Tấm lòng của những người lính mang quân hàm xanh - Bài 2:

Đường vào đại học của nữ sinh người Rục

03/11/2022 - 05:57

PNO - Hơn 60 năm trước, Bộ đội biên phòng Cà Xèng đã phát hiện nhóm 34 người Rục (thuộc dân tộc Chứt) giữa những dãy núi đá vôi của H.Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Bấy giờ, họ còn đóng khố làm từ vỏ cây, sống dựa hoàn toàn vào thiên nhiên như người rừng. Đến mùa tựu trường năm 2022, lịch sử người Rục ghi nhận dấu mốc đặc biệt: có thành viên đậu đại học. Đồn biên phòng Cà Xèng cũng góp nhiều công sức trong bước ngoặt quan trọng này.

Niềm vui của cả cộng đồng 

Cao Thị Lệ Hằng là một trong 18 học sinh của Trường phổ thông dân tộc (PTDT) nội trú tỉnh Quảng Bình đậu đại học đợt 1, năm 2022. Hằng đã rời quê, vào Trường đại học Quảng Bình nhưng niềm vui “người Rục đầu tiên đậu đại học” vẫn còn lan tỏa khắp bản Mò O Ồ Ồ, xã Thượng Hóa, H.Minh Hóa và trong 77 hộ người Rục sinh sống ở xã này. 

Niềm vui của Cao Thị Lệ Hằng trong ngày nhận giấy báo trúng tuyển đại học
Niềm vui của Cao Thị Lệ Hằng trong ngày nhận giấy báo trúng tuyển đại học

Ở bản Mò O Ồ Ồ, lâu nay, Cao Xuân Long là người “nhiều chữ” nhất trong cộng đồng người Rục. Long năm nay 26 tuổi, là bí thư chi bộ trẻ nhất của xã vùng biên Thượng Hóa, đã tốt nghiệp Trường PTDT nội trú tỉnh Quảng Bình. Anh phấn khởi nói: “Bây giờ, mình nhiều chữ thứ hai thôi. Em Hằng vào đại học là nhiều chữ hơn mình rồi”.

Từ 34 thành viên được đưa về sống với cộng đồng, người Rục nay đã có hơn 300 nhân khẩu, sinh sống ở bản Mò O Ồ Ồ và bản Ón của xã Thượng Hóa. Anh Cao Xuân Lực (bản Ón) kể: “Mình là thế hệ người Rục thứ hai sau khi rời hang núi, con mình và em Hằng bên Mò O Ồ Ồ thuộc thế hệ thứ ba. Mấy năm trước, mình mong bên bản Ón cũng có người nhiều chữ như anh Long để làm được nhiều việc cho người Rục. Nhưng bây giờ, mình lại mong bản Ón có người đỗ đại học như em Hằng”. 

Thế hệ thứ ba đã trưởng thành trên đất Thượng Hóa, nhưng người Rục mới biết trồng lúa nước được 12 năm nay. Chính bộ đội biên phòng đã hướng dẫn bà con cách làm nông, cách trồng lúa nước. Vượt qua khí hậu khắc nghiệt, địa hình đồi núi, nước ruộng khan hiếm và đặc biệt là vượt qua sự lạ lẫm với cây lúa, bà con đã nắm được quy trình gieo trồng lúa nước. Trong 24 mùa thu hoạch lúa trên cánh đồng Rục Làn, bộ đội biên phòng đều xuống đồng gặt lúa cùng bà con. 

Chị Hồ Thị Páy - mẹ của nữ sinh Cao Thị Lệ Hằng - là một trong những người Rục đầu tiên học cách trồng lúa nước. Chị Páy nhớ lại: “Lúc đầu, khi được các chú bộ đội dạy cách cấy lúa, nhiều người ngần ngại, không dám làm vì người Rục bao đời chỉ chặt cây, đốt nương, trỉa hạt. Giờ trồng lúa nước là trái với tập tục, lỡ có chuyện gì thì dân làng trách phạt”. 

Chị Páy cũng sợ, nhưng cảnh góa bụa, một nách nuôi tám đứa con đã khiến chị quyết tâm. Và chín mẹ con chị Páy đã được ưu tiên cấp ruộng để trồng lúa nước. 

Các chú bộ đội đã thay cha nuôi em ăn học 

Chị Páy tâm sự, nhiều năm nay, khoảng 2 tấn lúa thu hoạch mỗi năm đã giúp gia đình chị thoát khỏi cảnh đứt bữa. Nhưng một mình gánh tám đứa con, dù đã trồng thêm sắn, bắp, nuôi thêm bò, gà, chị vẫn không dám nghĩ mình có thể cho con học hành tới nơi tới chốn. 

Đại diện đồn biên phòng Cà Xèng, Đoàn Thanh niên Công an H.Minh Hóa, Huyện đoàn Minh Hóa trao quà hỗ trợ Cao Thị Lệ Hằng trước khi Hằng vào Huế học đại học
Đại diện đồn biên phòng Cà Xèng, Đoàn Thanh niên Công an H.Minh Hóa, Huyện đoàn Minh Hóa trao quà hỗ trợ Cao Thị Lệ Hằng trước khi Hằng vào Huế học đại học

Ngày chồng chị qua đời, Lệ Hằng mới đang lẫm chẫm. Chị Páy thật thà: “Nhiều lần, mình định cho con nghỉ học để phụ mình làm rẫy, lớn lớn thì lấy chồng. Nhưng Hằng lại ham học, còn các thầy cô giáo, bộ đội biên phòng, cán bộ thôn bản, cán bộ xã lại cứ động viên mình cho Hằng học tiếp”.

Đúng năm Lệ Hằng chuyển cấp lên THCS, Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng phát động chương trình “Nâng bước em đến trường”. Hằng được các chiến sĩ đồn biên phòng Cà Xèng hỗ trợ mỗi tháng 500.000 đồng cho đến hết lớp 12. Với mong muốn được học tập để quay về giúp đỡ đồng bào mình, Hằng đã đăng ký nguyện vọng vào Khoa Giáo dục mầm non của Trường đại học Sư phạm Huế. Cô đạt 25,5 điểm, cao hơn nhiều so với điểm trúng tuyển (19 điểm). 

Ngày cầm giấy báo đậu đại học, Hằng bật khóc giữa gian nhà nhỏ. Đó là những giọt nước mắt của hạnh phúc, của ba năm xa nhà để theo học trường nội trú của tỉnh, nước mắt biết ơn những nhọc nhằn mà bà Páy đã cặm cụi gánh vác, nước mắt tri ân “các chú bộ đội đồn biên phòng Cà Xèng đã thay cha nuôi em, cho em ăn học”.

Là người Rục đầu tiên đậu đại học nhưng Hằng phân vân không biết có nên nhập học hay không. Hằng sợ bốn năm đại học là bốn năm làm oằn thêm gánh nặng của mẹ. May thay, thêm một lần nữa, những người lính biên cương đã động viên, tiếp tục hỗ trợ em. Theo quy định, chương trình “Nâng bước em đến trường” chỉ hỗ trợ học sinh đến lớp 12 thôi, nhưng đồn biên phòng Cà Xèng đã phá lệ, tiếp tục hỗ trợ Hằng bằng nhiều cách khác nhau cho đến khi nào giấc mơ “làm cô giáo bản Mò O Ồ Ồ” của Hằng thành hiện thực.

Chung tay cùng các chiến sĩ biên phòng

Có lẽ, hiếm có trường hợp nào đậu đại học lại khiến nhiều người, nhiều cấp, nhiều ngành quan tâm và mong muốn đồng hành như Lệ Hằng. Ngày biết cộng đồng người Rục có thành viên đậu đại học, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Bình đã gửi lời khen và thưởng nóng cho em 5 triệu đồng. 

Sự kiện Cao Thị Lệ Hằng (đứng) đậu đại học là niềm khích lệ lớn đối với con em người Rục ở xã Thượng Hóa, H.Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình
Sự kiện Cao Thị Lệ Hằng (đứng) đậu đại học là niềm khích lệ lớn đối với con em người Rục ở xã Thượng Hóa, H.Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình

Hằng khoe, đầu tháng Mười, trước khi lên đường nhập học, cô đã nhận tiền thưởng từ Ủy ban Dân tộc và Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh nhà. Các thầy cô Trường PTDT nội trú tỉnh, lãnh đạo một số đơn vị, doanh nghiệp cũng hỗ trợ cô tiền ăn học. Hằng cười: “Chắc tại người Rục là em út trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, nên em nhận được sự quan tâm, giúp đỡ đặc biệt nhất”.

Cô tân sinh viên xúc động: “Từ nhỏ, em đã được nghe những người già trong bản bảo, người Rục ở xã Thượng Hóa đã được Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền quan tâm, chăm lo đặc biệt nên mới có được cuộc sống như ngày hôm nay. Em lớn lên, chứng kiến việc các chú bộ đội biên phòng hướng dẫn mẹ em cách ngâm hạt thóc, gieo cấy lúa, phơi lúa, xay gạo. Các chú đã dìu dắt trẻ em trong xã học tập. Bây giờ, em sẽ gắng học để trở thành người có ích, giúp đỡ cho chính cộng đồng của mình”. 

Hằng cho biết, bộ đội biên phòng đã có nhiều chương trình, mô hình giúp đồng bào người Rục nâng cao nhận thức, dần thoát khỏi cái đói, cái nghèo, như “Nâng bước em đến trường”, “Con nuôi đồn biên phòng”, “Lớp học xóa mù”, “Ánh sáng vùng biên”. Trong lịch sử của người Rục, luôn có sự đồng hành của bộ đội biên phòng. 

Trúng tuyển vào Trường đại học Sư phạm Huế nhưng theo nguyện vọng của Hằng và gia đình, các ban, ngành liên quan đã hỗ trợ em làm thủ tục chuyển về Trường đại học Quảng Bình. 

Sau khi gửi lời khen ngợi và thưởng nóng cho Cao Thị Lệ Hằng 5 triệu đồng, ông Vũ Đại Thắng - Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Bình - đã quyết định hằng tháng sẽ trích 3 triệu đồng tiền lương của mình để hỗ trợ em suốt bốn năm đại học.

Được biết, hiện Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Bình đang nhận đỡ đầu, nuôi dưỡng 99 em, gồm 76 em trong chương trình “Nâng bước em đến trường” và 23 em thuộc chương trình “Con nuôi đồn biên phòng”.

Minh Tuệ-Xuân Long 

 

Bài cuối: Bánh mì, học bổng cho con em người Việt, người Lào

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI