Đường phải thông để dẫn dắt sự phát triển

30/10/2023 - 06:24

PNO - Từ nhiều năm nay, trên Quốc lộ 13, tồn tại một nghịch lý: xe cộ qua tỉnh Bình Dương đang chạy bon bon trên đường rộng bỗng khựng lại, nhích từng chút một khi vừa vào địa phận TPHCM do đường bị “thắt cổ chai”.

Quốc lộ 13 đoạn qua tỉnh Bình Dương lần lượt được mở rộng từ 4 làn xe lên 6 làn, 8 làn và đang tiếp tục được nâng lên 8-10 làn xe, giúp hàng loạt khu công nghiệp, khu đô thị, dịch vụ dọc tuyến đường này phát triển rầm rộ. Cũng quốc lộ này nhưng đoạn qua TPHCM vẫn chưa được khai thông và vẫn là nỗi ám ảnh triền miên cho người dân.

Tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra ở hầu hết cửa ngõ ra vào TPHCM vừa gây bức bối cho người dân, cho giới tài xế xe khách, xe hàng, vừa cản trở sự giao thương, kết nối vùng của TPHCM với vai trò là hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ.

Do vậy việc HĐND TPHCM vận dụng cơ chế đặc thù từ Nghị quyết 98/2023/QH15 để thông qua hình thức đầu tư BOT cho 5 dự án nâng cấp, mở rộng các tuyến đường cửa ngõ chiến lược của TPHCM là một bước chuyển hết sức quan trọng. 

Cũng nhờ Nghị quyết 98, một số dự án xây cầu đã được hoàn thành hoặc tái khởi động sau nhiều năm bị bỏ dở. Sở Giao thông Vận tải TPHCM vừa chính thức thông xe cầu Long Kiểng (huyện Nhà Bè) và cầu Vàm Sát 2 (huyện Cần Giờ) sau nhiều năm dang dở. Riêng cầu Long Kiểng phải mất 22 năm mới hoàn thành tính từ khi dự án đầu tư được phê duyệt.

Nghị quyết 98 có thể giúp chính quyền và các cơ quan chức năng TPHCM thoát khỏi cảnh “đụng đâu cũng vướng”, từ đó huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội cho sự phát triển. Theo phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa - Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị TPHCM - cơ chế đặc thù giúp TPHCM thoát cảnh chỉ dám “đi chợ với số tiền eo hẹp trong lúc nhà đông con”. 

Với những kết quả bước đầu và với những cơ chế mới từ Nghị quyết 98, lĩnh vực giao thông của TPHCM được kỳ vọng sẽ có sự chuyển biến mạnh mẽ, rõ nét, dẫn dắt sự phát triển kinh tế, xã hội chứ không còn tình trạng theo sau nhu cầu phát triển.

Tuy vậy, để phát triển bền vững, cần có những phương án đầu tư bài bản giao thông, đó là xây dựng các trục đường chiến lược để kết nối, hình thành các khu trung tâm mới cho TPHCM. Ông Nguyễn Minh Hòa nhận xét, TPHCM là siêu đô thị hiếm hoi trên thế giới phát triển theo hướng thành phố đơn tâm. Cả thành phố rộng hơn 2.100km2 mà chỉ có một trung tâm với diện tích vỏn vẹn 170km2, tập trung đến 70% dân số.

Mỗi năm, dân số cơ học của TPHCM tăng khoảng 200.000-300.000 người, tương đương dân số của một quận nhỏ. Nếu tất cả đổ dồn vào vùng lõi thì dù có mở rộng bao nhiêu đường, cũng không đáp ứng nổi nhu cầu lưu thông. Do đó, xu hướng đa trung tâm được coi là giải pháp phát triển đô thị bền vững. 

Từ năm 1992, Đảng bộ, chính quyền TPHCM đã có định hướng phát triển đô thị đa trung tâm theo 4 hướng gồm phía đông (TP Thủ Đức), phía nam (huyện Nhà Bè), phía tây bắc (huyện Hóc Môn và Củ Chi), phía tây nam (huyện Bình Chánh). Nhưng hàng chục năm qua, thành phố vẫn đang phát triển theo kiểu “vết dầu loang” chứ chưa hình thành được khu đô thị nào có sức hút ngang với vùng lõi trung tâm. 

Do đó, đã đến lúc cần thực sự phát huy chiến lược “giao thông đi trước mở đường”, xây dựng các trục giao thông lớn kết nối đến các đô thị mới, cùng với phát triển mô hình TOD để vừa tạo nguồn vốn cho giao thông, vừa hình thành các đô thị mới, vừa góp phần chỉnh trang đô thị một cách bài bản. 

Nên “làm kinh tế giao thông”, phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng để “hạ tầng đẻ ra tiền”, tạo nguồn vốn lâu dài cho ngân sách thành phố. Cùng với việc quy hoạch đô thị theo hướng đa trung tâm, kinh tế giao thông, TOD sẽ là yếu tố quan trọng giúp TPHCM phát triển nhanh và bền vững. 

Phương Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI