Hẻm 2 Phan Chu Trinh (TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk), trước khi trở thành đường sách, từng được xem là một không gian chết - nguy hiểm, nhiều tệ nạn. Vậy mà, chỉ sau bốn tháng đường sách đi vào hoạt động, nơi này đã trở thành điểm đến đậm dấu ấn văn hóa, nghệ thuật và khơi dậy, làm sống động những giá trị văn hóa bản địa.
Để đường sách trở thành đặc sản
Đại diện từ bốn đơn vị đường sách, phố sách (TP.HCM, Hà Nội, Vũng Tàu, Đắk Lắk) vừa có buổi ngồi lại với nhau để sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2019. “Tân binh” Đường sách Cà phê Buôn Ma Thuột bất ngờ tạo ấn tượng với kết quả sau bốn tháng hoạt động: 37 sự kiện đã được tổ chức, trong đó có 2 triển lãm ảnh, 8 chuyên đề nghệ thuật về văn hóa Tây Nguyên và cà phê.
|
Đường sách Cà phê Buôn Ma Thuột đang dần trở thành điểm đến thu hút người dân địa phương và du khách |
Tận dụng thế mạnh văn hóa bản địa, không gian Đường sách Cà phê Buôn Ma Thuột đã thu hút công chúng bằng các chương trình biểu diễn cồng chiêng, hình ảnh Buôn Ma Thuột qua các thập niên 1950-1960, du ca đường phố, trình diễn nhạc cụ dân tộc… Các triển lãm ảnh, chương trình nghệ thuật cũng lấy chủ đề về hoa văn thổ cẩm Ê đê, voi trong đời sống văn hóa Tây Nguyên, cà phê đặc sản… Cứ thế, không chỉ người dân địa phương mà du khách ghé thăm đường sách cũng được dự phần tìm hiểu, thưởng thức không gian văn hóa đậm sắc đại ngàn.
Ông Phạm Thanh Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Đường sách Cà phê Buôn Ma Thuột - cho biết, hẻm 2 Phan Chu Trinh trước đây nhiều tệ nạn. “Hiện nay, nơi đây đã trở thành con đường xanh mát, không rác thải nhựa, đón trung bình khoảng 460 lượt khách/ngày; có 15 gian hàng cho thuê với 15 kiểu dáng khác nhau để du khách chụp ảnh. Chúng tôi kinh doanh theo tỷ lệ: nếu là gian hàng cà phê - sách thì cà phê chiếm 70%, sách 30%. Nếu là gian hàng sách - cà phê thì tỷ lệ ngược lại.
Chính vì có cà phê kinh doanh kèm nên các gian hàng rất tự tin nhập sách về bán mà không sợ bị lỗ. Hiện còn 4 gian trống, có nhiều lời đề nghị cho thuê bán cà phê thuần túy nhưng chúng tôi không đồng ý, vẫn đang chờ các nhà xuất bản ở TP.HCM lên. Sách mới là mục đích trọng tâm” - ông Tuấn nói.
Diện tích Đường sách Cà phê Buôn Ma Thuột khá nhỏ hẹp so với những đường sách khác. Chủ đầu tư chọn thiết kế theo cách riêng: mở gác, nối các gian lại với nhau. Các bức bích họa cũng là điểm nhấn bắt mắt, tạo được dấu ấn riêng cho đường sách Tây Nguyên.
|
Đường sách TP.HCM |
Ông Lê Hoàng - Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Trưởng văn phòng đại diện phía Nam - cho rằng, việc đường sách gắn liền với các giá trị văn hóa bản địa rất cần được bàn sâu thêm, khi mô hình đường sách tiếp tục phát triển đến các tỉnh thành khác trong tương lai gần. “Chúng tôi vận hành đường sách theo cách kết hợp giữa sách và nhiều yếu tố phụ trợ khác, nhưng cốt lõi vẫn theo tiêu chí giữ vững ba trụ cột: văn hóa bản địa, văn hóa cà phê và văn hóa đọc” - ông Phạm Thanh Tuấn nói thêm.
Tự tin vào kết quả kinh doanh, hiện Đường sách Cà phê Buôn Ma Thuột còn “rộng cửa” miễn phí gian hàng trong một năm cho các đơn vị xuất bản ở TP.HCM, cùng cam kết sẽ bù lỗ nếu sau ba tháng đơn vị thuê hoạt động không sinh lời. Đường sách Cà phê Buôn Ma Thuột còn đặt mục tiêu trong vòng ba năm tới, đây sẽ là “con đường hạnh phúc”, với hàng ngàn lượt khách/ngày.
Nhận khuyết để bước tiếp
Những tín hiệu lạc quan ở Đường sách Cà phê Buôn Ma Thuột khiến những người điều hành các đường sách đang trong tình trạng “èo uột” phải nhìn lại. Đường sách TP.Vũng Tàu, sau một năm rưỡi hoạt động, chưa thấy gì khả quan hơn. Doanh thu sáu tháng đầu năm 2019 chỉ đạt 3 tỷ đồng (Đường sách TP.HCM đạt doanh thu trên 22 tỷ đồng). Trong đó, doanh thu sách ước tính chỉ chiếm 20%. “Đa số khách đến đường sách chỉ sử dụng các dịch vụ phụ trợ. Cho nên, để sách vận hành và hoạt động đơn lẻ rất khó. Hiện chúng tôi đang tổ chức lại, liên kết các gian hàng sách trong cùng một không gian, kết hợp thêm nhiều dịch vụ khác” - đại diện ban điều hành Đường sách Vũng Tàu nói.
|
Phố sách Hà Nội từ ngày thành lập đến nay đã 3 lần đổi đơn vị quản lý nhưng hoạt động vẫn không hiệu quả |
Phố sách Hà Nội cũng có nhiều vấn đề. Ông Nguyễn An Tiêm - Phó vụ trưởng Vụ Báo chí xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương - nhìn nhận: “Đường sách TP.HCM đạt được hiệu quả rất tốt, tạo ra một môi trường mà ở đó, văn hóa đọc được đẩy lên với tốc độ rất cao. Nếu nơi nào cũng được như vậy thì thật đáng khích lệ. Còn Phố sách Hà Nội đang lúng túng. Từ lúc thành lập đến nay, đã ba lần đổi cơ quan quản lý. Những dịp tết, lễ cũng có nhiều hoạt động thu hút bạn đọc, nhưng rồi thường xuyên trở về tình trạng đìu hiu.
Sách muốn đến với số đông bạn đọc, phải có không gian mở, rộng thoáng. Trong khi các gian hàng ở phố sách làm lồng kính, quây sách lại, sợ mất, lối vào chỉ vừa cho một người, thế thì thu hút được ai. Tôi nói thật, trong những nguyên nhân thất bại, nguyên nhân quan trọng nhất chính là yếu tố con người. Phải có những người thật sự tâm huyết với sách mới phát triển. Trong khi Phố sách Hà Nội lại giao quyền quản lý, điều hành cho người có chuyên môn về thể thao, làm sao mà khai thác tốt được”.
Ông Nguyễn An Tiêm cho biết, sắp tới Hà Nội sẽ cử đoàn công tác vào học hỏi mô hình Đường sách TP.HCM để áp dụng cho Phố sách Hà Nội. Đoàn lãnh đạo TP.Phúc Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) cũng vừa có chuyến tham quan Đường sách TP.HCM và nhờ tư vấn thành lập đường sách tại Vĩnh Phúc.
Công ty cổ phần Ngôi Sao Biển Sài Gòn - đơn vị phụ trách Đường sách Vũng Tàu - đang trong quá trình chuẩn bị cho công viên sách Lê Dương tại Đà Nẵng (cách cầu Rồng 300m). “Nếu cửa hiệu chỉ bán sách, e sẽ có nguy cơ bị đóng cửa. Nhưng nếu đó là không gian văn hóa đọc, sẽ thu hút được bạn đọc. Các hoạt động tại đường sách chắc chắn không chỉ có sách, văn hóa đọc mà phải kết hợp với các lĩnh vực khác: nghệ thuật, giáo dục, kinh tế, chính trị... Lấy sách làm lõi cho các sự kiện, sẽ lan tỏa được một cách tự nhiên” - ông Lê Hoàng nói thêm.
|
Đường sách Vũng Tàu khá vắng khách |
Thực tế, nếu chỉ để mua sách, bạn đọc không cần phải đến đường sách. Họ có thể đến các nhà sách gần nhà hoặc thậm chí đặt sách qua mạng. Không gian văn hóa này không chỉ là điểm đến lý tưởng cho nhiều đối tượng, mà còn giúp lan tỏa các giá trị ý nghĩa cho cộng đồng: nhận thức và hành động vì môi trường, chia sẻ yêu thương, làm điều tốt, các chương trình gây quỹ học bổng, phiên chợ sách cũ, tìm hiểu văn hóa… Mỗi địa phương có một lợi thế riêng về không gian văn hóa, ẩm thực, các giá trị bản địa. Nếu tận dụng hiệu quả cho các mô hình đường sách tại địa phương, có thể làm nên sức cộng hưởng hết sức to lớn để phát triển văn hóa đọc.
Bắt đầu lớp tập huấn phát triển thói quen đọc
Hội Xuất bản Việt Nam - Văn phòng đại diện phía Nam - vừa tổ chức chương trình tập huấn về "Cách thức hỗ trợ học sinh phát triển thói quen đọc sách trong nhà trường", diễn ra từ ngày 18-20/7 tại Thành đoàn TP.HCM. Đây là chương trình dành cho giáo viên, cán bộ thư viện và quản lý chuyên môn của các trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông trên địa bàn thành phố. Lớp học nhằm hướng dẫn học viên cách tiếp cận hiện đại, khoa học và chủ động trong việc giúp học sinh đọc sách hiệu quả.
Chương trình là bước chuẩn bị hiện thực hóa đề án mở tiết đọc sách trong nhà trường. Các giáo viên, cán bộ tham gia lớp tập huấn sẽ kết nối thành tổ chức câu lạc bộ/hiệp hội giáo viên phát triển thói quen đọc sách cho học sinh, dưới sự điều hành của Hội xuất bản Việt Nam cùng Trung tâm phát triển văn hóa đọc và kỹ năng sống Hướng Dương Việt.
|
Lục Diệp