PNO - COVID-19 như một “kịch bản” phủ định mọi kế hoạch, dự định, trong đó có cả kế hoạch học tập. Chưa khi nào, dòng chảy ngược du học sinh về nước tìm kiếm cơ hội học tập nhiều như lúc này. Và, cán cân chọn ngành nghề trong nước cũng biến đổi không kém.
Nếu không có dịch bệnh, thời điểm này, học sinh (HS) hoàn thành THPT chuẩn bị khăn gói du học rất đông. Năm nay, tất cả đều “án binh” chờ đợi. Các chuyên gia giáo dục dự đoán, đến cuối năm nay, các trường đại học (ĐH) ở các nước Âu Mỹ - địa bàn lớn nhất của du HS Việt Nam - vẫn chưa thể mở cửa trở lại.
Học sinh lớp 12 tìm hiểu thông tin về ngành học, phương thức tuyển sinh năm 2020 của các trường đại học - Ảnh: Đại Minh
Phó giáo sư - tiến sĩ Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, nhận định: các “cường quốc giáo dục” Mỹ, Anh, Úc, New Zealand đang chịu tác động lớn nhất. Gần hơn là các thị trường du học ở châu Á như Hồng Kông, Hàn Quốc, Nhật, Singapore… cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Du HS Việt Nam đang gặp khó khăn nếu chưa thể về nước, vì trường đóng cửa, nhiều ký túc xá cũng không cho ở. Những du HS đã về nước thì không thể tiếp tục chờ, bởi không biết phải chờ đến bao giờ. Các bạn đang cần tìm chỗ học trong nước để không bị gián đoạn. Điều này làm cho nguồn tuyển trong nước tăng hơn so với mọi năm.
Theo tính toán của thạc sĩ Phùng Quán, Trưởng phòng Thông tin Truyền thông Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), mỗi năm, cả nước có khoảng 900.000 đến 1 triệu HS lớp 12, trong khi đó chỉ tiêu vào các trường ĐH hơn 400.000. Số còn lại sẽ du học, học cao đẳng, trung cấp hoặc đi làm. Theo thống kê, hằng năm có hơn 100.000 HS du học. Năm 2020, trước tình hình dịch COVID-19 trên thế giới chưa thuyên giảm, HS có nguyện vọng du học sẽ rất khó thực hiện. Đây sẽ là nguồn tuyển cho các trường ĐH và đặc biệt là các chương trình liên kết đào tạo quốc tế 2+2, 3+1… “Hiện nay, rất đông sinh viên (SV) sau khi quay về nước đã đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH trong nước để không lãng phí thời gian. Đó là chưa kể, dịch COVID-19 khiến việc du học trở thành gánh nặng đối với nhiều gia đình, buộc người học phải thay đổi kế hoạch”, thạc sĩ Phùng Quán cho hay.
“Vấn đề là các trường phải có những chương trình được quốc tế công nhận, có thể linh động để khi dịch bệnh qua đi người học có nhiều con đường để lựa chọn chuyển tiếp”, phó giáo sư - tiến sĩ Hồ Thanh Phong nhấn mạnh.
Trường học cũng dịch chuyển theo người học
Tiến sĩ Hồ Nhựt Quang, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết: các trường ĐH buộc phải có những thay đổi trong chính sách tuyển sinh và đào tạo để tiếp nhận nguồn HS - SV không thể du học. Với đối tượng này, các chương trình phải thật sự linh động để SV có thể chuyển đi hoặc chuyển về. Theo tiến sĩ Hồ Nhựt Quang, ngoài xét tuyển thí sinh có chứng chỉ tú tài quốc tế hoặc tốt nghiệp chương trình THPT nước ngoài, các du HS đang ở Việt Nam do tác động của đại dịch COVID-19 mong muốn tiếp tục học để tránh ảnh hưởng đến thời gian tốt nghiệp có thể nộp đơn xét tuyển vào trường. Trước mắt, trường sẽ xét từng trường hợp thông qua học bạ tại Việt Nam và bảng điểm tích lũy được trong thời gian học ở nước ngoài. Sau đó, đối chiếu với các ngành mà du HS đăng ký học để cân nhắc và điều chỉnh lộ trình phù hợp. Thí sinh sẽ được phỏng vấn, viết bài luận…
Tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng hiện có vài chục du HS từ nước ngoài chuyển về đăng ký vào học các chương trình quốc tế. Có khoảng 10 du HS được trường đối tác nước ngoài xem xét kết quả và phỏng vấn online chấp nhận cho học tiếp chương trình. Phó giáo sư - tiến sĩ Hồ Thanh Phong cho rằng, ở thời điểm này, các chương trình liên kết quốc tế uy tín có thể đảm bảo được chiều “chuyển đi” sẽ chiếm ưu thế.
Còn Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) có hai chương trình liên kết quốc tế HS có thể theo học là công nghệ thông tin (do ĐH Kỹ thuật Auckland - AUT cấp bằng) và khoa học quản lý (do ĐH Keuka, Mỹ cấp bằng). Đồng thời, SV có thể theo học các chương trình tiên tiến dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát có thể “chuyển đi” học tiếp tại nước ngoài.
Không ai hình dung được kịch bản của đại dịch thay đổi thế giới ra sao. Người học cũng vậy, học trong nước đang là giải pháp an toàn và buộc người học phải dịch chuyển.
Xu hướng chọn ngành sẽ thay đổi
Thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương, Phó trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho rằng, kể cả xu hướng ngành nghề trong nước cũng có sự dịch chuyển. COVID-19 tác động lớn đến tâm lý chọn ngành của thí sinh. Cụ thể, các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin như kỹ thuật máy tính, khoa học máy tính, khoa học dữ liệu, an ninh mạng và an toàn thông tin… đang là xu hướng trong cách mạng công nghiệp 4.0, lại có thêm những ưu điểm về cơ hội việc làm, tính cơ động trong địa điểm làm việc, nhất là trong tình huống khẩn cấp có thể làm việc tại nhà mà không bị ảnh hưởng đến hiệu quả… sẽ giữ vai trò “thống trị” trong mùa tuyển sinh năm nay.
Các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, vốn được quan tâm nhiều, nay lại càng thu hút thí sinh hơn. Sau đợt dịch, do tầm quan trọng cũng như sự ngưỡng mộ nhân viên y tế, cũng sẽ có một lượng lớn HS chuyển sang chọn học nhóm ngành này. Các ngành kinh doanh, thương mại trên nền tảng online, logistics, quản lý chuỗi cung ứng… sẽ nóng hơn. “Những ngành bị ảnh hưởng lớn bởi COVID-19 thuộc về nhóm ngành công nghiệp không khói như du lịch - nhà hàng - khách sạn, dễ bị “thất sủng”. Tuy nhiên, tôi khuyên HS là bạn có đến bốn năm ĐH, dịch bệnh sẽ được kiểm soát, do vậy ngành học này sẽ phục hồi (hiện tại cũng đang phục hồi) nên việc chọn ngành học yêu thích mà vì dịch bệnh chuyển sang ngành khác thì thật đáng tiếc”, thạc sĩ Phương nhấn mạnh.
Đề xuất này được ông Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Quản lý chất lượng - nêu tại hội nghị tổng kết kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2020-2024 sáng 31/10.
Sáng 31/10, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị tổng kết công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2020-2024, chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.
Sáng 30/10, Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức sơ kết kết quả thực hiện kế hoạch xây dựng "Thành phố học tập toàn cầu UNESCO trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2024-2030".