Xe lửa ơi! Đã xa rồi còn đâu? Tôi mượn lời bài hát Xe đạp ơi! của nhạc sĩ Ngọc Lễ để nói lên nỗi niềm đi xe lửa ngày nay.
|
Ngành đường sắt cần có sự thay đổi, cạnh tranh để nâng cao chất lượng, phục vụ hành khách tốt hơn. Trong ảnh: Khách đi xe lửa tại ga Sài Gòn - ẢNH: NGUYỄN QUANG |
Lâu lắm rồi, tôi mới đi xe lửa đường dài. Đơn giản là vì giá cả và dịch vụ không tương xứng. Thiên hạ râm ran nhiều chuyện tiêu cực về dịch vụ. Tôi không quen tin lời đồn và muốn kiểm chứng. Hè năm ngoái, ra Hà Nội, ghé vào ga Hàng Cỏ. Mùa cao điểm du lịch nhưng nhà ga vắng như chùa Bà Đanh. Xem bảng giá, giật mình vì vé ngồi mềm xe lửa đắt hơn vé máy bay giá rẻ.
Đi xe lửa được ngắm cảnh đẹp hơn tranh vẽ dọc đường đất nước, nên vẫn có nhiều du khách lựa chọn. Vé máy bay, các hãng cùng cạnh tranh theo mùa và nhu cầu. Với xe đò, mức độ cạnh tranh càng khốc liệt hơn khi các hãng chạy đua nâng chất xe giường nằm và dịch vụ đưa rước tận nhà, giá cả cực mềm. Hãng xe Hà Sơn - Hải Vân chạy tuyến Hà Nội - Lào Cai còn bao luôn buffet (như hạng thương gia hàng không) trong giá vé…
Đường bộ, đường hàng không đều “tăng tốc”, chỉ có đường sắt vẫn đủng đỉnh “một mình một chợ”, chấp nhận lỗ dài dài. Thời bao cấp, xe lửa tung hoành vì xe đò ít và chất lượng kém, máy bay giá quá cao. Thời thế đã đổi thay, nhưng xe lửa ít chịu thay đổi.
Chiều 28/2, từ Phú Yên về Sài Gòn, máy bay hết vé, xe đò phải đợi đến 17g mới có chuyến, nên tôi muốn trải nghiệm lại các dịch vụ đường sắt và chọn xe lửa, chuyến 14g30. Tôi chọn khoang 4 giường. Sân ga Phú Yên loe hoe, chưa tới 10 khách đang đợi tàu. Giá vé gần 1.150.000 đồng, gấp 3 lần xe limousine giường nằm cao cấp, gấp 4,5 lần xe giường nằm tiện nghi. Nhưng bất ngờ hơn là chất lượng và dịch vụ đường sắt.
“Điểm cộng” là giường xe lửa có không gian và lối đi riêng, góc nhìn rộng để ngoạn cảnh, có bàn làm việc chung từng khoang. Nhưng “điểm trừ” là ồn, độ rung lắc lớn nên khó ngủ. Thời gian di chuyển tuyến Phú Yên - Sài Gòn, xe đò mất 7 tiếng rưỡi, xe lửa mất 12 tiếng rưỡi. Xe lửa không có wifi. Tệ nhất là nhà vệ sinh và ăn uống, dù so với thời bao cấp đã có nhiều cải tiến. Không gì hãi bằng nhà vệ sinh mất nước, dơ bẩn, có lúc phải chờ vài giờ mới có nước lại. Chất lượng bữa ăn kém, gạo dở, thức ăn đơn điệu, phục vụ kiểu bao cấp và giá không hề rẻ.
Nâng cấp chất lượng vận chuyển (đường sắt, đầu máy, toa tàu, ghế, giường…) cần rất nhiều tiền và thời gian. Thế nhưng, lắp thêm wifi, đảm bảo nhà vệ sinh luôn sạch sẽ, đa dạng thức ăn, thức uống, thay đổi cung cách và thái độ phục vụ đều có thể làm ngay và không tốn kém lắm. Để thu hút hành khách, giá cả phải cạnh tranh, linh động, có thuyết minh vắn tắt hành trình và các địa danh đi qua.
Đến bao giờ tư nhân có thể tham gia cạnh tranh vận chuyển đường sắt như hàng không, đường bộ? Để xã hội hóa đường sắt, nếu doanh nghiệp tư nhân chưa đủ lực để lập hãng riêng thì Nhà nước có thể tổ chức đấu thầu cung cấp dịch vụ trên từng đoàn tàu để tạo sự cạnh tranh.
Trong bối cảnh đổi mới hiện nay, đường sắt buộc phải thay đổi, làm “cuộc cách mạng” triệt để nhằm xóa dần bao cấp, trì trệ, tham gia hiệu quả vào việc góp phần phát triển kinh tế, đặc biệt là du lịch, cạnh tranh sòng phẳng với hàng không và đường bộ như các nước đã làm từ rất lâu.
Dù thất vọng về dịch vụ xe lửa hiện nay, nhưng tôi vẫn luôn có niềm tin là sắp tới, đường sắt sẽ thay đổi mạnh mẽ và ước mơ, một ngày không xa, xe lửa Việt Nam sẽ trở lại thời hoàng kim với các chuyến tàu tốc hành, tiện nghi, hiện đại, sạch đẹp; ít nhất cũng được như tuyến tàu cao tốc Vientiane - Luang Prabang của Lào.
Nguyễn Vũ Mộc Thiêng