Trung Mong cơ quan chức năng sớm vào cuộc
Liên quan đến vụ việc“siêu máy bơm” chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) không phát huy tác dụng sau cơn mưa ngày 17/10, phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM đã trao đổi với ông Nguyễn Tăng Cường - Tổng giám đốc Tập đoàn công nghiệp Quang Trung, đơn vị sở hữu máy bơm chống ngập.Ông Cường nói:
|
Những bao rác lớn bất thường được kéo lên từ cống đường Nguyễn Hữu Cảnh |
Ông Cường nói: “Siêu máy bơm” được chúng tôi nghiên cứu trong vòng 7 năm để chống ngập cho TP.HCM. Khi được đồng ý về mặt chủ trương, chúng tôi đã lắp đặt và chạy thử nghiệm. Từ ngày 19/9 đến nay, đã có tám cuộc thử nghiệm và tất cả đều thành công.
Đặc biệt, lần thử nghiệm ngày 13/10, với lượng mưa lên đến 125,2mm, chúng tôi vẫn bơm thử nghiệm thành công, các điểm ngập khác tại TP.HCM đều ngập, riêng đường Nguyễn Hữu Cảnh không bị. Với những căn cứ trên, tôi khẳng định là máy bơm chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh đạt hiệu quả.
- Vì sao máy bơm được đánh giá là chống ngập hiệu quả, nhưng trận mưa nhỏ ngày 17/10, máy bơm lại không phát huy tác dụng, đường Nguyễn Hữu Cảnh vẫn bị ngập?
- Ông Nguyễn Tăng Cường: Trong vụ việc ngày 17/10, có rất nhiều điểm bất thường. Trận mưa ngày hôm đó có vũ lượng chỉ 40mm và kéo dài trong một giờ đồng hồ, máy bơm hoạt động nhưng đường Nguyễn Hữu Cảnh vẫn bị ngập.
Bất thường ở chỗ, hệ thống sensor chỉ mực nước bơm cuối nguồn cạn đáy cống, nhưng đường Nguyễn Hữu Cảnh đang bị ngập tới 30cm. Qua quan sát, hai tuyến cống hai bên tuyến đường này đều bị nghẽn. Việc cống nghẽn là rất bất thường. Theo tôi, máy bơm bị vô hiệu hóa nghi có yếu tố phá hoại.
- Ông có thể nói chi tiết về cái gọi là “yếu tố phá hoại”?
- Ông Nguyễn Tăng Cường: Đường Nguyễn Hữu Cảnh kết cấu hệ thống thoát nước theo kiểu xương cá, hai tuyến cống chính và nhiều tuyến cống nhỏ. Sau khi xảy ra sự cố, chúng tôi kiểm tra hai tuyến cống thì phát hiện bị tắc, nước không chảy về. Công ty chúng tôi và trung tâm chống ngập tiến hành mở bốn hố ga kiểm tra thì phát hiện rất nhiều chai lọ, bao bì, rác gây nghẹt cống.
|
Ông Nguyễn Tăng Cường |
Dưới cống có cả một bao rác to tướng, những miếng gỗ lớn gây tắc dòng chảy. Thông thường, các miệng cống đều có lưới lọc rác, rác sinh hoạt trôi xuống thì cũng chỉ rác nhỏ chứ làm sao có nguyên bao rác to, mảng gỗ to trôi xuống cống được. Tôi nghi ngờ có người cố tình bỏ rác xuống cống để phá hoại.
Ngoài ra, yếu tố mới phát hiện là có một đường cống nước chảy ngược từ sông vào bên trong. Với việc nước chảy như vậy có một hay ba máy bơm cũng phải bó tay thôi. Chúng tôi đã kiến nghị cơ quan chức năng điều tra về yếu tố phá hoại.
- Trước đây, ông đã từng giới thiệu “máy bơm thông minh” có thể lọc rác, vớt rác, tách rác, vậy sao lần này, máy bơm không thể làm được việc đó?
- Ông Nguyễn Tăng Cường: Trong các lần giới thiệu về công nghệ “máy bơm thông minh” tôi có nói, máy bơm có thể lọc, vớt rác, tách rác được với điều kiện rác chỉ có 150 x 150mm. Còn rác ở cống vào ngày 17/10 là rác từng bao, từng mảng gỗ lớn kiểu như ai đó cố tình đổ xuống. Cái đó máy bơm không thể giải quyết được.
- Khi nghiên cứu ứng dụng “máy bơm thông minh” cho TP.HCM, ông đã tính toán đến việc đường cống bị tắc nghẽn khiến máy bơm hoạt động không hiệu quả hay không?
- Ông Nguyễn Tăng Cường: Chúng tôi là đơn vị sản xuất công nghệ, cung cấp công nghệ để hút nước chống ngập cho TP.HCM. Chúng tôi không phải là đơn vị xây dựng, làm cống. Hơn nữa, trong ký kết hợp đồng nguyên tắc, Trung tâm Quản lý và điều hành Chương trình chống ngập nước TP.HCM thực hiện việc nạo vét cống, đảm bảo thông thoáng, còn phía chúng tôi chỉ thực hiện việc vận hành máy bơm công suất lớn để tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh không ngập.
|
Đường Nguyễn Hữu Cảnh ngập trong những cơn mưa vừa qua |
Cống bị tắc, nước không chảy thì máy bơm không hút được nước ra ngoài. Người dân thấy đường ngập đổ lỗi cho máy bơm hoạt động không hiệu quả là không đúng.
- Ông có chia sẻ gì với người dân sau “sự cố” vừa qua?
- Ông Nguyễn Tăng Cường: Chúng tôi đã bỏ ra bảy năm để nghiên cứu công nghệ chống ngập cho TP.HCM, nếu nghiên cứu thất bại, chúng tôi sẽ chịu mọi rủi ro; nếu thành công, nó sẽ trở thành hàng hóa, ứng dụng cho cả TP.HCM và các địa phương khác. Hiện nay, công nghệ chống ngập đang hoạt động tốt nên tôi mong mọi người cùng chung tay đóng góp, xây dựng.
Sự việc bất thường vừa qua có tính chất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cả giải pháp chống ngập của cả TP.HCM. Tôi mong cơ quan chức năng sớm vào cuộc, làm rõ nguyên nhân để có đánh giá khách quan, công bằng về công nghệ của chúng tôi.
Tiến sĩ Phạm Sanh (chuyên gia giao thông)
Thiết kế trạm bơm chưa lường hết những phát sinh
Phải khẳng định rằng, việc máy bơm “khủng” không thể hút cạn nước khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh vào ngày 17/10 không phải do lỗi máy bơm mà có thể do chưa lường hết những phát sinh khi thiết kế trạm bơm. Hệ thống cống thoát nước ở TP.HCM vừa có nước, vừa có rác, đất cát...
Chưa xác định được có ai cố tình đổ rác xuống cống hay không
Bước đầu, chúng tôi xác định nguyên nhân cống bị tắc là do rác thải làm nước không chảy về được trạm bơm. Tuy nhiên, rác từ đâu tới, có phải do ai đó cố tình đổ xuống cống hay không thì cơ quan chức năng chưa xác định được.
Ông Đỗ Tấn Long - Trưởng phòng Quản lý thoát nước Trung tâm Quản lý và điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM
|
Có thể trước đây, khi trạm bơm mới bắt đầu hoạt động, rác chưa tập trung về, bởi trong hệ thống cống luôn có những khúc cua khiến rác bị vướng lại. Khi máy bơm đạt đến một lực hút nào đó, nó sẽ kéo rác đổ dồn về trạm bơm. Bên cạnh đó, xung quanh khu vực này có rất nhiều công trường xây dựng; không loại trừ khả năng các công trường làm đổ xà bần xuống cống, trong đó có những bao vỏ bentonite rơi vào. Trước đây, có thể đã có những chất này nằm trong cống nhưng nằm rải rác, nay gặp lực hút lớn đã tập trung về trạm bơm.
Bất cập hiện nay là việc thu gom rác vừa giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường, vừa giao Sở Giao thông vận tải, trong đó, đơn vị môi trường thu gom rác trên đường, còn đơn vị giao thông vận tải gom rác dưới cống. Do đó, người gom rác trên đường không quan tâm đến việc rác rơi xuống cống. Thậm chí, các song chắn rác trước các miệng cống bị hỏng, họ cũng không quan tâm.
|
Rác thải dưới cống đường Nguyễn Hữu Cảnh |
Trong khi đó, người thu gom rác dưới cống chỉ có thể thu gom rác xung quanh hố ga, không thể thu gom ở những vị trí khác. Lãnh đạo TP.HCM cần gom hai việc trên giao lại cho một trong hai đơn vị.
Giáo sư Lê Huy Bá (chuyên gia môi trường)
Cần giải quyết bài toán rác thải
Bentonite là chất dẻo, dính. Chất này ngoài việc được bán trên thị trường để ứng dụng trong xây dựng, còn có thể sinh ra trong quá trình hình thành đất hoặc các tác động liên quan như: đào đất, xây dựng đường cống, tác động của lực nước quá mạnh vào đất làm quậy đất lên. Chất này gặp nước sẽ kết dính lại như đất sét.
Về lý thuyết, chất này có thể làm nghẹt lỗ bơm, nhưng để làm nghẹt hệ thống cống thì phải cần một lượng bentonite rất lớn. Vì vậy, tôi cho rằng lý do làm nghẹt cống khiến máy bơm “khủng” không bơm được nước vừa qua do rác là chính. Để máy bơm hoạt động hiệu quả, cần giải quyết bài toán rác thải. Nếu không, rác tồn đọng lâu sẽ khiến máy bơm “tê liệt” như sự cố vừa rồi.
Tôi cho rằng máy bơm “khủng” chỉ có thể áp dụng tạm thời, giải quyết những khu vực ngập nặng trong lúc chờ những dự án chống ngập hoàn thành, không thể áp dụng lâu dài vì sẽ phát sinh nhiều vấn đề khác.
Ông Bùi Xuân Cường - Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM
Phải hạn chế tối đa tình trạng đổ thải xuống miệng cống
Hiện chủ đầu tư chỉ vận hành trạm bơm, còn hệ thống cống, hố ga, miệng thu nước thì do Trung tâm Quản lý và điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM chịu trách nhiệm. Sở đã yêu cầu các bên liên quan phối hợp chặc chẽ trong việc quản lý để đảm bảo trạm bơm được vận hành thông suốt.
Ngoài ra, thanh tra sở cần ưu tiên tập trung kiểm soát việc tuần tra phát hiện, hạn chế tối đa việc đổ thải xuống miệng cống khiến nước không thoát được.
|
Sơn Vinh - Phan Trí