PNO - Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đã chính thức đề xuất UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xét đặc cách công nhận tốt nghiệp THPT cho hơn 3.200 thí sinh đủ điều kiện dự thi đợt 2. Với những thí sinh này, việc xét công nhận tốt nghiệp không phải lo nhưng đường vào đại học dự báo sẽ khó khăn.
Hiện nay, TP.HCM có 3.234 thí sinh đủ điều kiện đăng ký thi tốt nghiệp THPT đợt 2. Tuy nhiên, thành phố đã thực hiện Chỉ thị 16 từ ngày 9/7. Tình hình dịch bệnh đến thời điểm thi đợt 2 có thể còn diễn biến phức tạp, thời gian kết thúc Chỉ thị 16 cận kề ngày thi.
Do vậy, theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP.HCM, việc tổ chức thi đợt 2 bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, đáp ứng yêu cầu nghiêm túc, khách quan, công bằng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh và tạo sự an tâm cho phụ huynh, thí sinh khó có thể thực hiện. Để đảm bảo quyền lợi của các thí sinh không thể dự thi đợt 2, sở đã đề xuất UBND TP.HCM kiến nghị Bộ GD-ĐT xét đặc cách tốt nghiệp THPT cho các thí sinh đủ điều kiện dự thi đợt 2.
Theo ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, khoản 1, 2, điều 37 Thông tư số 11 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về ban hành quy chế tuyển sinh THCS và THPT có quy định về việc xét đặc cách cho trường hợp đặc biệt gồm: “trường hợp bị tai nạn, bị ốm hoặc có việc đột xuất đặc biệt trước ngày thi không quá 10 ngày hoặc ngay trong buổi thi đầu tiên, không thể dự thi”; “trường hợp bị tai nạn, bị ốm hay có việc đột xuất đặc biệt sau khi đã thi ít nhất một bài thi và không thể tiếp tục dự thi hoặc sau khi bị tai nạn, bị ốm hay có việc đột xuất đặc biệt tự nguyện dự thi số bài thi còn lại”. Do vậy, các trường hợp thi đợt 2 có thể xem xét theo điều kiện có việc đột xuất đặc biệt để xem xét đặc cách cho các thí sinh chưa dự thi hoặc không thể hoàn thành thi đợt 1 và có đăng ký thi đợt 2.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT đợt 1 năm 2021 tại TP.HCM - ẢNH: PHÚC TRẦN
Đây được xem là đề xuất phù hợp với tình hình thực tế khi mà diễn biến dịch bệnh phức tạp và TP.HCM đã tổ chức thi đợt 1 cho 96% thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT 2021.
“Việc TP.HCM đề xuất xét đặc cách thí sinh đợt 2 là một việc làm nhân văn và đúng luật. Chúng ta cũng không nên so bì công bằng hay không giữa hai đợt, đây là giải pháp tình thế của cuộc chiến COVID-19. Đợt 1, thí sinh có lợi thế hơn là dùng điểm thi để xét vào đại học (ĐH) nhưng cũng sẽ có thí sinh không đạt kết quả tốt. Đợt 2, thí sinh được đặc cách tốt nghiệp và phải vào ĐH bằng các phương án khác. Chúng ta phải chấp nhận một giải pháp chưa hoàn hảo trong điều kiện đặc biệt”, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, nói.
Khó nhưng sẽ tính toán cho thí sinh
Vấn đề của thí sinh không thể tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT không phải lo chuyện xét tốt nghiệp, cái khó sau đó là lấy điểm nào để xét vào ĐH. Bởi, xét điểm thi tốt nghiệp THPT là phương thức chính để vào các trường ĐH. Theo thống kê của Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT, có đến 55% chỉ tiêu được xét bằng phương thức này, tất cả phương thức còn lại chỉ chiếm khoảng 45% tổng chỉ tiêu của các trường. Nhất là những ĐH “top đầu” thường dành rất ít, thậm chí không có chỉ tiêu xét tuyển học bạ.
Thạc sĩ Trần Nam, Trưởng phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết, trường sẽ xét tuyển ĐH sau khi kết thúc hai đợt thi tốt nghiệp THPT. Đối với thí sinh đặc cách công nhận tốt nghiệp hiện vẫn chưa có phương án cụ thể vì đề án tuyển sinh của trường không có phương thức xét điểm học bạ.
Còn thạc sĩ Nguyễn Hải Trường An, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho hay, phòng Đào tạo của trường đang xem xét tìm phương án cho các thí sinh đặc cách tốt nghiệp. Hiện, với phương thức 2 là ưu tiên xét tuyển cũng có ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào; phương thức 3 xét thi tốt nghiệp THPT; phương thức 4 xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM cũng đang xem xét có thi đợt 2 hay không…
Khi đề xuất không tổ chức thi đợt 2 và xét đặc cách tốt nghiệp cho hơn 3.200 thí sinh, Sở GD-ĐT cũng đề xuất UBND đề xuất với Bộ GD-ĐT yêu cầu ĐH Quốc gia TP.HCM và các trường ĐH, các trường có tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non triển khai bổ sung kỳ thi đánh giá năng lực; sử dụng đồng thời nhiều phương thức tuyển sinh khác để xét tuyển đối với các thí sinh được xét đặc cách.
Trong điều kiện diễn biến dịch bệnh phức tạp, Sở GD-ĐT TPHCM để xuất xét đặc cách cho hơn 3.200 thí sinh đủ điều kiện dự thi đợt 2 - Ảnh: Tam Nguyên
Hầu hết những trường có thương hiệu đều đặt ra ngưỡng đầu vào khá cao ở mỗi phương thức xét tuyển nên với thí sinh không có điểm thi tốt nghiệp THPT cũng là một hạn chế có thể mang đến sự thiệt thòi. Tuy nhiên, chỉ cần có quyết định chính thức và hướng dẫn từ Bộ GD-ĐT, các trường sẽ tính toán phương án để tạo điều kiện tối đa cho thí sinh.
Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, khẳng định: “Về thí sinh được đặc cách, trường hiện chưa có danh sách cụ thể. Nhưng, chỉ cần những thí sinh này muốn xét tuyển vào, trường sẽ tạo điều kiện để thí sinh bổ sung hồ sơ xét tuyển bằng các phương thức khác không sử dụng kết quả thi THPT”.
Chấp nhận giải pháp tương đương
Việc không có điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ hạn chế bớt một cổng vào ĐH, nếu có các kỳ thi, phương thức tương đương thay thế sẽ đỡ thiệt thòi cho thí sinh. Tính đến thời điểm này, Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) đã hủy kỳ thi đánh giá năng lực do dịch bệnh. Hiện chỉ còn lại kỳ thi đánh giá năng lực đợt 2 của ĐH Quốc gia TP.HCM và kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt 2021 của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM chưa tổ chức. Tuy nhiên, với tình hình này, việc có tổ chức được hay không vẫn chưa thể có câu trả lời chắc chắn. Bản thân hai kỳ thi này cũng nhiều lần phải lùi thời gian do dịch.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết, kỳ thi đánh giá năng lực đợt 2 sẽ tổ chức khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, đảm bảo tốt an toàn cho người thi và lực lượng liên quan, vì vậy chưa thể chốt thời gian chính thức. Hiện, các công đoạn chuẩn bị đã sẵn sàng, khi điều kiện phù hợp sẽ tổ chức.
Hầu hết các ngành của Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM đều xét tuyển theo tổ hợp bao gồm môn văn hóa lấy điểm từ kỳ thi tốt nghiệp THPT và điểm thi môn năng khiếu. Vì vậy, căn cứ vào đề án tuyển sinh đã công bố, trường vẫn chưa có phương thức chính thức đối với thí sinh không tham dự kỳ thi. Tuy nhiên, tiến sĩ Trần Văn Phúc, Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng của trường, cho rằng: để giải quyết cho các thí sinh không quá khó, có thể tìm cách tính điểm tương đương hoặc đưa ra phương thức khác. Với tình huống chưa có tiền lệ, Bộ GD-ĐT cần có hướng dẫn cụ thể, ngồi lại với các trường tìm cách để xét tuyển theo hướng đảm bảo quyền lợi thí sinh.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính khẳng định: đề xuất xét đặc cách tốt nghiệp cho thí sinh thi đợt 2 là hợp lý, nếu có thể nên xét cho thí sinh trên cả nước vì số lượng này không nhiều. Những thí sinh muốn vào các trường ĐH không có các phương thức xét tuyển khác thì vẫn có cách. Bộ, sở và các trường bàn bạc tìm giải pháp theo từng tiêu chí ưu tiên. Hoàn cảnh này sẽ không có giải pháp hoàn hảo, chỉ cần dung hòa quyền lợi, nguyện vọng của thí sinh và gần nhất với yêu cầu tuyển sinh của trường ĐH. Với con số khoảng 26.000 thí sinh và đã biết nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào trường nào thì không khó để đưa ra giải pháp.
“Có một phương án có thể xem xét đó là tính điểm tương đương cho các thí sinh không thi bằng thuật toán. Dựa vào kết quả thi của thí sinh đợt 1 và kết quả học tập của những thí sinh đợt 2 để tìm ra điểm tương quan. Sau đó, bằng thuật toán, có thể tính toán ra điểm số tương đương cho những thí sinh này. Các thí sinh có thể dùng điểm này để ghi vào hồ sơ khi du học hoặc xét tuyển vào ĐH. Phương thức này an toàn, song tính chính xác cần nghiên cứu kỹ, nếu mức độ sai số có thể chấp nhận được thì nên xem xét sử dụng”, tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính đề xuất.
Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết: với những địa phương không thể tổ chức thi đợt 2 vì lý do bất khả kháng có thể đề xuất để bộ có phương án hỗ trợ thí sinh. Có thể theo phương án xét đặc cách cho thí sinh và có phương thức hỗ trợ xét tuyển vào ĐH một cách phù hợp.
Hiện bộ đang tập hợp đề xuất, kiến nghị của các địa phương để có trả lời chính thức. Bộ cũng đã làm việc với ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP.HCM để chuẩn bị phương án dự phòng liên quan đến phương án xét tuyển ĐH. Trong trường hợp cần thiết có thể huy động hai ĐH quốc gia tham gia hỗ trợ công tác xét tuyển cho những thí sinh xét đặc cách tốt nghiệp.