Đường sụt lún khắp nơi

13/07/2024 - 06:27

PNO - Ở 2 tỉnh Cà Mau và Kiên Giang, ngoài sạt lở bờ sông, bờ biển, tình trạng sụt lún đường cũng diễn ra phổ biến.

Huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau có khoảng 660 vị trí sụt lún đất với chiều dài hơn 17km, thiệt hại ước tính khoảng 26 tỉ đồng. Chỉ riêng ấp Bình Minh 2, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời đã có hơn 20 điểm sụt lún, có chỗ lún sâu từ 2-3m.

Bà Hồ Kiều Ngân - ở ấp Bình Minh 2 - cho biết, sụt lún khiến việc đi lại của người dân rất khó khăn, thương lái cũng không thể chạy xe tải vào thu mua nông sản nên nông dân phải chở nông sản ra ngoài bằng xe máy, tốn kém công sức và chi phí. Ông Nguyễn Minh Đức - ở ấp Bảy Ghe, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời - cho hay, đoạn đường trước nhà ông vừa mới được mở rộng 3m thì bị sụt lún nên ông phải bỏ tiền ra thuê xe cuốc múc đất ruộng để lấp đường.

Sụt lún nghiêm trọng tuyến đường nông thôn huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang
Sụt lún nghiêm trọng tuyến đường nông thôn huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang

Tình trạng sụt lún đất cũng xảy ra trên diện rộng ở tỉnh Kiên Giang. Ông Nguyễn Văn Trân - ở ấp Minh Thoại, xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng - cho biết, dọc tuyến đường ĐT 965, có hơn 100 điểm sụt lún nặng, nhiều điểm lún nguyên phần đường. Vào mùa khô, người dân không thể chở chuối ra ngoài để bán cho thương lái nên đành vứt bỏ. Mùa mưa, nhờ có nước, bà con dùng xuồng chở chuối từ vườn ra đường lớn để bán, chấp nhận tốn công sức, chi phí. Tình trạng sụt lún đường xảy ra phổ biến từ khoảng cuối tháng 3, đầu tháng 4/2024, có ngày sụt lún hàng chục điểm.

Ông Phạm Thành Ðược - Chủ tịch UBND xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau - cho biết, toàn xã có 280 vị trí sụt lún, tổng chiều dài 7,7km. Tại các điểm sụt lún, UBND xã phải thuê các công ty múc đất ruộng lên san lấp, gia cố mặt đường.

Theo ông Nguyễn Thế Châu - Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời - HĐND huyện đã thông qua ngân sách, dự toán kinh phí khắc phục những vị trí sụt lún, làm cơ sở đấu thầu sửa chữa, trong đó ưu tiên những tuyến đường huyết mạch liên xã, ưu tiên những xã đang xây dựng nông thôn mới. UBND huyện cũng vận động người dân hạn chế sản xuất lúa vụ ba để tránh mất nguồn nước, gây sụt lún.

Ông Nguyễn Thum Em - Chủ tịch UBND huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang - cho hay, toàn huyện có gần 500 điểm sụt lún, tổng chiều dài gần 11km, gần 50 căn nhà bị ảnh hưởng với tổng thiệt hại hàng trăm tỉ đồng. UBND huyện đã xây dựng kế hoạch khắc phục thiệt hại, lập kế hoạch, tổ chức mời thầu để gia cố, sửa chữa những tuyến lộ giao thông nông thôn bị sụt lún nặng. UBND huyện cũng tiếp tục vận động các hộ có nhà ven kênh, rạch ở vùng đệm U Minh Thượng di dời đến nơi an toàn.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết, sụt lún xảy ra nhiều nơi là do mùa mưa năm 2023 kết thúc sớm, nắng nóng kéo dài khiến nước bốc hơi mạnh, cộng với cao độ đáy một số kênh trong nội vùng khá sâu do bị nạo vét để lấy đất san lấp mặt bằng. Việc thi công đường trên nền đất yếu mà không kè kỹ cũng là nguyên nhân dẫn đến sụt lún đường.

Theo ông Lê Hữu Toàn - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang - UBND tỉnh đã công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai do sụt lún ở huyện U Minh Thượng, đồng thời giao sở chủ trì khắc phục hậu quả thiên tai, nghiên cứu trình UBND tỉnh phê duyệt dự án chống ngập và chống hạn vùng đệm U Minh Thượng, dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đê bao ngoài, xây dựng cống, trạm bơm để điều tiết nước. Sở đã trình UBND tỉnh các giải pháp khắc phục sụt lún ở huyện U Minh Thượng theo hướng căn cơ, lâu dài.

Phú Hữu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI