenda (21 tuổi) được người quản lý công ty may mặc cô đang làm đưa cho 2.000 USD, cô nghĩ đó là tiền vé máy bay họ cho cô sang TQ làm ở công xưởng liên kết; nhưng thật ra, cô được đưa đến Thượng Hải để gả cho một ông già ngoài 80 tuổi. Làng Chenda đang sống có khoảng 10 phụ nữ gặp cảnh tương tự. 

Campuchia chưa có quy định rõ ràng trong việc cho phép người môi giới tiếp cận phụ nữ. Những hoạt động dưới dạng hội chợ triển lãm du lịch mà lẫn vào đó là thông tin giới thiệu cơ hội kết hôn với đàn ông TQ khá phổ biến, khiến không ít cô gái trẻ bị hoa mắt.

“Tú bà” không bị lên án mà còn được xem là ân nhân của các cô gái đang tìm một cơ hội làm việc ở nước ngoài, lấy chồng ngoại quốc, nên việc ngăn chặn tội phạm càng khó khăn hơn.

Duong vao
Phany ôm nỗi tủi nhục tiếp tục trở về quê nhà. - Ảnh: Charlotte Pert

Phany (29 tuổi) là một trong những nạn nhân trở về từ TQ trong ê chề. Như bao cô gái trẻ khác, Phany tưởng tương lai đang rộng mở khi cô được tuyển vào làm việc cho một công ty may mặc ở TQ với mức lương hấp dẫn. Cô không biết mình đã thành “con mồi” của một đường dây buôn bán cô dâu sang TQ.

Ngay khi đặt chân đến xứ người, Phany cùng chị gái được sắp xếp gặp một người đàn ông Campuchia, là kẻ trực tiếp bán cả hai cho những người đàn ông TQ mua về làm vợ. Vài ngày sau, Phany nhận tiền mặt từ một người đàn ông lạ và người đó dẫn cô đi.

Sau đó là vòng xoáy đắng cay của bạo hành thể xác, tinh thần và xâm hại tình dục mà người xưng là chồng đã dày vò Phany trước sự chứng kiến của mẹ hắn. Người đàn ông đó không nói được và bất cứ khi nào Phany hiểu lầm các dấu hiệu của hắn là lập tức cô bị đánh đập.

Gia đình hắn xem Phany như nô lệ, buộc cô hầu hạ mọi nhu cầu của tất cả các thành viên trong nhà. Đã ba lần Phany tìm cách bỏ trốn nhưng đều bị phát hiện, đánh cho chết đi sống lại. Sau đó, may mắn cô được buông tha.

Khi tìm về đến nhà, Phany không ngờ mình đã phải đón nhận những ánh mắt ghẻ lạnh từ hàng xóm. Họ tránh xa, dè bỉu cô, trong khi cô còn đang chịu đựng nỗi đau thể xác và tinh thần không gì có thể bù đắp.

Một trường hợp khác là Nary (22 tuổi), bị bán làm vợ cho một người đàn ông TQ bốn năm trước. Nary biết mình sẽ lấy chồng xứ người, nhưng không thể hình dung nổi cái địa ngục cô phải trải qua.

Cô không chỉ “làm vợ” cho chồng mà còn “phục vụ” cả bố chồng và những người thân của chồng. Họ dày vò thể xác Nary bất cứ khi nào có nhu cầu. Khi trốn được về quê, Nary giấu biệt sự thật hãi hùng đó, vì biết nói ra cũng chẳng ích gì, lại còn bị khinh khi, miệt thị.

Duong vao
Hai cô dâu Campuchia bị gạt bán sang làm vợ Trung Quốc ngậm ngùi trong ngày trở về. - Ảnh: Cambodia Daily

Nary là cái tên giả vì cô gái này không muốn công khai thân phận. Bà Chhan Sokunthea, người đứng đầu Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em Adhoc ở Campuchia cho biết, chính quyền nước này còn thiếu những biện pháp hỗ trợ phụ nữ trở về sau khi bị mua bán.

Phần lớn nạn nhân được Adhoc hỗ trợ cho biết, họ không muốn thưa kiện vì sợ “nổi tiếng” bất đắc dĩ, trong khi hệ thống tư pháp Campuchia chưa thể bảo vệ quyền lợi cho họ.

Duong vao
Một “tú bà” người Campuchia xấu hổ che mặt khi bị báo chí tiếp cận. - Ảnh: Pha Lina

Vấn nạn buôn người ở TQ được ví như ung nhọt trong lòng xã hội, dù chính quyền đã áp dụng án tử hình nhưng các con buôn cũng không ngán ngại, vì chúng dễ dàng móc nối với những kẻ tán tậm lương tâm ở nơi “cung cấp” cô dâu.

Luật pháp và công lý đã không có mặt kịp lúc nên chính các cô gái trẻ ấy là người định đoạt số phận của mình. Họ phải cân nhắc thận trọng trước khi gật đầu đồng ý với một “hợp đồng” xuyên quốc gia mà may rủi chỉ cách nhau trong gang tấc.

 Thiên Như (Theo Myanmar Times, China Daily, Irrawaddy, Phnompenh Post, Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI