Đường nhạc TP.HCM sẽ không 'làm phiền' người dân

29/03/2017 - 10:44

PNO - Sáng 28/3, UBND cùng Ủy ban MTTQ Q.1 phối hợp tổ chức hội nghị phản biện đề án xây dựng Đường nhạc TP.HCM để lắng nghe ý kiến của giới chuyên môn, các tổ chức, đoàn thể và người dân.

Tại hội nghị, hầu hết các ý kiến đều hoan nghênh chủ trương của UBND Q.1 về việc quy hoạch, xây dựng Đường nhạc TP.HCM như một không gian văn hóa mở cho người dân lẫn du khách đến tìm hiểu, thưởng thức âm nhạc cũng như trao đổi văn hóa.

Theo nội dung bản dự thảo lần 3 (sẽ được trình lên UBND TP.HCM), Đường nhạc TP.HCM sẽ chạy suốt tuyến đường Alexandre de Rhodes, chia thành hai khu vực: khu vực từ đường Phạm Ngọc Thạch đến Pasteur sẽ được sử dụng cho các hoạt động mang tính động như biểu diễn âm nhạc, giao lưu; khu vực từ đường Pasteur đến Nam Kỳ Khởi Nghĩa sẽ dành cho các hoạt động mang tính tĩnh như trưng bày, mua bán, trao đổi các sản phẩm âm nhạc.

Ngoài các hoạt động âm nhạc thường ngày như biểu diễn âm nhạc đường phố, hát với nhau, Đường nhạc TP.HCM sẽ có các chương trình lớn, chuyên đề vào mỗi cuối tuần - từ thứ Sáu đến Chủ nhật.

Nếu đề án được thông qua và triển khai đúng tiến độ, tối 28/4, Đường nhạc TP.HCM sẽ ra mắt công chúng với chương trình Đường ta đi dài theo đất nước. Tối 29/4 là chương trình Hát cho dân tôi nghe. Tối 30/4 là chương trình Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh và trong ngày 1/5 sẽ là chương trình Mùa xuân đầu tiên.

Các cuối  tuần sau đó, dài cho đến hết năm 2017 là những chương trình âm nhạc theo chuyên đề hoặc theo các sự kiện lớn như chương trình âm nhạc dân tộc, giới thiệu tác giả - tác phẩm, đêm nhạc Ngày của Mẹ, chương trình nhạc thiếu nhi, ca khúc quốc tế, album trong tháng, giới thiệu nhạc khí Tây Nguyên, ca khúc biển đảo, chuyên đề nhạc phim, nhạc điện tử, nhảy breakdance và popping…

Trước thắc mắc của các đại biểu về việc hoạt động của Đường nhạc liệu có thể ảnh hưởng như thế nào đến các cơ quan, đơn vị cũng như đời sống người dân trong khu vực, đại diện Ban quản lý Đường nhạc TP.HCM cho biết, UBND Q.1 đã làm việc với các cơ quan như Sở Ngoại vụ TP.HCM, Hội Nhà báo TP.HCM… để đảm bảo các hoạt động tại Đường nhạc sẽ không gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường các cơ quan. 

Sân khấu chính cũng được thiết kế với âm thanh vừa đủ nghe trong khi ở các khu vực phụ sẽ chơi nhạc cụ mộc hoặc không có âm thanh, tránh tối đa việc gây ô nhiễm tiếng ồn. Bãi xe ô tô hiện đang tồn tại trên đường Alexandre de Rhodes cũng sẽ được dời đi. Nhìn về tương lai, Đường nhạc TP.HCM sẽ là một điểm kết nối thêm với Đường sách Nguyễn Văn Bình và có thể là khu ẩm thực dự kiến được triển khai trên đường Nguyễn Văn Chiêm.

Khi thành hình, Đường nhạc TP.HCM sẽ là nơi để người dân TP.HCM và du khách đến tìm hiểu về âm nhạc Việt Nam (đặc biệt là âm nhạc dân tộc) cũng như quốc tế, có thể tham gia biểu diễn tại chỗ cùng các nghệ sĩ; nghệ sĩ sẽ có thể tổ chức những buổi giao lưu với người hâm mộ, ra mắt sản phẩm mới; các hãng băng đĩa, nhạc cụ sẽ có nơi để kinh doanh và giới chuyên môn cũng sẽ có nơi để quây quần sẻ chia kiến thức, tìm kiếm cơ hội hợp tác.

Ở giai đoạn thử nghiệm, lực lượng chủ yếu sẽ hoạt động trên Đường nhạc TP.HCM là các câu lạc bộ, đội, nhóm thuộc Trung tâm Văn hóa Q.1, Nhà văn hóa Thanh niên, Nhà văn hóa Sinh viên và các đơn vị nghệ thuật trên địa bàn TP.HCM. Sau đó sẽ có sự tham gia của các đơn vị chuyên tổ chức sự kiện, truyền thông, doanh nghiệp kinh doanh nhạc cụ, công ty quản lý ca sĩ…

Cũng giống như Đường sách, Đường nhạc TP.HCM cũng sẽ được trang bị wi-fi miễn phí và có các ki-ốt phục vụ nước uống, thức ăn nhanh.

 Thành Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI