Một đường sách phải ngừng hoạt động
Thông tin Đường sách Vũng Tàu sẽ phải dừng hoạt động từ tháng 10/2023 khiến nhiều phụ huynh, bạn đọc cùng những người quan tâm đến văn hóa đọc tiếc nuối. Sau nhiều cuộc họp bàn, UBND TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) đã đề nghị Công ty TNHH Ngôi Sao Biển Sài Gòn - chủ đầu tư Đường sách Vũng Tàu - thông báo đến các đơn vị đang kinh doanh tại đây dừng hoạt động, tháo dỡ và hoàn trả lại toàn bộ hiện trạng mặt bằng trước ngày 20/10/2023.
|
Một chương trình sôi động dành cho thiếu nhi tại Đường sách Vũng Tàu, trước khi nhận quyết định tháo dỡ, dừng hoạt động. Nguồn ảnh: Đường sách Vũng Tàu. |
Có nhiều lý do dẫn đến điều này: Đường sách Vũng Tàu sau 5 năm thí điểm được đánh giá hoạt động không hiệu quả, Công ty Ngôi Sao Biển chưa đóng tiền thuế đất (2,5 tỉ đồng); dự án còn vướng nhiều thủ tục pháp lý, chưa được phê duyệt… Đến thời điểm này, chỉ còn 2 đơn vị trụ lại ở đường sách là Nhà xuất bản Trẻ và Nhà xuất bản Kim Đồng.
Hụt hẫng và đau lòng là cảm giác chung của những người từng gắn bó, dõi theo Đường sách Vũng Tàu trong nhiều năm qua. Mô hình Đường sách từ TPHCM được nhân rộng về các tỉnh, thành với kỳ vọng sẽ trở thành không gian văn hóa có ý nghĩa, góp phần lan tỏa văn hóa đọc. Đó không chỉ là nơi vui chơi, giải trí cho người dân mà còn là không gian văn hóa, diện mạo của đô thị.
Trong suốt thời gian tồn tại, Đường sách Vũng Tàu cũng đã có được nhiều chương trình hay, bổ ích dành cho bạn đọc thành phố biển, đặc biệt là các em nhỏ. Đối mặt với nhiều khó khăn, các đơn vị làm sách vẫn luôn nỗ lực, cùng nhau kết nối, tạo dựng không gian sinh hoạt văn hóa có ý nghĩa. Việc Đường sách Vũng Tàu dừng hoạt động là sự tiếc nuối nhưng cũng là bài học, là nỗi lo chung cho các đường sách địa phương.
Cố gắng vì giá trị chung
Hiện nay, ngoài Đường sách Vũng Tàu, còn có Phố sách Hà Nội, Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Đường sách TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) và Đường sách TP Thủ Đức vừa khởi công. Trong tương lai, mô hình đường sách dự kiến tiếp tục được nhân rộng về nhiều tỉnh, thành khác.
|
Đường sách không chỉ là nơi vui chơi, giải trí của người dân mà còn là không gian văn hóa, diện mạo của đô thị - Nguồn ảnh: Đường sách TPHCM |
Tuy nhiên, để duy trì lâu dài và hoạt động hiệu quả cũng là thách thức đối với nhà quản lý lẫn những đơn vị làm sách.
Chị Trần Đoàn Thùy Linh - Giám đốc Công ty TNHH Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột - cho biết, việc duy trì hoạt động đều đặn cho Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột thời gian qua cũng gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên nhờ chủ sở hữu Công ty TNHH Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột cũng là công ty truyền thông sự kiện nên ngoài việc vận hành đường sách, công ty còn tổ chức thêm nhiều hoạt động khác ở đây.
“Nói vui là lấy đầu này đắp đầu kia. Công ty vẫn đóng thuế đất hằng năm cho tỉnh theo quy định. Trong thời gian dịch bệnh, việc kinh doanh bị gián đoạn và gặp rất nhiều khó khăn, tỉnh cũng tạo điều kiện hỗ trợ cho công ty được giãn thời gian đóng thuế. Chúng tôi cũng thường xuyên kêu gọi sự hợp tác từ các đơn vị, doanh nghiệp cùng tham gia tổ chức sự kiện văn hóa tại đường sách” - chị Thùy Linh chia sẻ. Từ đầu năm 2023 đến nay, Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột tổ chức được khá nhiều hoạt động có ý nghĩa với cộng đồng.
Với Đường sách TP Cao Lãnh, sau gần 1 năm hoạt động đã thu hút hơn 80.000 lượt người tham dự (theo thống kê của ban điều hành). Nhiều hoạt động được tổ chức: giao lưu tác giả - tác phẩm, trưng bày sách, triển lãm tranh; tổ chức các hội thi vẽ tranh, các hoạt động ngoại khóa dành cho thiếu nhi…
“Trong thời gian tới, UBND TP Cao Lãnh sẽ tiếp tục chỉ đạo ban điều hành đường sách phối hợp các ban, ngành liên quan tổ chức nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn hơn nữa; đảm bảo các gian hàng hoạt động hiệu quả, đồng thời tăng cường công tác truyền thông và vận động nguồn xã hội hóa” - bà Lê Thị Mai Trinh - Phó chủ tịch UBND TP Cao Lãnh -
cho biết.
“Phải nói rằng, để đường sách có thể duy trì hoạt động hiệu quả, cần sự hỗ trợ, phối hợp và nỗ lực từ nhiều phía. Rất cần có sự ủng hộ, chỉ đạo từ phía lãnh đạo tỉnh cũng như sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tổ chức các hoạt động, các sự kiện. Bên cạnh đó, bản thân ban quản lý, các đơn vị có gian hàng cũng cần nỗ lực để thu hút bạn đọc, người dân, xem đó như là điểm đến văn hóa quen thuộc tại địa phương” - ông Lê Hoàng - Giám đốc Công ty TNHH Đường sách TPHCM - nói.
Ngày 31/8, Đường sách TPHCM có cuộc họp thảo luận về việc xây dựng hoạt động dành cho học sinh và thành lập Câu lạc bộ Chuyên gia văn hóa đọc Đường sách TPHCM. Điều này xuất phát từ nhu cầu thực tế và theo đề nghị từ các trường THCS, THPT trên địa bàn thành phố. Buổi họp nhằm xây dựng chuỗi đề tài dài hơi cho cả Đường sách TPHCM và Đường sách TP Thủ Đức trong thời gian tới. Nhận định của ông Lê Hoàng cũng là điều cần ban điều hành đường sách tại các địa phương lưu tâm: “Ngay cả khi hoạt động hiệu quả và phát triển, chúng ta vẫn cần phải nghĩ đến những giải pháp căn cơ, hướng đi lâu dài cho không gian đường sách”.
Lục Diệp