Đường thành sông vì… không có cống

14/10/2019 - 07:56

PNO - Ở TP.HCM, có những con đường chỉ trong nửa tháng đã ngập cả chục lần, chỉ vì... không có cống thoát nước.

Đường không cống, mưa là ngập

Chiều 12/10, trời vừa chuyển mưa, chị Thúy - chủ hộ kinh doanh trên đường Hồ Học Lãm, P.An Lạc, Q.Bình Tân, TP.HCM - đã vội vàng tìm vật dụng kê đồ đạc lên cao vì sợ nước tràn vào nhà. Nửa tháng nay, đường Hồ Học Lãm bị ngập gần cả chục lần khiến việc kinh doanh của người dân dọc đường này bị đình trệ, đồ đạc bị nước ngập làm hư hại.

Duong thanh song vi… khong co cong
Cứ mưa là nước tràn vào nhà, nhiều hộ dân trên đường Hồ Học Lãm than trời vì buôn bán ế ẩm

Theo người dân, trận ngập gây khổ sở nhất là vào ngày 6/10. Mưa lớn gây ngập từ chiều tối; đến khuya, nước vẫn chưa thể rút hết. Người dân đi làm về phải bì bõm lội nước, có người cố chạy xe máy qua chỗ ngập, bị lạc tay lái, ngã nhào trên đường. Ba ngày sau, tuy mưa không lớn, đường vẫn bị ngập.

TP.HCM sắp hứng đợt triều cường mới

Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, mực nước tại các trạm vùng hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai lên nhanh và đạt mức cao trong những ngày qua và tiếp tục lên trong những ngày tới. Đỉnh triều đợt này có khả năng xuất hiện vào ngày 15 và 16/10, mức độ rủi ro thiên tai do triều cường khu vực TP.HCM ở cấp độ III.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cũng đưa ra cảnh báo: do ảnh hưởng của kỳ triều cường, mực nước hạ nguồn sông Cửu Long, sông Sài Gòn lên mức báo động II-III, các vùng trũng thấp ven sông sẽ ngập lụt.

Cùng chung số phận, người dân ở khu dân cư Nam Long và cụm dân cư ở khu phố 2, P.An Lạc cũng thường xuyên chịu cảnh lội nước về nhà. Khu dân cư ở khu phố 2 nằm ven đường Hồ Học Lãm, thấp hơn mặt đường nên cứ mưa là ngập.

Vào những ngày triều cường, khu dân cư này giống như một ốc đảo vì hai trục đường chính dẫn vào đều bị ngập nước. Người dân đã nâng nền nhà lên cao để chống ngập nhưng đường không có chỗ thoát nước nên vẫn ngập.

Theo báo cáo “Thực trạng, nguyên nhân và kết quả thực hiện các giải pháp giảm ngập nước giai đoạn 2016-2019” của Phòng Quản lý đô thị Q.Bình Tân, nguyên nhân gây ngập ở quận này là do hệ thống kênh rạch (gồm rạch Bà Tiếng, kênh Mười Xà, rạch Bà Lựu, kênh Liên Xã, rạch Ông Búp) là trục tiêu thoát nước chính, nhưng chưa được đầu tư theo quy hoạch, không đủ khả năng tiêu thoát nước; hệ thống cống kiểm soát triều trên các tuyến kênh rạch chưa được đầu tư.

Cũng theo báo cáo trên, đường Hồ Học Lãm, Tỉnh lộ 10, đường An Dương Vương (đoạn từ Tân Hòa Đông đến Tỉnh Lộ 10), đường Võ Văn Kiệt ngập là do hệ thống cống thoát nước chưa được đầu tư, không đảm bảo khả năng tiêu thoát nước.

Ngoài ra, cao trình mặt đường một số tuyến ở quận này thấp hơn đỉnh triều cường mức +1,68m. Hiện ở Q.Bình Tân, có khoảng 1.131ha đất thấp hơn mực triều cường +1,71m, chiếm tỷ lệ khoảng 20,8%, tập trung tại các phường An Lạc, An Lạc A, Tân Tạo, Tân Tạo A, Bình Trị Đông B.

Ở một góc độ khác, người dân cho rằng, sau khi nâng đường Kinh Dương Vương, tình trạng ngập ở đường Hồ Học Lãm diễn ra thường xuyên và nặng hơn vào mùa mưa. Trong khi đó, nhiều năm trước, người dân đã nghe thông tin nâng cấp và xây dựng hệ thống thoát nước trên đường Hồ Học Lãm, nhưng đến nay vẫn chưa thấy rục rịch.

Từ đầu mùa mưa đến nay, người dân sống quanh các tuyến đường Quốc Hương, Tống Hữu Định, đường số 41, thuộc P.Thảo Điền, Q.2 không thể nhớ nổi đã chịu đựng bao nhiêu trận ngập.

Theo anh Nguyễn Thương - kinh doanh quán ăn trên đường Quốc Hương - số lần ngập bằng số lần mưa vì hễ mưa là ngập. Người dân ở đây đã quá quen với cảnh xe chết máy, giao thông hỗn loạn, nước tràn vào nhà. “Mưa xuống, nước không có đường thoát thì ngập thôi” - anh Thương ngao ngán.

Càng vá đường, càng ngập

Nhiều ngày qua, người dân sống ven đường Nữ Dân Công, H.Bình Chánh, TP.HCM phải hì hục lội nước, vượt “hố bom” để về nhà. Có mặt tại tuyến đường này ngày 12/10, chúng tôi ghi nhận, nước ngập lênh láng từ mặt đường vào tận nhà dân.

Để chống ngập, người dân phải tự mua đất đá, xà bần đổ chắn trước nhà. Tuy nhiên, cách làm này không mấy tác dụng khi nước đọng trên mặt đường nhiều ngày không có lối thoát.

Duong thanh song vi… khong co cong
Đường Nữ Dân Công thành sông sau khi dặm vá “hố bom”

Đường Nữ Dân Công chỉ dài khoảng 2km nhưng được mệnh danh là “con đường đau khổ nhất thành phố”. Khi báo chí phản ánh về con đường này, UBND TP.HCM đã chỉ đạo UBND H.Bình Chánh khẩn trương kiểm tra và lên phương án sửa chữa, nâng cấp, đảm bảo an toàn cho người đi đường.

Năm 2017, HĐND TP.HCM đã thông qua đề án nâng cấp đường này, nhưng đến nay, đường vẫn chưa được làm mới. Theo người dân, khi họ phản ánh đường hư hỏng, ngập nước, cơ quan chức năng có dặm vá mặt đường, khơi thông dòng chảy, nhưng chỉ biến con đường nhiều “hố bom” thành một dòng kênh, khiến việc đi lại càng khó khăn hơn.

Bình Tân xử lý nhiều vị trí lấn chiếm kênh rạch

Theo Phòng Quản lý đô thị Q.Bình Tân, từ năm 2016-2019, qua công tác kiểm tra, cơ quan chức năng quận này đã phát hiện, xử lý 33 vị trí lấn chiếm kênh rạch, xử lý một cửa xả, bốn hầm ga và hai cống thoát nước bị lấn chiếm, thắt dòng chảy và hiện đang xử lý vụ lấn chiếm trên cống hộp bến xe Miền Tây.

“Ai cũng biết con đường này không có cống thoát nước, dặm vá cách mấy thì đường cũng sẽ ngập, hư hỏng trở lại. Chỉ có cách làm đường mới, có hệ thống thoát nước, đường này mới hết ngập” - anh Trần Văn Quý, ngụ tại xã Vĩnh Lộc A, nói.

Theo quy hoạch thoát nước của TP.HCM đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020, TP.HCM có khoảng 6.000km cống thoát nước nhưng hiện mới chỉ đạt khoảng một nửa, nhiều tuyến đường chưa có cống thoát nước.

Theo phó giáo sư - tiến sĩ Tô Văn Thanh (Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam), tình trạng ngập ở TP.HCM, đặc biệt là ngập do triều cường, đang diễn biến rất phức tạp, năm sau luôn nặng hơn năm trước.

Nguyên nhân là do quá trình đô thị hóa làm giảm không gian chứa nước, giảm khả năng thoát nước, mặt đất nền đang bị lún dần và việc triển khai các công trình chống ngập còn quá chậm so với yêu cầu. Cùng với đó, người dân vẫn còn xả rác bừa bãi làm tắc nghẽn các đầu cống thoát nước. Thêm nữa, biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, triều cường ngày càng tăng cao.

Phó giáo sư - tiến sĩ Tô Văn Thanh cho rằng, trong lúc chờ đợi các công trình chống ngập hoàn thành, TP.HCM phải xây dựng được bản đồ ngập lụt và bản đồ quản lý rủi ro do ngập, từ đó có biện pháp phòng tránh, đồng thời tăng cường tuyên truyền để người dân hạn chế xả rác bừa bãi.

Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI