Đường vành đai phía tây TP. Đà Nẵng làm hư hại đất sản xuất và nhà cửa của dân

08/04/2022 - 14:58

PNO - Người dân cảm thấy khó hiểu, vì sao một dự án quan trọng như vậy nhưng thiết kế lại không phù hợp với thực tế. Đã vậy, khi dân phát hiện, phản ánh, chủ đầu tư lại không tiếp thu và sửa chữa kịp thời.

Dự án đường vành đai phía tây TP. Đà Nẵng dài 19km, đoạn từ Quốc lộ 14B đến đường Hồ Chí Minh có tổng mức đầu tư 1.134 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng (Ban QLDA) làm chủ đầu tư, đến nay đã chậm tiến độ hai năm. Đáng nói là tại thôn Hòa Trung (xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang), nhiều hạng mục thiết kế và thi công của dự án không phù hợp với thực tế, gây ngập úng đất sản xuất, ngập lụt nhà cửa của dân.

Ruộng đồng của dân thôn Hòa Trung, xã Hòa Ninh, H.Hòa Vang, không sản xuất được do dự án  đường vành đai phía tây TP.Đà Nẵng làm ngập úng
Ruộng đồng của dân thôn Hòa Trung, xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang, không sản xuất được do dự án đường vành đai phía tây TP. Đà Nẵng làm ngập úng

Ông Lê Đức Thương - Chủ tịch UBND xã Hòa Ninh - cho biết, từ 31/10/2019, tức cách nay hai năm rưỡi, UBND xã đã có công văn gửi Sở Giao thông Vận tải và Ban QLDA chỉ rõ hiện trạng thi công cống dẫn nước dòng suối chính qua đường vành đai tại Km15+624,35 là không phù hợp, miệng thu nhận nước phía thượng lưu không khớp với dòng chảy của suối và miệng xả lại xả nước vào ruộng của dân tại xứ đồng Cây Ươi, thôn Hòa Trung. Thực tế này đã gây ra ngập lụt đất đai, nhà cửa của các hộ dân tại thôn Một phía thượng lưu, sạt lở đất sản xuất ở phía hạ lưu. Tuy nhiên, nội dung phản ánh của xã đã không được Ban QLDA tiếp nhận, xử lý kịp thời. 

Trước thực trạng vừa nêu, tháng 10/2020, UBND xã Hòa Ninh lại có công văn hối thúc Ban QLDA phải có phương án điều chỉnh dòng chảy ở thượng lưu và hạ lưu cho phù hợp; có biện pháp gia cố phần hạ lưu để đảm bảo không gây thiệt hại đất của dân. Tuy nhiên, đến nay, mọi kiến nghị của dân và chính quyền địa phương đều không được phía nhà đầu tư đáp ứng. Cũng vì thế mà dân đã khiếu nại lên các cấp, thậm chí cản trở việc thi công.

Vị trí cống thoát nước thứ hai tại Km14+666,10 qua thôn Hòa Trung cũng có vấn đề khi miệng xả ở hạ lưu không chảy theo dòng chính. Bà Ngô Thị Tha - nông dân có đất sản xuất ở vị trí này - cho biết: “Họ làm cống xả nước vào ruộng đất nhà tôi, gây xói lở nhiều năm nay, đám ruộng coi như bỏ”.

Ngoài hai vị trí nêu trên, ông Lê Văn Cừ - cán bộ địa chính xã Hòa Ninh - còn cho biết, tại Km16+200 và Km16+300 thuộc xóm đồng Ông Tư, dự án đã không đặt cống thoát nước qua đường, gây ra ngập úng cục bộ ở phần thượng lưu, khiến nhà của khoảng 50 hộ dân bị ngập và nhiều diện tích đất nông nghiệp bị hư hại.

Cũng theo thông tin từ địa chính xã, do thi công không phù hợp với thực tế nên công trình đã ảnh hưởng cho hơn 5ha đất sản xuất nông nghiệp của hàng chục hộ dân. 

Ông Nguyễn Minh Huy - Ban QLDA - thừa nhận việc đất sản xuất của người dân xã Hòa Ninh bị ảnh hưởng trong quá trình thi công dự án đường vành đai. Nhưng ông lại cho rằng, việc xây dựng cống Km15+624 hiện nay là đúng theo hồ sơ thiết kế đã được UBND TP. Đà Nẵng phê duyệt. Hiểu nôm na là hướng suối chảy xéo với đường, trong khi cống lại đặt vuông góc với đường, nên việc tiếp nhận nước không tốt và xả nước cũng không đúng vị trí của tự nhiên vốn có của dòng chảy.

Ông Huy cho rằng, phía tư vấn thiết kế đề xuất giải pháp tiếp tục thi công hoàn thiện cống (tường cánh, sân cống), đào nắn một phần dòng chảy ở hạ lưu, đền bù và thu hồi phần đất bị ảnh hưởng của dân. 

Còn tại hai vị trí Km16+200, Km16+300 xóm đồng Ông Tư, ông Huy cho biết, hồ sơ thiết kế có bố trí cống thoát nước nhưng chưa làm (!?). Để xử lý ngập cục bộ tại khu vực này, nhà thầu đã đặt cống tạm dẫn nước về cống thoát nước Km16+314, nhưng về lâu dài cần thu hồi đền bù đất nông nghiệp ở vị trí này, vì không canh tác được (!?).

Người dân cảm thấy khó hiểu, vì sao một dự án quan trọng như vậy nhưng thiết kế lại không phù hợp với thực tế. Đã vậy, khi dân phát hiện, phản ánh, chủ đầu tư lại không tiếp thu và sửa chữa kịp thời. Điều khiến dư luận thắc mắc là tại hai điểm Km16+200 và Km16+300, trong thiết kế có cống thoát nước nhưng Ban QLDA lại nói chưa làm, gây ngập lụt ruộng đất, nhà cửa của dân để rồi phải tiếp tục mở rộng thu hồi đất, gây thiệt hại cho cả Nhà nước và nhân dân. 

Lê Đình Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI