Một buổi sáng Sài Gòn, người đàn ông bị tật chân, bán vé số, lăn bánh chiếc xe lăn đến chỗ chúng tôi đang ngồi uống cà phê bên vỉa hè; ông bật khóc. Trong tuyệt vọng, ông nói: “Tụi nó giật hết vé số của tui rồi”.
Có người gật gù thương cảm, có người nhìn ông bằng ánh mắt hoài nghi. Ở Sài Gòn, thời nay, chuyện người tàn tật đi mua bán mưu sinh, bị cướp hết hàng hóa, tiền bạc cũng không lạ. Nhưng ngay trong cái không lạ đó, người ta bắt đầu nghi ngờ chuyện chính họ dàn cảnh diễn thê lương để dối gạt, nhằm xin tiền bá tánh nhẹ dạ.
Một người đàn bà, trên đường đưa con đi học, dừng lại hóng chuyện, đã móc túi lấy ra tờ 10.000 đồng, cho người đàn ông tàn tật bị cướp vé số. Chứng kiến chuyện cho tiền, một người nói bâng quơ: “Kiểu này, ông đó chỉ cần đi vòng vòng, khóc hết buổi sáng là đủ vốn”.
Vì sao ngày nay lại có nhiều người trở nên thờ ơ, dửng dưng trước đồng loại như vậy?
Chính quyền nào cũng có lực lượng hành pháp để bảo đảm an toàn cho cộng đồng dân cư, nhưng tinh thần tương thân tương ái, cứu giúp người hoạn nạn vẫn luôn là giá trị nhân văn cần phải nuôi dưỡng, bồi đắp.
Các thế hệ đi trước, ngay bài học trong sách giáo khoa đầu đời, đã được dạy ra đường thấy đinh nhọn hay mảnh chai thì phải tự giác lượm bỏ, để người khác không đạp phải; thấy người già yếu, phải nhường đường, giúp họ qua đường, nhường ghế trên xe buýt… Từ những việc nhỏ vì cộng đồng đó, khi trưởng thành, từng người sẽ có trách nhiệm tạo dựng, giữ gìn các giá trị cá nhân, sao cho hài hòa với nét đẹp văn minh cộng đồng.
Một xã hội pháp quyền có thể không cần các tổ, nhóm tự phát với đặc tính thực thi quyền lực hành pháp, nhưng giữ gìn tinh thần hào hiệp, nghĩa khí truyền thống trong cộng đồng dân cư vẫn là việc lớn. Sẽ thật thiếu sót khi truyền thông và dư luận đề cao các hành động tự quản an ninh, hiệp sĩ đường phố… chống trộm cướp mà quên đi các trường hợp thường dân sức yếu, thế cô, bị côn đồ hiếp đáp hành hung hoặc chỉ đơn giản là chút hào hiệp nhỏ giữa đời thường.
Cần phải nhấn mạnh, có thể các cơ quan hành pháp không phản ứng kịp với người cô thế cần được cứu giúp và cũng có thể người không may đó không cần đến các nhóm tự quản, đội hiệp sĩ; nhưng một khi cộng đồng cư dân nơi họ sống và làm việc dửng dưng hoặc ngó lơ trước vấn nạn của họ thì điều đó gần như cho thấy con người, dù là trí thức hay ít học, giàu có hay nghèo hèn, quyền thế hay thường dân… đang dần mất đi tính người hào hiệp, cao thượng.
Trần Tiến Dũng