Đường nội dư 700.000 tấn, đường nhập lậu bán 10.000đ/kg

01/06/2018 - 08:17

PNO - Lượng đường trong nước hiện tồn kho trên dưới 700.000 tấn, nguyên nhân được cho là do đường lậu, đường giá rẻ mặc sức tung hoành.

Chất lượng đường lậu không dọa được người tiêu dùng

Mỗi khi Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) họp, vấn đề được các nhà sản xuất đường trong nước đề cập nhiều nhất vẫn là đường lậu. Đường lậu giá rẻ về nhiều đến mức có nhà máy đã tính đến chuyện không thể tiếp tục ép mía do không cạnh tranh nổi.

Doanh nghiệp, VSSA, chuyên gia cũng liên tục cảnh báo nguồn đường nhập lậu không được kiểm soát về chất lượng sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe người tiêu dùng, nhất là khi loại đường này dễ dàng bị thương lái pha trộn giữa các loại, thậm chí là trộn hóa chất để làm thành đường vàng, đường nâu…

Duong noi du 700.000 tan, duong nhap lau ban 10.000d/kg
Nông dân trồng mía sẽ chịu tác động khi lượng đường tồn kho trong nước lớn.

Theo đại diện các doanh nghiệp, không thể thống kê số lượng đường lậu từ Thái Lan vào Việt Nam, nhưng với lượng đường tồn kho trong nước trên dưới 700.000 tấn, có thể phần nào biết được lượng đường lậu lớn thế nào.

Ông Phạm Hồng Dương - Phó chủ tịch VSSA - cho hay, con số trên dưới 700.000 tấn chỉ là ước lượng. Tuy nhiên, theo ông Dương, hiện giá đường nhập lậu từ Thái Lan chỉ khoảng 11.200 đồng/kg, còn tại biên giới, giá chỉ khoảng 10.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá đường bán lẻ của các doanh nghiệp trong nước hiện khoảng 18.000 - 21.000 đồng/kg (tùy vào thương hiệu, chủng loại).

Như vậy, mức chênh lệch giá giữa đường lậu và đường trong nước quá nhiều. Các nhà sản xuất đường trong nước cũng không thể kiện đường nhập từ Thái Lan bán phá giá vì đây là… hàng nhập lậu.

Các khách hàng tiêu thụ lượng đường lớn, chẳng hạn các doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo, đồ uống, thực phẩm, dù không sử dụng đường lậu nhưng lại tìm đến nguồn đường lỏng (đường bắp) nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc vì giá loại đường này rẻ, lại không chịu thuế nhập khẩu.

VSSA từng nhiều lần cảnh báo nguồn đường này được chế biến từ bắp biến đổi gen, sử dụng nhiều loại hóa chất trong quá trình sản xuất (vì bắp là tinh bột nên quá trình sản xuất phải dùng một số loại a-xít thủy phân, sau đó phải trung hòa bằng một số loại chất xút) nhưng đây là sản phẩm nhập khẩu hợp pháp nên không thể cấm các nhà sản xuất trong nước sử dụng.

Rất nhiều người tiêu dùng khi được hỏi đều cho rằng, họ không nhận ra sự khác biệt về hình dạng, chất lượng giữa loại đường đóng bịch, cột dây thun bán đầy các chợ hay xe bán rong với đường kính trắng đóng trong bịch của các doanh nghiệp trong nước bán tại các cửa hàng, siêu thị. Họ cứ thấy rẻ thì mua.

Ông Phạm Hồng Dương cảnh báo, ngành đường đang gặp khá nhiều khó khăn và nếu không tỉnh táo, ngành này dễ rơi vào tay các doanh nghiệp nước ngoài. Khi đã mất thị trường nội địa, người tiêu dùng sẽ không thể tiêu thụ đường với giá 11.200 đồng/kg như hiện nay, vì khi đó, luật chơi là của các doanh nghiệp nước ngoài.  

Trước hết, phải tự trách mình 

Các chuyên gia kinh tế nhiều lần cảnh báo, ngành đường trong nước được bảo hộ quá lâu nên không thể “lớn” nổi. Tuy nhiên, ông Phạm Hồng Dương cho rằng, đó không phải là nguyên nhân, vì chính ngành đường Thái Lan cũng được bảo hộ từ hơn 30 năm nay.

Quan trọng là ngành đường của họ được hỗ trợ rất tốt về chính sách từ chính phủ. Chính sách hỗ trợ ngành đường Thái Lan được quy định bằng luật từ năm 1985, giá đường của họ cố định theo ba mức quota A, B,C. 

Cụ thể, nước này sản xuất ra khoảng 14,5 triệu tấn đường trong năm vừa qua, trong đó 3,5 triệu tấn thuộc quota A phục vụ cho tiêu dùng nội địa với giá cao tương đương với giá đường bán lẻ tại Việt Nam (hiện giá đường thuộc quota A bán lẻ tại thị trường Thái Lan khoảng hơn 26 bath/kg, tức hơn 18.000 đồng).

Quota B khoảng 1,5 triệu tấn là đường để tham khảo, tính giá tài trợ cho nông dân, bản chất đây là đường nguyên liệu, đường thô và sẽ dùng để nấu lại, giá khoảng 17 bath/kg. Quota C trôi nổi theo giá quốc tế và được các nhà máy tự quyết định giá bán, đây chính là nguồn đường được xuất lậu sang Việt Nam.

Với mỗi tấn đường bán được, họ trích ra 5 bath đưa vào quỹ mía đường; các nhà máy cũng trích 1 bath cho quỹ khi sản xuất ra 1 tấn đường. Quỹ đó lớn lên và dùng để tài trợ cho nông dân. Dù giá mía là 1.050 bath/tấn, các nhà máy sẽ chỉ phải trả 900 bath cho mỗi tấn mía thu mua của nông dân, phần còn lại sẽ dùng quỹ mía đường bù vào.

Ngoài ra, Chính phủ Thái Lan còn có chính sách tài trợ cho các giá trị gia tăng của ngành, như giá điện sản xuất từ bã mía ở Việt Nam chỉ 5,8 cent/kw, nhưng tại Thái Lan là 13 cent/kw; giá cồn sản xuất từ các sản phẩm sau mía dùng để sản xuất xăng sinh học cũng có mức chênh lệch lớn so với Việt Nam.

Chính phủ Thái Lan cũng miễn thuế thu nhập cho các doanh nghiệp đường đầu tư công nghệ mới và cho nông dân vay lãi suất thấp, nhưng Việt Nam thì không.

Hiện khắp các vùng miền đều có nhà máy đường nhưng các nhà máy này lại mang đường đi khắp nơi tiêu thụ làm phát sinh chi phí vận chuyển, phân phối, do đó, theo VSSA, tới đây, các doanh nghiệp sẽ phải phân vùng để phân phối, giảm giá thành. 

Ngoài ra, việc giảm chi phí mía trong giá thành đường cũng sẽ được tính đến bằng cách trồng những giống mía phù hợp, có năng suất cao hơn. 

Đại diện VSSA cho rằng, tính cả đầu vào lẫn đầu ra của ngành này, ngành đường Việt Nam đang bị “đối xử” không công bằng so với đường nhập khẩu. Nếu được Chính phủ giúp sức, các nhà sản xuất trong nước có thể cạnh tranh sòng phẳng với Thái Lan.

Giúp sức từ chính phủ, theo ông Phạm Hồng Dương, là phải đẩy mạnh chống buôn lậu, hạn chế nguồn đường lỏng nhập khẩu về bằng cách áp thuế. Thái Lan áp thuế nhập khẩu đường lỏng 20%, Brazil cấm nhập; vì vậy, không có lý do gì Việt Nam lại cho hưởng thuế suất 0% với sản phẩm này.

Doanh nghiệp ngành đường sẽ phải nâng công suất, cải tiến công nghệ nhưng cần Chính phủ giúp sức bằng cách nâng giá điện sinh khối, tăng khoản chênh lệch giá xăng E5 với các loại xăng khác lên để thúc đẩy tiêu thụ xăng E5, tăng nguồn thu cho doanh nghiệp đường, từ đó giúp giảm giá thành sản phẩm đường. 

Mặt khác, bản thân các doanh nghiệp trong ngành cũng phải thay đổi phương thức tiêu thụ. Ngành đường hiện qua khá nhiều cấp trung gian nên đang hướng tới cắt giảm những khâu này.

Thư Hùng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI