Đường sách tôi yêu

11/12/2023 - 06:43

PNO - Người Sài Gòn có truyền thống mê sách và báo. Các thư viện luôn đông đúc và chật người đến tìm đọc, nghiên cứu nhưng do quy định về giờ giấc, trật tự nên chỉ phù hợp với một số người.

Đường sách TPHCM thu hút nhiều người đến tìm mua và đọc sách trong không gian mở và thư giãn - ẢNH: THÀNH LÂM
Đường sách TPHCM thu hút nhiều người đến tìm mua và đọc sách trong không gian mở và thư giãn - Ảnh: Thành Lâm

Sài Gòn - TPHCM là nơi gửi thương, gửi nhớ suốt một thời niên thiếu của tôi. Đó là nơi có con đường học trò, có lá me bay, công viên ghế đá, những con hẻm nhỏ luôn rộn rã tiếng cười vui của lũ trẻ, ngôi trường danh tiếng, dấu yêu một thuở của nhiều thế hệ thầy trò Sài Gòn: Pétrus Ký. Song có lẽ, những nơi có liên quan đến sách mới là nơi tôi có nhiều ấn tượng và kỷ niệm lẫn tự hào cùng bạn bè đồng trang lứa.

Người Sài Gòn có truyền thống mê sách và báo. Các thư viện luôn đông đúc và chật người đến tìm đọc, nghiên cứu nhưng do quy định về giờ giấc, trật tự nên chỉ phù hợp với một số người. Do đó, các tiệm sách được nhiều thành phần, từ giới bình dân đến người có học thức cao, tìm đến xem và mua sách. Ở tiệm sách cũng luôn có những cô cậu học trò nhỏ lui tới để coi ké truyện tranh. Trong số những cô cậu học trò nhỏ thuở đó, luôn có mặt tôi và một số bè bạn. 

Các tiệm sách nổi tiếng thời đó mà nhiều người Sài Gòn hay lui tới là Phúc Thành, Vân Hữu, Vĩnh Bảo, Nguyễn Trung... Riêng nhà sách Khai Trí của ông Nguyễn Hùng Trương ở đường Lê Lợi thì hầu như người dân miền Nam và người dân Sài Gòn nào cũng biết. Những người mê đọc sách, tìm mua sách, đều ít nhất một lần ghé Khai Trí, bởi cách thức mua bán, trình bày, giới thiệu sách ở đây luôn khoa học, rõ ràng, thu hút.

Muốn tìm mua sách, báo cũ, giá rẻ, kể cả các loại sách cổ, quý hiếm, những “con mọt sách” lại có thể tìm đến đoạn đường Lê Lợi cắt ngang với đường Công Lý (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa) và Pasteur, phía tường sau lưng Bộ Công chánh (ngày nay là Sở Giao thông Vận tải TPHCM). Ngoài ra, còn có những sạp sách trên lề đường Tôn Thất Đạm, Nguyễn Huệ hay Phạm Ngũ Lão, Ký Con...

Nhưng thuở đó, người ta đến với các tiệm sách, sạp, quầy sách chủ yếu là để tìm mua sách, đọc sách. Việc gặp gỡ, giao lưu với những tác giả mà mình yêu mến, tôn sùng, nhất là những tác giả ở ngay Sài Gòn, là điều khó thực hiện, kể cả chỉ để xin một chữ ký làm kỷ niệm.

Sau này những “chợ sách”, “đường sách” tự phát cũng bắt đầu xuất hiện ở nhiều nơi. Song có lẽ, “đường sách” Đặng Thị Nhu - khúc nối liền giữa 2 đường Ký Con và Calmette, bày bán đủ loại sách cũ, mới, kể cả sách nhập từ nước ngoài vào - là thu hút nhất với những người “chơi sách”, sưu tầm sách, kể cả người từ miền Trung, miền Bắc vào. Nhà nghiên cứu văn hóa, học giả Vương Hồng Sển, nhà văn Sơn Nam và nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi khác cũng thường lui tới các quầy, sạp sách ở đây để tìm kiếm và mua các sách báo có giá trị cao về nghiên cứu, học thuật trong và ngoài nước.

Từ những dấu ấn đặc biệt và nhu cầu đọc sách, nghiên cứu của người dân, đặc biệt là giới sinh viên, học sinh, xuất phát từ nhiều ý tưởng của các bạn đọc và các tác giả của Báo Tuổi Trẻ, một đường sách như mong ước của nhiều người đã được UBND TPHCM chính thức khai trương vào ngày 9/1/2016.

Đường sách hình thành trên đoạn đường mang tên Nguyễn Văn Bình, thuộc phường Bến Nghé, quận 1 sau 3 tháng xây dựng. Đây là con đường nhỏ, dài khoảng chừng 150m, nối từ đường Hai Bà Trưng đến đường Công Xã Paris, bên hông nhà thờ Đức Bà và sát với Bưu điện TPHCM. Đường sách TPHCM được chia thành 3 khu vực riêng biệt: gian hàng sách, khu triển lãm, khu cà phê sách. Gian hàng sách quy tụ 20 quầy sách của những đơn vị xuất bản nổi tiếng với rất nhiều đầu sách hay, thu hút những người yêu sách tìm đến đọc giữa một không gian mở và thư giãn.

Triển lãm có lẽ là khu vực được yêu thích nhất, vì là nơi quy tụ các nhà sưu tập sách cũ, sách quý hiếm, cũng là nơi thường xuyên tổ chức giao lưu giữa tác giả và độc giả. Ngoài ra, bạn có thể tìm đến khu cà phê sách nằm ở phía Bưu điện TPHCM để vừa đọc sách, vừa uống nước hay chụp ảnh. Đường sách đã trở thành “người bạn” thân thiết của tôi không biết tự lúc nào.

Tại đây, buổi đầu, tôi đã nghe và giao lưu với học giả, giáo sư Larry Berman - tác giả quyển Điệp viên hoàn hảo - trong lần tái bản và bổ sung tác phẩm mà tôi đặc biệt ưa thích. Ngày nghỉ hay những lúc rảnh rỗi, tôi lại rủ một vài người bạn vốn là văn nghệ sĩ ra đường sách uống cà phê và tìm kiếm những quyển sách còn thơm mùi mực in, giấy mới để mua, bổ sung cho tủ sách của mình.

Những cái tên, tác giả là nhà văn, nhà thơ cùng thời với tôi đã định hình tên tuổi của mình tại Sài Gòn - TPHCM như Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Thái Dương, Hồ Thi Ca, Phạm Công Luận, Phạm Sỹ Sáu... cũng gặp gỡ, ra mắt, giới thiệu và ký tặng sách ở đây, với bao kỷ niệm, cùng sự trân quý.

Trước đây, khi chưa có Đường sách Nguyễn Văn Bình, muốn tìm hay gặp gỡ các cây viết của Sài Gòn, địa điểm quen thuộc thường là quán nhậu số 81 Trần Quốc Thảo, nơi có tòa soạn Báo Văn nghệ TPHCM, Hội Nhà văn TPHCM. Song, nơi đây lại rất bất tiện cho các bạn trẻ, nhất là sinh viên, học sinh. Khi đã có đường sách, các em vô tư, hồn nhiên đến, chờ đợi, gặp mặt thần tượng, trao đổi, tâm sự và xin chữ ký một cách dễ dàng. Cho nên, một số trường phổ thông, trường đại học đã tổ chức cho học sinh, sinh viên đến đường sách, gặp các nhà văn, nhà thơ mà các em đã được học tác phẩm của họ, từ đó tạo ra nhiều ấn tượng đẹp khó quên.

Tiếng lành bay xa, nhiều nhà nghiên cứu, học giả gốc Việt từ các nước Úc, Đức, Mỹ... như Nguyễn Đức Hiệp với 3 tác phẩm Nghiên cứu về Sài Gòn - Chợ Lớn, Nguyễn Duy Chính với bộ sách 8 quyển viết về Thời đại Tây Sơn với Thanh Triều đều ra mắt sách, ký tặng ở đường sách.

Đường sách còn trở thành không gian hội tụ quan trọng cho những cuộc gặp gỡ thú vị, không liên quan đến sách, như tuần lễ triển lãm áo dài và tưởng nhớ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, triển lãm ảnh nghệ thuật, triển lãm phóng sự ảnh về biển đảo, về hoạt động cộng đồng. Mới nhất là triển lãm tranh và gốm Biên Hòa của nhóm nghệ nhân trẻ, gợi lại nhiều ký ức một thời của Nam Bộ.

Gần đây, Hội đồng Anh cũng chọn Đường sách TPHCM để tổ chức hoạt động “Shakespeare sống mãi”, tưởng niệm 400 năm ngày văn hào William Shakespeare qua đời.

Sách, tóm lại là tri thức, khoa học, văn học và cả nhân học. Đường sách TPHCM chính là niềm tự hào, là nơi để đến, tìm hiểu tất cả “tri thức, khoa học, văn học, nhân học” của TPHCM, cả nước và thế giới. Ai đã vài lần đến với đường sách sẽ nhận thấy con người văn minh, lịch sự hơn, chắc sẽ có vài kỷ niệm để yêu mến và gửi thương, gửi nhớ, để mãi mãi không quên. 

Tác phẩm tham gia cuộc thi viết về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, chủ đề “Thành phố của tôi” xin gửi về: tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, quận 3, TPHCM; ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi” hoặc gửi qua email: saigon-tphcm@baophunu.org.vn; tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi”.
Cơ cấu giải thưởng: 
- 1 giải Đặc biệt trị giá 70 triệu đồng.
- 1 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng.
- 2 giải Nhì, trị giá 40 triệu đồng/giải.
- 3 giải Ba, trị giá 30 triệu đồng/giải.
- 10 giải Khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng/giải.
- 1 giải Bài viết hay nhất về phụ nữ TPHCM trị giá 30 triệu đồng.
- 1 giải Bài viết hay dành cho tác giả là người nước ngoài, kiều bào sinh sống ở nước ngoài, trị giá 30 triệu đồng.
- Giải tháng: 10 triệu đồng/giải.
Ngoài ra, còn có các giải ấn tượng do ban giám khảo bình chọn cho bài viết chân dung phụ nữ, tác giả nữ cao tuổi nhất, tác giả có nhiều bài chất lượng nhất… Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM sẽ xem xét trao giải cho bài viết hay vào mỗi quý.
Xem thông tin chi tiết về cuộc thi tại đây
https://www.phunuonline.com.vn/cong-bo-cuoc-thi-viet-thanh-pho-cua-toi-a1503685.html.


Trần Vĩnh (thành phố Katy, tiểu bang Texas, Mỹ)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI