Đường nội ế ẩm vì đường nhập lậu

26/08/2024 - 07:55

PNO - Ông Nguyễn Văn Lộc - Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) - cho biết, theo phản ánh từ các doanh nghiệp thành viên VSSA, mấy tháng trở lại đây, đường sản xuất trong nước tồn kho cao, khó tiêu thụ do sức mua yếu, phải cạnh tranh với đường nhập lậu giá rẻ.

Theo VSSA, tính đến tháng 8/2024, tổng nguồn cung đường kính là hơn 1,33 triệu tấn, trong đó sản xuất trong nước 1,147 triệu tấn, nhập khẩu chính ngạch 188.879 tấn. Tính đến giữa tháng Tám, khoảng 60% lượng đường sản xuất của niên vụ 2023-2024 vẫn còn đang nằm trong kho của các nhà máy đường.

Lực lượng quản lý thị trường Phú Yên kiểm tra, xử lý đường nhập lậu
Lực lượng quản lý thị trường Phú Yên kiểm tra, xử lý đường nhập lậu

Từ đầu năm tới nay đã có hàng trăm ngàn tấn đường nhập lậu bị lực lượng quản lý thị trường (QLTT) phát hiện, thu giữ. Đơn cử tại Quảng Trị, ước tính từ đầu năm 2024 đến nay, Cục QLTT tỉnh này đã phát hiện, kiểm tra và xử lý 35 vụ việc kinh doanh đường cát nhập lậu với số lượng trên 112 tấn. Trong đó, nổi cộm là vụ ngăn chặn xe tải vận chuyển 35 tấn đường nhập lậu từ Thái Lan ngày 30/7/2024. Mới đây nhất vào ngày 23/8/2024, Cục QLTT Phú Yên phát hiện 16 tấn đường cát trắng Thái Lan, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, không hóa đơn chứng từ hợp pháp. Tại TPHCM, Cục QLTT cũng liên tục kiểm tra và phát hiện nhiều vụ kinh doanh đường nhập lậu từ Thái Lan ở các địa điểm kinh doanh gần chợ Bình Tây (quận 5)…

Về nguyên nhân đường trong nước không cạnh tranh được với đường nhập chính ngạch và đường nhập lậu, theo ông Nguyễn Văn Lộc, đầu tiên là do sau 4 vụ liên tiếp doanh nghiệp mía đường nâng giá mía thu mua cho nông dân, đến niên vụ 2023-2024 giá mía đã ở mức cao nhất trong 4 năm gần đây. Tuy nhiên, giá đường thế giới từ tháng 11/2023 đến tháng 8/2024 lại có xu hướng giảm dần. Trong khi đó, Thái Lan - quốc gia xuất khẩu đường thứ hai thế giới - có chế độ bảo hộ cho nông dân trồng mía nên có giá xuất khẩu rất thấp. Đường Thái Lan qua Lào, Campuchia rồi nhập lậu vào Việt Nam, gây sức ép cạnh tranh lên đường trong nước.

Dự báo trong các tháng cuối năm 2024, nguồn cung đường sẽ tiếp tục dư thừa do nhập khẩu chính ngạch từ các nước ASEAN, nhập lậu và đường tồn kho từ vụ ép 2023-2024.
“Giá đường nhập bán ở các chợ hiện chỉ trên 19.000 đồng/kg, thậm chí thấp hơn, còn giá đường của các nhà máy trong nước từ 20.000-22.000 đồng/kg (tùy loại). Chênh lệch về giá đang là điểm yếu khiến đường nội khó tiêu thụ” - ông Nguyễn Văn Lộc chia sẻ.

Để bảo vệ ngành đường, năm 2022, Bộ Công Thương đã áp thuế phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu chính ngạch từ Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar ở mức 47,64%. Tuy vậy, theo VSSA, cần có biện pháp mạnh đối với đường nhập lậu, có chế tài mạnh hơn đối với các hành vi buôn bán, nhập lậu đường thay vì xử phạt hành chính.

Mai Ca

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI