Đây không chỉ là không gian dành cho sách mà còn là một nét văn hóa của TP. HCM, được các nhà làm sách lẫn công chúng mong đợi và đặt nhiều kỳ vọng, ông Lê Hoàng - Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, trưởng văn phòng đại diện phía Nam trò chuyện với phóng viên báo Phụ Nữ về đường sách TP.HCM- một trong những sự kiện nổi bật của ngành xuất bản năm 2015.
Đường sách làm hình ảnh đẹp, cảm xúc đẹp
* So với đề án, đường sách TP.HCM trên thực tế có khác gì không, thưa ông?
- Gần như không khác gì so với đề án chúng tôi đã trình lên UBND TP.HCM và thực hiện đúng theo chỉ thị về tính mục đích, yêu cầu của đường sách từ UBND TP.HCM.
Trên cơ sở đó, tiến độ xây dựng đường sách được chia thành ba giai đoạn cụ thể: chọn ứng cử viên “vàng”; thiết kế xây dựng dựa trên yêu cầu cao nhất về mặt thiết kế và mỹ thuật; đưa vào sử dụng cùng với nhiều hoạt động thiết thực, góp phần phát triển văn hóa đọc, tạo không gian văn hóa ý nghĩa phục vụ nhu cầu của người dân thành phố. Về cơ bản mọi thứ đã được chuẩn bị tươm tất, chỉ còn chờ đến ngày khai mạc.
* Ông vừa nói “ứng cử viên vàng”, vậy các đơn vị tham gia đường sách đã được xét tuyển trên những tiêu chí nào?
- Chúng tôi đã xét tuyển được 21/40 đơn vị mong muốn tham gia. Vào phút cuối có vài đơn vị rút khỏi danh sách vì nhiều lý do khách quan. Có thể nói đây là cuộc xét tuyển khá chặt chẽ, lựa chọn những đơn vị tốt của ngành xuất bản để phục vụ đường sách.
Thứ nhất, đó phải là những đơn vị đang hoạt động chính thức, có bề dày trong ngành xuất bản và phát hành. Thứ hai, phải có uy tín, thương hiệu, chưa từng bị mang tiếng về việc có sách gây ảnh hưởng xấu, bị dư luận phê phán. Tôi tin rằng với sự tuyển chọn gắt gao như vậy, đường sách sẽ “sống được” và có chất lượng.
* Trong ngày khai mạc đường sách có những hoạt động đáng chú ý nào?
- Trước hết là sự xuất hiện của 20 gian hàng của những đơn vị xuất bản, làm sách có uy tín. Bên cạnh đó là các hoạt động: trưng bày sách theo chủ đề thơ ca yêu nước gồm những tác phẩm ra đời trong giai đoạn kháng chiến; chợ phiên sách cũ (kéo dài đến tết Nguyên đán) để giao lưu, trao đổi sách cũ; không gian dành riêng cho các em thiếu nhi tô màu, đọc sách miễn phí và kể chuyện, đố vui về sách; hai quán cà phê sách là không gian mở cho các hoạt động giao lưu tác giả, tác phẩm.
Các hoạt động này là cơ bản chung và lâu dài của đường sách, còn sẽ có nhiều hoạt động chi tiết, cụ thể trong từng thời gian nhất định. Đường sách TP.HCM là tổng hòa những hoạt động dành cho người yêu sách diễn ra cùng lúc mà không có hội sách nào trước đó có được.
Chúng tôi cũng khuyến khích các tác giả tổ chức những buổi giao lưu, ra mắt sách tại đây. Chúng tôi luôn tạo điều kiện, hỗ trợ hết mình. Đường sách là không gian chung của mọi người.
* Đường sách TP.HCM có phỏng theo mô hình không gian sách nào ở các nước?
- Chúng ta chưa có điều kiện học hỏi theo các mô hình nước ngoài, nhưng trước mắt đó chính là sự kết hợp giá trị của các không gian sách Việt: từ phố sách Đặng Thị Nhu trước đây và phố sách Đinh Lễ. Chúng tôi đã kế thừa có chọn lọc để tạo nên một không gian vừa mang nét truyề n thống, gợi nhớ ký ức, vừa là những giá trị hiện đại. Tôi cho rằng đường sách TP.HCM là một điểm đến lý tưởng dành cho các gia đình.
|
Ngày 10/1/2016, đường sách TP.HCM (Q.1, TP.HCM) sẽ chính thức hoạt động. |
* “Không gian cho gia đình” được xem là thông điệp ý nghĩa mà đường sách hướng đến, nó được thể hiện như thế nào?
- Tôi vẫn hay tưởng tượng thế này: vào những ngày cuối tuần, các gia đình sau khi xem phim, ăn uống, mua sắm… sẽ đưa nhau đến đường sách. Ở đây là cả một không gian thanh bình để thưởng thức sách, bên ly cà phê, đôi lúc sẽ là khoảnh khắc lắng nghe tiếng chuông nhà thờ Đức Bà… Tận hưởng sách và cả những điều bình yên nhất của đời sống là một hình ảnh đẹp, cảm xúc đẹp.
TP.HCM đang hướng tới là một “thành phố đáng sống”, đường sách TP.HCM sẽ góp vào đó không gian văn hóa xứng đáng được tôn vinh, mang đến một đời sống có chất lượng, đáp ứng được mong ước của nhiều gia đình.