PNO - PN - Tại phiên sơ thẩm vụ án “tổ chức người khác trốn đi nước ngoài”, do Dương Tự Trọng (cựu Đại tá - Phó Giám đốc Công an TP. Hải Phòng) cầm đầu, diễn ra ngày 7/1, bị cáo Dương Chí Dũng được mời đến với tư cách là...
edf40wrjww2tblPage:Content
Chủ động tổ chức cuộc trốn chạy cho anh mình
VKSND tối cao truy tố bảy bị cáo về tội “tổ chức người khác trốn đi nước ngoài”, cụ thể như sau: “Khi biết anh trai là Dương Chí Dũng sẽ bị khởi tố, bắt tạm giam, Dương Tự Trọng đã bàn bạc, thống nhất và giao cho cấp dưới Vũ Tiến Sơn (Phó trưởng phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội - PC45 Công an Hải Phòng) tổ chức đưa Dương Chí Dũng ra nước ngoài. Sơn chỉ đạo Hoàng Văn Thắng (cán bộ Phòng CSĐT tội phạm về môi trường - PC 49 Công an Hải Phòng), Nguyễn Trọng Ánh (cán bộ Hải quan TP. Hải Phòng), Phạm Minh Tuấn (GĐ Xí nghiệp Bạch Đẳng, là bạn thân của Trọng) cùng hai tay giang hồ đất Cảng là Đồng Xuân Phong, người đang bị công an Hải Phòng truy nã về tội buôn lậu và Trần Văn Dũng (tức Dũng “Bắc Kạn”, một đối tượng khét tiếng trên giang hồ), cùng một số người khác sử dụng ô tô chở Dương Chí Dũng từ Hà Nội về Quảng Ninh tối ngày 17/5/2012 và ngày 21/5/2012 tiếp tục đưa Dũng từ Quảng Ninh đến khu vực cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh. Các đối tượng tổ chức cho Dương Chí Dũng trốn sang Campuchia vào khoảng 19g ngày 23/5/2012.
Trong suốt phiên xử sáng 7/1, HĐXX xét hỏi làm rõ quá trình đưa Dương Chí Dũng trốn ra nước ngoài, tuy nhiên bị cáo Dương Tự Trọng tỏ ra không đồng ý với cáo trạng, dù cũng không phủ nhận lời khai của các bị cáo liên quan. Bị cáo Vũ Tiến Sơn chỉ chấp nhận một phần cáo trạng. Phản đối VKS, Sơn nói: “VKS cho rằng bị cáo có vai trò quan trọng trong vụ án này là không đúng. Chủ mưu của vụ án này là Dương Tự Trọng chứ không phải bị cáo. Ngoài quan hệ anh em, đồng nghiệp với Dương Tự Trọng, bị cáo đã hàng chục năm vào sinh ra tử ở Phòng Hình sự, Công an TP. Hải Phòng. Tối 17/5, Trọng gọi bị cáo lên phòng nói: “Việc của anh Dũng diễn biến xấu, tối anh em mình đi Hà Nội xem thế nào”. Tối cùng ngày, bị cáo cùng Trọng đi Hà Nội giải quyết việc đó bằng ô tô, lấy lý do đi sinh nhật một người bạn gái". Tòa hỏi: “Tại lời khai của bị cáo, có hai lời khai về việc có một người báo cho Dương Chí Dũng đi lánh. Người đó là ai?”. “Anh Trọng nói người đó là một ông anh ở Bộ Công an, bị cáo không biết là ai”.
Hầu hết các bị cáo đều thừa nhận chi tiết quá trình đưa Dương Chí Dũng đào tẩu như thế nào, nhưng lại nói rằng không biết rõ tội trạng của Dũng ra sao. Vì vậy, theo các bị cáo, cơ quan tố tụng đánh giá mức độ phạm tội nghiêm trọng là khiên cưỡng. Riêng bị cáo Dương Tự Trọng, suốt quá trình điều tra liên tục phủ nhận hành vi phạm tội của mình.
Tuy nhiên, VKS cho rằng, cơ quan tố tụng đã chứng minh rất rõ hành vi phạm tội của bị cáo. Cuối buổi chiều, VKS đề nghị mức án đối với các bị cáo như sau: Dương Tự Trọng 18-20 năm tù; Vũ Tiến Sơn 17-18 năm tù; Hoàng Văn Thắng, Nguyễn Trọng Ánh, Đồng Xuân Phong sáu-bảy năm tù; Phạm Minh Tuấn năm-sáu năm tù.
Dương Tự Trọng đứng trước vành móng ngựa
Lời khai rúng động phiên tòa
Tình tiết bất ngờ liên quan đến người đàn ông đã “ra hiệu” cho Dương Chí Dũng bỏ trốn trước giờ G, bất ngờ nổ ra ở phiên tòa này. Trong vai trò người làm chứng, Dương Chí Dũng khai: “Sự thật thì tôi không hề gọi điện cho em trai tôi để nhờ em tôi tổ chức chạy trốn. Tôi chỉ gọi cho bị cáo Phong vì tôi với Phong thân tín, tôi rất sợ việc mình có ý định trốn bị lộ ra ngoài. Tôi không giấu được sự thật này mãi được, hơn nữa, tôi đã nhận án tử hình, dù thế nào cũng phải nói ra thôi. Sau khi bị xử tử hình, tôi đã suy nghĩ rất nhiều và quyết định viết đơn tố giác. Hiện lá đơn dài 16 trang của tôi đã được gửi đến cơ quan cấp cao nhất hơn 10 ngày rồi. Tôi đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ vụ án của tôi để dù có chết tôi cũng mong được chết trong minh bạch. Suốt quá trình chạy trốn, tôi lo sợ cho sự an nguy của mình nên đã để lại nhật ký chi tiết. Sau khi bị bắt, tôi vẫn lo cho sự an nguy của mình. Sinh mệnh của tôi liên quan đến nhiều sinh mệnh quan trọng khác nên tôi sợ bị ám sát”. Dương Chí Dũng nói, người mật báo cho Dũng, chính là người phụ trách điều tra vụ tham nhũng ở Vinalines - Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ. Dũng nói: “Chiều 17/5, đích thân ông Ngọ điện thoại cho tôi nói: “Thủ tướng đã chấp thuận lệnh khởi tố và bắt giam, chú nên tắt điện thoại và lánh đi một thời gian”. Nghe xong, tôi chuẩn bị đi trốn luôn và đó là khởi đầu cho một chuỗi sai lầm khác liên quan đến em tôi…”.
Trước tòa, Dương Chí Dũng cho rằng: “Tôi có lý do chính đáng để không khai tên người mật báo ở phiên tòa trước. Tôi khẳng định lời khai này hoàn toàn là sự thật. Trước đó, nhận được giấy triệu tập của CQĐT về việc mua ụ nổi 83M, tôi quá lo lắng nên có ý nhờ anh Ngọ quan tâm chỉ đạo điều tra khách quan vụ ụ nổi vì còn nhiều thủ tục, nhiều giai đoạn liên quan đến quy trình... Mỗi lần đến thăm anh Ngọ, tôi và vợ đều có quà cáp. Tối 2/5, tôi đến nhà anh Ngọ ở tòa nhà Pacific 83 Lý Thường Kiệt, lễ tân bấm điện thoại gọi hỏi, vợ anh nghe máy và nói anh đang chờ tôi. Anh bảo tôi cứ lên nhà trước. Tôi có mang phong bì tiền để biếu anh Ngọ. Khi lên đến nhà, vợ anh Ngọ đưa tôi vào phòng khách, pha nước mời tôi uống, một lúc thì anh Ngọ lên. Anh Ngọ gợi ý kiếm một sim rác để gọi cho anh nên tôi làm theo. Tại đây, anh gọi điện cho một cán bộ C48 nhưng ông này không nghe máy. Tôi đề nghị xin số điện thoại người đó, nhưng sau tôi ngại không liên lạc trực tiếp. Tôi có nhờ con trai anh Ngọ dẫn đến nhà vị cán bộ này. Tối 6/5, tôi được đưa đến nhà vị cán bộ Cục C48 này để lo lót”. Quá trình lo lót cho vụ án này, Dương Chí Dũng khai mất khoảng 510.000 USD.
Ngày mai 8/1, tòa tiếp tục phần tranh tụng và tuyên án.
Chi Mai
Đề nghị khởi tố vụ án “cố ý làm lộ bí mật công tác”
Theo đại diện VKS, căn cứ vào lời khai của các bị cáo và các nhân chứng, đã thấy có dấu hiệu của tội "cố ý làm lộ bí mật công tác". Đại diện VKS kiến nghị HĐXX có kiến nghị khởi tố vụ án "cố ý làm lộ bí mật công tác" theo điều 286 Bộ luật Hình sự.