Chiều 29/6, Phó thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh có buổi làm việc với UBND TPHCM về tình hình thực hiện các dự án ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài tại thành phố.
Theo Phó thủ tướng, dù tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến khó lường, phát triển kinh tế khó khăn, nhưng mục tiêu của Chính phủ trong năm nay là tập trung giải ngân đầu tư công, trong đó có dự án vốn ODA và đặc biệt tập trung giải ngân vốn ODA cho các dự án của TPHCM.
|
Ông Phạm Bình Minh đi thị sát công trường tuyến Metro 1 tại TPHCM sáng 29/6 |
“Quan trọng là nguồn vốn phân bổ năm 2020 là 15.532 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn này dự kiến sẽ giải ngân 60.000 tỷ đồng và có thể cao hơn nữa vì Quốc hội cho phép tăng thêm. TPHCM chiếm 1/4 kế hoạch vốn trong năm 2020 và có nhiều dự án ODA nhất cả nước, gồm 9 dự án lớn”, ông Minh cho biết.
Tuy nhiên, dù hết sức tập trung nguồn vốn đầu tư công, nhưng trong 6 tháng đầu năm nay, giải ngân vốn ODA của thành phố mới chỉ đạt 1/5 kế hoạch giao vốn.
Phó thủ tướng muốn nghe lãnh đạo thành phố báo cáo khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải ngân, nhất là một số lượng lớn dự án chưa giải ngân như dự án cải thiện, vệ sinh môi trường giai đoạn 2.
Ông Võ Văn Hoan - Phó chủ tịch UBND TPHCM - cho hay, trong 9 dự án vốn vay ODA của thành phố, có 6 dự thuộc nhóm A, 3 dự án nhóm B, với tổng vốn đầu tư 122.567 tỷ đồng. Trong đó, nguồn ODA chiếm 102.000 tỷ đồng, vốn đối ứng của thành phố gần 20.000 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2020 chỉ giải ngân 20,7% và 5 năm qua giải ngân 7.726 tỷ đồng.
Việc giải ngân chậm do nhiều nguyên nhân, như một số dự án phải điều chỉnh như giao thông xanh, vệ sinh môi trường, mở rộng mạng lưới cấp nước… Các dự án Metro 1, 2 mới được điều chỉnh phê duyệt tổng mức đầu tư nhưng còn một số nội dung cũng đang chuẩn bị kế hoạch nhà thầu nên chưa giải ngân được đồng nào.
Tuyến Metro 1 còn nhiều hạng mục công trình đang làm, nhiều hạng mục chậm do thiết bị, hàng hóa chưa về kịp. Metro 2 cũng đang tạm dừng đấu thầu các gói thầu cũ vì không còn hợp quy định hiện hành. Thời gian thực hiện kéo dài, nên cần đàm phán lại hợp đồng cho phù hợp với tình hình thực tế.
Ngoài ra, về các dự án nguồn đầu tư nước ngoài FDI, 6 tháng đầu năm thu hút 533 dự án với tổng vốn 294 triệu USD. Có 93 dự án điều chỉnh từ các năm trước, tăng đầu tư 97 triệu USD, nhưng không đáng kể. Thành phố có 8 dự án lớn đã kéo dài 20 năm như khu phức hợp Thủ Thiêm Smart city…
|
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh đã trực tiếp thị sát, kiểm tra công tác xây dựng, hoàn thiện nhà ga trên cao Công nghệ cao, nhà ga ngầm Ba Son, đường hầm TBM, nhà ga ngầm Nhà hát Thành phố - Ảnh: Diễm Mi |
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong khẳng định năng lực giải ngân của thành phố không kém cỏi, việc chậm là do vướng mắc từ nhiều cơ quan. Thẩm quyền của thành phố thì có nhưng phải… hỏi ý kiến các bộ.
Ví dụ riêng vướng mắc trong việc vay và trả tiền bằng tiền Yên hay tiền Đồng thôi, thì từ tháng 5/2019 đến nay, UBND TPHCM đã nhiều lần gửi các công văn cho Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch đầu tư nhưng vẫn chưa nhận được sự thống nhất của hai bộ này. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến tuyến Metro 1 khiến cho việc phát triển giao thông công cộng của thành phố khó khăn.
“Sau khi giải quyết được việc thay đổi tổng mức đầu tư ban đầu, giờ lại vướng vụ đồng tiền nào. Cứ đến gần Tết là các nhà thầu dọa lãng công, vì không giải ngân được. Thành phố đã phải phải tạm ứng gần 5.000 tỷ từ ngân sách địa phương để giải quyết”, ông Phong nói và đề nghị Chính phủ và các bộ ngành tập trung giúp thành phố đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Hiện nay Metro 2 có công tác chuẩn bị GPMB thuận lợi, các quận huyện chủ động phấn đấu bước qua 2021 sau Đại hội Đảng sẽ khởi công. Có một vấn đề liên quan tiền GPMB, tính từ năm 2017, giờ năm 2020 giá đã khác, nhưng theo ông Phong, thành phố xác định không tăng tổng mức đầu tư để tập trung triển khai. Sau này sẽ báo cáo HĐND thành phố tái cơ cấu vốn.
Ông Phong cũng nhấn mạnh, giao thông là mấu chốt trong sự phát triển của TPHCM. Trước áp lực tăng dân số tăng nhanh, trong khi hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, phát triển không đồng bộ. Trong 3 năm qua chỉ đạt 30% tổng số 172km đường theo nghị quyết. Đất dành cho giao thông mới chỉ đạt 8% trong khi chuẩn là từ 22-23%. Hạ tầng giao thông kết nối giữa thành phố với các địa phương cực kỳ khó khăn. Nếu không sớm cải thiện, rất khó cho công cuộc phát triển.
|
Dự án metro số 1 có tổng chiều dài 19,7km, trong đó có 2,6km đi ngầm và 17,1km trên cao. Dự án được khởi công xây dựng từ tháng 8/2012 - Ảnh: Diễm Mi |
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng, giải quyết vướng mắc trong giải ngân ODA của TPHCM sẽ đóng góp vào tình hình giải ngân ODA của cả nước. Ông đề nghị giải quyết cho chuyên gia cao cấp, nhà đầu tư quay trở lại sau dịch. Nếu Metro 1 có số chuyên gia trong số này đông thì có thể giải quyết cách ly tại cơ sở sản xuất như một số nơi đã được áp dụng.
Vấn đề Yên Nhật hay Đồng Việt, ông Minh cho hay Văn phòng Chính phủ đã có công văn ngày 29/5/2019 cơ bản thống nhất vay bằng tiền nào, trả bằng tiền đó. Hiệp định vay sử dụng tiền Yên cho vay, thì sau này trả bằng Yên.
Liên quan Metro 1, ông đề nghị Bộ Tài chính cố gắng đầu tháng 7 trả lại phần thành phố đã tạm ứng để cố gắng thúc đẩy vào tháng 10 dự án có thể chạy thử kỹ thuật.
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh thị sát tuyến Metro số 1
Trong sáng cùng ngày, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cũng đã đi thăm công trường thi công tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đã đạt tiến độ 73,5%.
|
Tại buổi thị sát, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh động viên các chuyên gia Nhật Bản đang làm việc tại công trường. Đặc biệt trong thời gian dịch COVID-19, các chuyên gia nước ngoài gặp khó trong việc nhập cảnh Việt Nam đã được chính phủ Việt Nam hỗ trợ, đưa đến địa điểm cách ly 14 ngày, sau đó tiếp tục tham gia làm việc tại dự án. |
Theo ông Bùi Xuân Cường - Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM, hệ thống metro của thành phố gồm 8 tuyến xuyên tâm và vành khuyên cùng 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray. Tổng chiều dài của toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị TPHCM xấp xỉ 220km, với tổng vốn đầu tư ước tính gần 25 tỷ USD.
Các nhà thầu đang nỗ lực thúc đẩy tiến độ thi công để tuyến metro số 1 có thể hoàn thành vào cuối năm 2021. Bên cạnh đó, tuyến Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) cũng đang tập trung chuẩn bị các thủ tục khởi công vào năm 2021. Trong năm nay, TPHCM cũng sẽ thông qua chủ trương đầu tư giai đoạn 1 tuyến Metro số 5, kết nối với Metro số 1 và 2.
Diễm Mi - Quốc Ngọc
|
Quốc Ngọc